Tử hình nguyên Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Tân Phú
(Dân trí) - Lợi dụng chức vụ được giao là Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập, ký thủ tục kế toán sai quy định để chiếm đoạt hơn 54,1 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.
Sau 2 ngày xét xử, chiều 1/6, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Thi Danh (sinh năm 1957, nguyên Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú) mức án tử hình và Nguyễn Duy Linh (sinh năm 1981, nguyên kế toán trưởng Ban BTGPMB quận Tân Phú) 15 năm tù cùng về tội tham ô tài sản.
Liên quan tới vụ án, các đồng phạm giúp sức cho Thi Danh tham ô tài sản bị tuyên phạt mức án 2 – 5 năm tù.
Theo cáo trạng, Ban BTGPMB quận Tân Phú được thành lập vào năm 2003, trực thuộc UBND quận Tân Phú. Ban này có nhiệm vụ lập dự án hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, báo cáo thẩm định và trình duyệt nội dung phân công, phân cấp của UBND quận và UBND TPHCM, xác định mức bồi thường, hỗ trợ cho từng đối tượng, hỗ trợ dự án theo quy định.
Từ tháng 11/2003 đến tháng 1/2016, Ban BTGPMB quận Tân Phú được UBND quận Tân Phú giao thực hiện nhiều dự án trên địa bàn, trong đó có 6 dự án, qua kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm.
Cụ thể, tại dự án Cải tạo Kênh và đường dọc Kênh Tân Hóa-Lò Gốm, Thi Danh và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 23 tỉ đồng.
Tại dự án nâng cấp, mở rộng đường Lũy Bán Bích, nguồn kinh phí bồi thường cho 2 hộ dân nhưng Thi Danh lại gửi tiết kiệm, sau đó chỉ đạo Linh chuyển 450 triệu đồng vào tài khoản của Ban để chiếm đoạt. Số tiền còn lại, Danh tiếp tục ký hợp đồng tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Tại dự án Bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tài sản và các vật kiến trúc khác đối với Công ty cổ phần nước ngầm 2, UBND TPHCM chấp thuận cho phép UBND quận Tân Phú thực hiện thu hồi trước một phần diện tích 6.732,5m2. Nguồn kinh phí thuộc ngân sách TPHCM do Ban quản lý lưới điện TPHCM cấp tạm ứng 2 tỉ đồng và nguồn ngân sách UBND quận Tân Phú cấp tạm ứng gần 2,3 tỉ đồng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tài sản và các vật kiến trúc khác đối với Công ty nước ngầm 2.
Sau khi chi trả cho công ty nước ngầm 2 gần 2,3 tỉ đồng, còn lại 2 tỉ đồng, Danh đã chỉ đạo Linh lập chứng từ chi cho 3 đối tượng không thuộc diện được hỗ trợ, bồi thường hơn 1,9 tỉ đồng để Danh chiếm đoạt số tiền này.
Tại dự án Đầu tư, xây dựng Khu liên hợp Văn hoá thể thao và dân cư Tân Thắng tại phường Sơn Kỳ, nguồn kinh phí hơn 20 tỉ đồng của Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Thương Tín, chuyển vào tài khoản của Ban để chi trả cho 5 hộ dân.
Do 5 hộ dân còn khiếu nại về đơn giá bồi thường và chưa đồng ý nhận tiền nên Danh đại diện cho Ban gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Sau đó, từ ngày 9/1/2014 đến 20/1/2015, Danh chỉ đạo Linh lập giấy đề nghị đóng tài khoản tiền gửi tiết kiệm rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.
Ngoài ra, tại dự án Bồi thường giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng 2 đoạn tuyến giao thông kết nối Khu liên hợp Văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng, Danh đã chỉ đạo Linh lập chứng từ sai quy định chiếm đoạt 7,78 tỉ đồng sử dụng cá nhân.
Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú, Danh cũng chiếm đoạt 200 triệu đồng.
Đến ngày 14/12/2015, UBND quận Tân Phú thành lập Đoàn kiểm tra việc quyết toán hoạt động thu, chi tài chính, phát hiện sự việc nên chuyển cơ quan điều tra.
Theo cáo trạng, Danh đã lợi dụng quyền hạn là Trưởng ban đã chỉ đạo Linh lập, ký thủ tục kế toán sai quy định để chiếm đoạt hơn 54,1 tỉ đồng.
Về trách nhiệm bồi thường dân sự, HĐXX nhận định sau khi rút tiền, Thi Danh dùng để trả nợ cá nhân. Số tiền này là tang vật vụ án nên cần thu hồi nhằm thi hành án. Từ đó, HĐXX tuyên buộc Thi Danh cùng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bồi thường (trong đó Thi Danh bồi thường 32 tỉ đồng nợ gốc và 9 tỉ đồng tiền lãi phát sinh).
Sau khi tuyên án, HĐXX đã kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ vai trò những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã nhận tiền từ Thi Danh, nếu có dấu hiệu đồng phạm giúp sức thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Xuân Duy