1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nguyên Tổng giám đốc VNCB nói về “ vực thẳm” cuốn VNCB vào vũng lầy

(Dân trí) - “Số tiền phải trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh là quá lớn. Phía VNCB phải trả thêm 2.700 tỉ đồng lãi ngoài cho ông Thanh. Tổng số tiền mà VNCB phải trả cho ông Thanh gần 9.000 tỉ. Đó là “vực thẳm” cuốn VNCB vào vũng lầy, trả mãi cũng không hết” , bị cáo Phan Thành Mai khai nhận tại tòa.

Trầm Bê không biết VNCB đang bị NHNN giám sát?

Trả lời câu hỏi của luật sư, Trầm Bê trả lời rằng ông không biết VNCB đang bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giám sát, nếu biết thì không cho vay hoặc cho vay phải có ý kiến của Tổ Giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 11/1, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trầm Bê cho rằng mình không biết ngân hàng VNCB đang bị giám sát.
Trầm Bê cho rằng mình không biết ngân hàng VNCB đang bị giám sát.

Phiên tòa sáng nay tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo về hành vi Trầm Bê ký duyệt cho 6 công ty “ma” của Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ dẫn đến VNCB thiệt hại 1.835 tỉ.

Mở đầu phiên tòa, Trầm Bê khai ông có quen biết với ông Danh từ nhiều năm trước, khi đó ông Danh là khách hàng vay tiền của ngân hàng Phương Nam. Còn sau này khi đã cùng là lãnh đạo các ngân hàng nên thường xuyên gặp gỡ trao đổi với nhau.

Trầm Bê cho biết việc ông Danh đặt vấn đề "vay từ một ngàn mấy đến hai ngàn tỉ" thì đây là số tiền tương đối lớn, hạn mức này do ông quản lý nên đầu tiên phải gặp ông. Đối với toàn bộ khách hàng chứ không riêng gì ông Danh, phải gặp đúng người quản lý về hạn mức. Với chức vụ của mình, ông Trầm Bê phụ trách hạn mức dưới 1.800 tỉ đồng. Nếu trên 1.800 tỉ đồng thì phải có ý kiến của hội đồng quản trị Sacombank.

Ông Trầm Bê đồng ý cho vay nhưng phải có tài sản đảm bảo như bất động sản, sổ tiết kiệm, bảo lãnh của ngân hàng. Ông Danh đồng ý và ông Bê dắt ông Danh xuống gặp ông Khang, giao lại cho ông Khang thực hiện.

“Vậy ông có biết VNCB tại thời điểm đó đang bị Ngân hàng Nhà nước giám sát đặc biệt hay không?” - luật sư đặt câu hỏi.

Ông Trầm Bê trả lời rằng ông không biết VNCB đang bị Ngân hàng Nhà nước giám sát, nếu biết thì không cho vay hoặc cho vay phải có ý kiến của Tổ Giám sát Ngân hàng Nhà nước.

“Vực thẳm” cuốn VNCB vào vũng lầy

Cũng trong phiên tòa sáng nay, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) khai rằng, để đảm bảo thanh khoản, duy trì hoạt động của ngân hàng VNCB, ông Danh chỉ đạo thuộc cấp cứu ngân hàng bằng mọi cách. Lúc này ông Danh thường xuyên phải bỏ tiền túi ra đề chi trả lãi ngoài.

Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB)
Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB)

Về khoản vay 1.800 tỉ đồng vay từ ông Trầm Bê, ông Phan Thành Mai khai số tiền này còn phải trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh.

“Thời điểm đó, số tiền phải trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh là quá lớn. Phía VNCB phải trả thêm 2.700 tỉ đồng lãi ngoài cho ông Thanh. Tổng số tiền mà VNCB phải trả cho ông Thanh gần 9.000 tỉ. Đó là “vực thẳm” cuốn VNCB vào vũng lầy, trả mãi cũng không hết”, Phan Thành Mai khai nhận tại phiên tòa.

Liên quan đến lãi ngoài, ông Danh nhiều lần yêu cầu gặp ông Trần Quý Thanh để đối chất.

Tại phiên tòa này, tòa triệu tập ông Trần Quý Thanh và con gái Trần Ngọc Bích tham gia với tư cách người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan. Ông Thanh vắng mặt và cử đại diện, bà Trần Ngọc Bích trực tiếp tham gia phiên tòa.

Trong cáo trạng, cha con ông Trần Quý Thanh tham gia phiên tòa vì ông Danh khai sử dụng 195 tỉ đồng mà ông Phạm Công Danh vay mượn chuyển đến tài khoản cá nhân ông Trần Quý Thanh (mở tại ngân hàng ACB) để trả lãi ngoài cho ông Thanh.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục xét hỏi những vấn đề xung quanh khoản vay 1.800 tỉ đồng của ông Phạm Công Danh từ Sacombank.

Xuân Duy