1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nguyên chủ tịch Tập đoàn cao su Việt Nam hầu tòa

(Dân trí) - Ngày 6/8, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử vụ án sai phạm gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại Tập đoàn Cao su Việt Nam.

Theo đó, bị cáo Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3, Điều 165 – Bộ luật Hình sự năm 1999 có khung hình phạt lên tới 20 năm tù.

Nguyên chủ tịch Tập đoàn cao su Việt Nam hầu tòa - 1
Bị cáo Lê Quang Thung tại tòa.

Cùng bị truy tố về tội danh trên còn có: Nguyễn Thành Châu (nguyên Giám đốc công ty Cao su Đồng Nai), Nguyễn Văn Minh (nguyên Kế toán trưởng công ty Cao su Đồng Nai), Nguyễn Hồng Phú (nguyên giám đốc công ty Cao su Phú Riềng) và Hoàng Văn Sơn (Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng).

Tại phiên tòa hôm nay, tòa triệu tập 15 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng. Tuy nhiên, nhiều người có đơn xin vắng mặt và giữ nguyên lời khai như tại cơ quan điều tra. Xét thấy, sự vắng mặt của người liên quan không ảnh hưởng tới quá trình xét xử, vì vậy HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2007 đến 2008, VRG không có chủ trương thành lập, góp vốn vào công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu thủy sản Đồng Tháp (gọi tắt là công ty thủy sản Đồng Tháp) - lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Tuy nhiên, Lê Quang Thung vẫn đứng ra tổ chức thành lập công ty thủy sản Đồng Tháp.

Sau đó, lợi dụng chức vụ là tổng giám đốc, ông Thung đã chỉ đạo lãnh đạo nhiều đơn vị trực thuộc sử dụng quỹ phúc lợi của công ty, góp vốn vào Công ty thủy sản Đồng Tháp trái quy định.

Nguyên chủ tịch tập đoàn cao su Việt Nam hầu tòa

Cụ thể, Nguyễn Thành Châu (lúc đó là giám đốc công ty Cao su Đồng Nai) đã quyết định và chỉ đạo Nguyễn Văn Minh (lúc đó là kế toán trưởng công ty Cao su Đồng Nai) thực hiện việc góp vốn vào công ty thủy sản Đồng Tháp số tiền 22,4 tỉ đồng bằng nguồn quỹ phúc lợi.

Nguyễn Hồng Phú (lúc đó là Giám đốc công ty Cao su Phú Riềng) cũng chỉ đạo Hoàng Văn Sơn (kế toán trưởng Công ty cao su Phú Riềng) thực hiện việc góp vốn vào Công ty thủy sản Đồng Tháp hơn 20,8 tỉ đồng.

Hành vi trên của các bị cáo đã dẫn đến hậu quả công ty Cao su Đồng Nai và công ty cao su Phú Riềng không thu hồi được số tiền góp vốn, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 43,2 tỉ đồng.

Từ khi thành lập vào năm 2007, Công ty thủy sản Đồng Tháp kinh doanh không hiệu quả, liên tục thua lỗ, nhiều khoản vay sử dụng sai mục đích, nợ phải trả lên đến trên 253 tỉ đồng.

Trong vụ án này, ông Thung đóng vai trò chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo việc góp vốn trái quy định. Các bị cáo còn lại có vai trò là người thực hiện tích cực.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo xử lý phản ánh của báo chí về các sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại VRG và các đơn vị thành viên trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2011 đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Cụ thể, năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra và kiến nghị xử lý về kinh tế trên 8.366 tỉ đồng, kiến nghị kiểm điểm hàng loạt tập thể, cá nhân thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và VRG.

Thanh tra Chính phủ xác định VRG đầu tư vốn ra bên ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ gần 2.600 tỉ đồng. Đầu tư ngoài ngành của VRG chủ yếu là thủy điện, ximăng, thép, chứng khoán... nhưng hầu hết đều thua lỗ.

Quá trình thanh tra cũng phát hiện nhiều sai phạm tại công ty tài chính TNHH một thành viên Cao su Việt Nam (RFC).

Đơn vị này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh mua bán kỳ hạn chứng khoán nhưng vẫn có 43 hợp đồng trị giá gần 24 tỉ đồng thực hiện trước khi hội đồng quản trị của RFC cho phép.

Tính đến hết năm 2013, RFC có tổng dư nợ lên đến hơn 3.500 tỉ đồng, trong đó hơn 1.900 tỉ đồng có khả năng mất vốn, hơn 246 tỉ đồng có nghi ngờ mất vốn.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra đối với các sai phạm tại RFC.

Ngoài ra, quá trình thanh tra cũng xác định việc đầu tư góp vốn vào công ty cổ phần Thương mại dịch vụ và du lịch cao su chủ yếu để đầu tư khách sạn tại Móng Cái (Quảng Ninh) có nhiều vi phạm.

Đáng chú ý, công ty cổ phần cao su Phú Riềng - Kratie (PRK) có tới 85% diện tích cao su trồng bị chết hoặc không đảm bảo chỉ số phát triển.

PRK còn sử dụng vốn đầu tư sai mục đích như việc đầu tư vào một số dự án khác khi chưa được phép đầu tư tại Campuchia. Thiệt hại của PRK được xác định khả năng lên tới trên 600 tỉ đồng.

Dự kiến phiên tòa kéo dài trong nhiều ngày.

 Xuân Duy