Nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình lĩnh 20 năm tù

(Dân trí) - Sau 4 ngày xét xử, đến 18 giờ chiều ngày 30/3, HĐXX đã đọc bản tuyên án dành cho 9 bị cáo thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashin. Nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình nhận mức án 20 năm tù giam.

Phiên tranh tụng đối đáp giữa Đại diện VKS và các luật sư - bị cáo trong vụ án“Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” diễn ra khá căng thẳng kéo dài từ sáng 29/3 đến hơn 14 giờ chiều ngày 30/3. Tiếp đó, HĐXX yêu cầu các bị cáo nói lời cuối cùng tại toà, rồi chuyển sang phần nghị án, dời tuyên án đến 16 giờ chiều cùng ngày.

 

Đến 18 giờ, Thẩm phán Trần Văn Nghiên, Chánh tòa kinh tế TAND TP Hải Phòng - Chủ tọa phiên tòa đã tuyên đọc bản án dành cho 9 bị cáo như sau:

 

Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin) 20 năm tù; Trần Văn Liêm (nguyên trưởng Ban Kiểm soát Vinashin) 19 năm tù; Tô Nghiêm (nguyên tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà)18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyên (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) 16 năm tù; Trịnh Thị Hậu (nguyên tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy) 14 năm tù; Hoàng Gia Hiệp (nguyên phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy) 13 năm tù.

 

Trần Quang Vũ (nguyên tổng giám đốc Vinashin, đã nộp 1 tỉ đồng khắc phục một phần hậu quả) 11 năm tù và Đỗ Đình Côn (nguyên phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) nhận mức án 10 năm tù.

 

Riêng Nguyễn Tuấn Dương (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long) nhận 3 năm tù về tội “Sử dụng trái phép tài sản” được VKS đề nghị chuyển đổi tội danh đã định trước đó.


Nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình lĩnh 20 năm tù
Nguyên Chủ tịch Vinashin bị tuyên phạt mức án 20 năm tù sau những sai phạm nghiêm trọng xẩy ra tại Tập đoàn Vinashin.

 

Trước đó, khi nói lời cuối cùng trước vành móng ngựa, Nguyên chủ tịchVinashin Phạm Thanh Bình đã thẳng thắn thừa nhận, thực hiện sai chỉ đạo của Chính phủ. “Bị cáo có những lúc nôn nóng, thậm chí có lúc “xé rào” làm sai quy định. Việc làm bị cáo không mang lợi ích cá nhân nên mong HĐXX xem xét giảm tội cho tôi” - Phạm Thanh Bình nói.

 

Còn bị cáo Trần Văn Liêm trước khi nói lời cuối cùng đã "xin” HĐXX dành cho bị cáo này 1 phút để bị cáo giãi bày việc Tập đoàn Vinashin được thành lập thí điểm nhưng chưa có điều lệ cụ thể. Bị cáo này khẳng định làm theo sự chỉ đạo của Phạm Thanh Bình mà không ý thức được việc dẫn đến phạm tội.

 

Trong lời cuối, bị cáo Liêm cho biết sẵn sàng chịu liên đới trong vụ án vì đã nhận thức và ý thức được sai phạm mong HĐXX xem xét vì sao bị cáo này sai phạm để nhận sự khoan hồng của pháp luật.
 

Nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình lĩnh 20 năm tù
9 bị cáo trong vụ án sai phạm tại Vinashin.

Tương tự bị cáo Liêm, bị cáo Tô Nghiêm cũng đã nhận thức rõ hành vi phạm tội, mong HĐXX chú ý đến hoàn cảnh, động cơ không có vụ lợi để bị cáo này được nhận sự khoan hồng.

 

Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên đã thừa nhận trong quá trình thực hiện dự án nhiệt điện Sông Hồng có sai phạm và mong được hưởng khoan hồng. Bị cáo Đỗ Đình Côn thì mong HĐXX xem xét hoàn cảnh của bị cáo tại thời điểm tham gia công ty Hoàng Anh để có phán quyết công minh đối với bản thân bị cáo.

 

Riêng bị cáo Trịnh Thị Hậu khi đứng trước vành móng ngựa đã nài nỉ xin HĐXX cho bị cáo này trình bày thêm 2 phút liên quan đến hợp đồng vay vốn của VFC nhưng HĐXX không đồng ý vì những gì cần nói thì bị cáo và luật sư bảo vệ đã đưa ra quan điểm và đối đáp với VKS tại phần tranh tụng trước đó.

 

Trước sự nài nỉ muốn nói một câu trước khi nói lời cuối cùng, HĐXX đã đồng ý để bị cáo này hỏi việc hợp đồng VFC cho vay vốn thì VFC có được thu hồi vốn không?.

 

“Hành vi của bị cáo đã khai nhận tại toà, bị cáo mong muốn nhận sự khoan hồng để sớm về nhà vì có chồng là thương binh và người mẹ già yếu” - bị cáo Hậu giãi bày.

 

Các bị cáo còn lại Trần Quang Vũ, Nguyễn Tuấn Dương, Hoàng Gia Hiệp cũng đã thừa nhận có sai phạm liên quan và mong được HĐXX xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể từng bị cáo để phán xét công minh và cho bị cáo được hưởng khoan hồng theo quy định pháp luật.

 

Như vậy, vụ án sai phạm có tính chất đặc biệt của nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình và 8 thuộc cấp trong 5 dự án của Vinashin là Mua tàu Hoa Sen, Đầu tư nhà máy nhiệt điện Cái Lân, Nhiệt điện Sông Hồng, Tàu Bình Định Star và việc phá dỡ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thất thoát số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước được đưa ra xét xử đã kết thúc và vào ngày 30/3 sau 4 ngày làm việc.

Quốc Đô