1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma đối mặt với mức án tử hình

(Dân trí) - Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma bị truy tố về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo khoản 4 điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 có khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Ngày 8/7, TAND TPHCM đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại công ty VN Pharma. Đồng thời, Chánh án TAND TPHCM đã phân công thẩm phán thụ lý hồ sơ vụ án.

Theo đó, ông Phạm Lương Toản (Chánh tòa hình sự) được phân công thụ lý hồ sơ và xét xử vụ án.

Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma đối mặt với mức án tử hình - 1
Bị can Cường và Hùng (bìa phải) đối mặt với mức án tử hình.

Trước đó, ngày 3/7, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1978, nguyên tổng giám đốc công ty cổ phần VN Pharma) cùng 11 đồng phạm về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo khoản 4 điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 có khung hình phạt lên đến tử hình.

Vào tháng 7/2017, TAND TPHCM đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường 12 năm tù về tội buôn lậu. 7 bị cáo còn lại trong vụ án bị kết án về tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Sau khi bản án được tuyên, dư luận đã có nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ vì cho rằng hành vi của các bị cáo là buôn bán thuốc chữa bệnh giả chứ không phải hành vi buôn lậu.

Tháng 10/2017, toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TPHCM đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại. HĐXX nhận định tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo cùng một tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức là chưa đầy đủ, toàn diện, chưa phản ánh hết nội dung vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 bị can gồm Phan Xuân Thiện (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma), Hoàng Trúc Vy (nhân viên phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) và Phạm Quỳnh Trang (nhân viên công ty TNHH hàng hải quốc tế H&C), nâng tổng số bị can trong vụ án lên 12 người.

Đối với trách nhiệm của các chuyên gia, cán bộ Cục quản lý Dược, Bộ Y tế đã để xảy ra việc nhập lô thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam. Tài liệu điều tra  có đủ căn cứ xác định các chuyên gia và cán bộ Cục quản lý Dược tham gia thẩm định, cấp phép nhập lô thuốc đã không làm hết trách nhiệm, bỏ qua các điều kiện để cấp giấy phép nhập lô thuốc H-Capita cho công ty VN Pharma. Từ sai phạm trong việc cấp phép dẫn đến công ty VN Pharma nhập thuốc chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam.

Viện KSND Tối cao đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra làm rõ, tuy nhiên cơ quan điều tra chưa thực hiện việc khởi tố. Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, cơ quan điều tra đã tách hồ sơ, tiếp tục điều tra làm rõ xử lý sau.

Đối với ông Phạm Đình Chương (công chức hải quan chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) là người đã làm thủ tục thông quan lô thuốc H-Capita. Quá trình kiểm tra hồ sơ, Chương không phát hiện được sự việc không đồng nhất giữa các tài liệu trong hồ sơ nhập khẩu. Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, cơ quan điều tra đã tách hồ sơ, tiếp tục điều tra làm rõ xử lý sau.

Đối tượng tên Raymundo Y.Mararac và Collin chưa xác định được nhân thân và lai lịch cụ thể, cơ quan điều tra đã tách xử lý sau.

Đối với trách nhiệm của ông Võ Ngọc Hân (phó trưởng phòng tư pháp quận 3), ông Trần Ngọc Khang (trưởng phòng tư pháp quận 10)  và ông Nguyễn Văn Cường (phó trưởng phòng tư pháp quận 10)  là những người đã ký chứng thực các giấy tờ mang tên công ty Helix Canada. Kết quả điều tra xác định các cá nhân trên đã thực hiện nhiệm vụ chứng thực theo đúng quy định của pháp luật, không biết tài liệu chứng thực bị làm giả, nên cơ quan điều tra không đề nghị xử lý trách nhiệm.

Đối với một số nhân viên hành chính của công ty VN Pharma được giao nhiệm vụ làm một số con dấu, những người này đã mang những con dấu trên giao cho phòng hành chính và không biết sử dụng vào mục đích gì nên không đủ căn cứ xử lý hình sự.

Xuân Duy