Nguyên Tổng giám đốc Navibank bị đề nghị mức án 14-15 năm tù
(Dân trí) - Theo đại diện Viện KSND TPHCM, các bị cáo đều kêu oan nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án, diễn biến tại phiên tòa thì có đủ căn cứ buộc tội các nguyên lãnh đạo Navibank.
Sau 2 tuần xét xử, chiều 12/3, phiên tòa xét xử ông Lê Quang Trí (nguyên Tổng giám đốc Navibank) và đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm bước vào phần tranh luận.
Trước khi tranh luận, đại diện Viện KSND TPHCM phát biểu phần luận tội cũng như đề nghị mức án cụ thể đồi với từng bị cáo.
Theo đại diện Viện KSND TPHCM, thực hiện chủ trương trái pháp luật của lãnh đạo, Navibank chuyển tiền cho các nhân viên đứng tên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác để hưởng lãi suất cao ngoài hợp đồng.
Từ ngày 9/11/2010 đến ngày 27/5/2011, hội đồng tín dụng của Navibank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho 14 nhân viên số tiền hơn 1.543 tỉ đồng để các nhân viên này gửi vào Vietinbank Nhà Bè lấy lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 2,5% đến 8,5%/năm. Tổng số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng được Huyền Như trả là hơn 24,5 tỉ đồng.
Từ chủ trương, hành vi trái pháp luật của các lãnh đạo Navibank, Huyền Như đã lợi dụng chiếm đoạt 200 tỉ đồng của ngân hàng này.
Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo kêu oan và cho rằng việc cho nhân viên Navibank vay tiền là đúng quy định của pháp luật, những hợp đồng vay này được đảm bảo hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Trong luật các tổ chức tín dụng không có cấm việc này cũng như không quy định việc hạn mức cho vay tiêu dùng là bao nhiêu nên cáo trạng quy kết các bị cáo cố ý làm trái là không đúng. Giao dịch tiền gửi tại các ngân hàng là hợp lệ nên số tiền 200 tỉ đồng hiện đang ở ngân hàng Vietinbank. Vì vậy, các bị cáo yêu cầu Vietinbank có trách nhiệm bồi thường cho Navibank số tiền 200 tỉ đồng.
Đại diện Viện KSND TPHCM nhận định lời khai của các bị cáo không phù hợp với lời khai của bị án Huỳnh Thị Huyền Như.
Các bị cáo cho rằng mình không có ý làm trái, tuy nhiên, thay vì gửi tiền qua thị trường 2 thì bị cáo Trí đã họp và thống nhất phương án cho nhân viên vay tiền rồi gửi vào Vietinbank nhằm hưởng lãi suất ngoài. Hành vi phạm của các bị cáo đã vi phạm điều 1 Thông tư 02/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất trần, vi phạm khoản 3, 4 điều 7 về điều kiện vay vốn của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, vi phạm về xét duyệt cấp tín dụng quy định tại điều 94 luật Các tổ chức tín dụng.
Viện Kiểm sát cho rằng, hậu quả mất 200 tỉ đồng của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, theo diễn biến xét hỏi tại phiên toà, bản chất vụ án không có gì thay đổi nên cáo trạng quy kết đúng người, đúng tội.
Đồng thời, hành vi của 10 bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động quản lý kinh tế nhà nước, ảnh hưởng đến ngành tài chính ngân hàng, được dư luận đặc biệt quan tâm nên hình phạt cần nghiêm khắc và cách ly ra khỏi xã hội một thời gian.
Trong vụ án này bị cáo Lê Quang Trí là người tổ chức cuộc họp thống nhất phương án cũng như chỉ đạo nhân viên thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, cần có mức án nghiêm khắc hơn đối với các bị cáo khác. Trong vụ án này chỉ có bị cáo Oanh thừa nhận hành vi phạm tội, vì vậy cần áp dụng các tình tiết để giảm nhẹ cho bị cáo Oanh.
Theo đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt nguyên Tổng giám đốc Lê Quang Trí 14 - 15 năm tù.
Nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Giang Nam, nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng Kế toán Huỳnh Vĩnh Phát, nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp Trần Thanh Bình mức án từ 12-13 năm tù.
Nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Hồng Sơn, Cao Kim Sơn Cương từ 10-11 năm tù.
Nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Đinh Thị Đoan Trang mức án từ 9 - 10 năm tù.
Nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro Nguyễn Ngọc Oanh và nguyên Trưởng phòng Pháp chế Phạm Thị Thu Hiền mức án từ 8-9 năm tù.
Về biện pháp tư pháp, Viện kiểm sát cũng đề nghị Navibank nộp lại số tiền gần 25 tỉ đồng lãi ngoài để sung công quỹ nhà nước vì đây là số tiền thu lợi bất chính.
Xuân Duy