Người đốt nhà bố vợ khiến bé trai 6 tuổi tử vong đối diện tội danh nào?
(Dân trí) - “Sự việc xảy ra là một bi kịch đối với gia đình. Chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, đối tượng đã chuẩn bị xăng rồi mang sang nhà bố vợ tìm gặp vợ để giải quyết mâu thuẫn, đây là hành vi có chủ ý tước đoạt tính mạng người khác. Như vậy, hành vi của Hoàng Tiến Linh đã cấu thành tội “Giết người” quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Như Dân trí đã thông tin, đêm ngày 12/10, một vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại căn nhà cấp 4 nằm trong ngõ 30, phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Theo thông tin ban đầu, do mâu thuẫn với vợ (chị Trần Kim S.), anh Hoàng Tiến Linh (40 tuổi) đã mang xăng đến nhà bố vợ phóng hỏa khiến 5 người bị bỏng, nhiều đồ đạc, tài sản bị ngọn lửa thiêu rụi.
Trong đó, anh Linh cùng bé Trần Gia K. (6 tuổi, là con riêng của chị S.) bị bỏng nặng phải nhập viện điều trị. Do bị bỏng quá nặng, cháu K. đã qua đời sau đó. Được biết, anh Linh đang nằm viện điều trị do 2 chân bị bỏng.
Người thân trong gia đình kể lại, anh Linh và chị S. về chung sống với nhau được hơn 4 năm nay. Trước đó cả 2 người đều có gia đình và con riêng nhưng đã đổ vỡ.
Có thể đối mặt với hình phạt tử hình
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) nhìn nhận, nếu vì lý do mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng dẫn đến hành vi của Linh là chuẩn bị xăng mang đến nhà bố vợ phóng hỏa cho thấy Linh đã có chủ ý tước đoạt tính mạng người khác.
Bên cạnh đó, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ. Tại điều 6 - Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em ghi nhận: “Các quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống. Các quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em”.
Cũng theo luật sư Thơm, trước thông tin được báo chí phản ánh, vụ hỏa hoạn đã khiến cháu K. tử vong, chị S. cùng một số thành viên may mắn thoát chết nhưng vẫn bị thương tích. Đồng thời, nhiều tài sản của gia đình bị thiêu rụi.
Vì vậy, hành động của anh Linh đã có dấu hiệu cấu thành 2 tội danh đặc biệt nghiêm trọng, đó là tội “Giết người” và tội “Hủy hoại tài sản” được quy định tại điểm a, b, n khoản 1, điều 123 và điều 178 - Bộ luật Hình sự 2015.
“Hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại, mất an ninh trật tự trên địa bàn, khiến dư luận cả nước cảm thấy bất bình. Tôi cho rằng, nên xử lý nghiêm minh đối tượng Linh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với tội “Hủy hoạt tài sản”, cần có thêm kết quả định giá thiệt hại từ cơ quan chuyên môn làm căn cứ xử lý. Nếu đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất đến tử hình cho cả 2 tội danh này” - luật sư Thơm nêu quan điểm.
Bi kịch đối với gia đình
Chung quan điểm, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) phân tích, xăng là chất dẫn cháy rất nguy hiểm, pháp luật buộc đối tượng Linh phải nhận thức được việc dùng xăng làm chất dẫn cháy khi tác động lên cơ thể con người sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
“Sự việc xảy ra là một bi kịch đối với gia đình. Chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, đối tượng đã chuẩn bị xăng rồi mang sang nhà bố vợ tìm gặp vợ để giải quyết mâu thuẫn, đây là hành vi có chủ ý tước đoạt tính mạng người khác. Như vậy, hành vi của Hoàng Tiến Linh đã cấu thành tội “Giết người” quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015” - ông Tiền nhìn nhận.
Tuy nhiên, nếu đối tượng Linh đang trong quá trình cai nghiện như gia đình kể lại, đồng thời phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” sẽ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự. Trường hợp này tương tự trường hợp phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh.
Cũng theo luật sư Trần Xuân Tiền, hành vi của Linh không những đã xâm hại đến quyền được sống của người khác được Hiến pháp quy định mà còn xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, Linh sẽ đối mặt thêm với tội danh “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự.
“Tuy nhiên, để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này phải căn cứ vào kết quả định giá tài sản thiệt hại của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, gia đình có thể làm đơn không truy cứu trách nhiệm hình sự làm tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Từ đó, Tòa án sẽ xem xét lượng hình khi vụ án được đưa ra xét xử” - ông Tiền chia sẻ thêm.
Được biết, hiện nay anh Hoàng Tiến Linh vẫn đang điều trị tại bệnh viện do hai chân bị bỏng. Cơ quan điều tra - Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng Linh về hành vi giết người.
Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; n) Có tính chất côn đồ,…
Điều 178 quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; c) Tài sản là bảo vật quốc gia; d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác; e) Vì lý do công vụ của người bị hại; g) Tái phạm nguy hiểm,…
Nguyễn Trường