1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Người đàn ông bị lừa đảo khi tham gia "làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng"

Hải Nam

(Dân trí) - "Lúc đầu, các đối tượng hoàn tiền lời, chuyển trả lại ngay lập tức. Sau đó, họ nâng mức mua bán lên cao, người lao động không có tiền đóng thì bị mất tiền đã nộp trước đó", anh C. nói.

Ngày 7/11, phản ánh tới phóng viên báo Dân trí, anh N.C. cho biết anh vừa bị lừa đảo thông qua thủ đoạn chuyển tiền làm nhiệm vụ, hưởng hoa hồng.

Theo phản ánh, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều nhóm, quảng cáo nội dung các công ty lớn như Vinamilk, Toyota... tuyển dụng nhân sự. Những người đăng ký sẽ điền thông tin vào một website.

Sau đó, họ được yêu cầu tham gia các hoạt động mua bán, trước khi vào vòng phỏng vấn.

Người đàn ông bị lừa đảo khi tham gia làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng - 1

Các nhiệm vụ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để hưởng hoa hồng (Ảnh: NVCC).

"Lúc đầu, các đối tượng hoàn tiền lời, chuyển trả lại ngay lập tức. Sau đó, họ nâng mức mua bán lên cao, người lao động không có tiền đóng thì bị mất tiền đã nộp trước đó, với lý do không tham gia hết các hoạt động", anh C. nói.

Cũng theo anh C., các đối tượng lừa đảo tạo một nhóm nói chuyện trên Telegram để dụ dỗ mọi người.

Trong nhóm này, các đối tượng liên tục đưa nhiều hình ảnh tin nhắn tham gia chuyển tiền để tạo áp lực, đánh vào tâm lý các "con mồi". Bản thân anh C. đã chuyển 800.000 đồng và bị chiếm đoạt.

Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên điều tra viên cao cấp Công an TP Hà Nội, cho biết tội phạm công nghệ cao thường đánh vào tâm lý của những người hay tò mò, hiếu kỳ muốn khai thác thông tin trên mạng để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Theo ông Vân, thủ đoạn của các đối tượng xấu là mua "like", tương tác, giả mạo các hình ảnh... để tạo lòng tin của các nạn nhân.

Người đàn ông bị lừa đảo khi tham gia làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng - 2

Thủ đoạn dụ dỗ nạn nhân của các đối tượng (Ảnh: NVCC).

Về phía nạn nhân, vị thượng tá cho rằng, nhiều người sau bị lừa nhưng vì số tiền nhỏ, nên không trình báo, không tố giác, sợ xấu hổ. Điều này là yếu tố để các đối tượng lừa đảo vẫn tồn tại.

"Để ngăn chặn lại tội phạm này, cần phải tuyên truyền rộng rãi về các thủ đoạn, đưa ra các biện pháp, cảnh báo tới người dân. Đặc biệt, khi phát hiện các đối tượng lừa đảo này, người dân cần nhanh chóng trình báo tới cơ quan công an", Thượng tá Trịnh Kim Vân cho hay.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, các tập đoàn, doanh nghiệp nên cung cấp thông tin các vị trí tuyển dụng trên trang web, kênh thông tin chính thức để ngăn chặn việc đăng tin giả mạo, đồng thời hợp tác với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp cố tình lợi dụng hình ảnh thương hiệu.

Đối với ứng viên, nên kiểm tra kỹ các thông tin và liên hệ trực tiếp với tập đoàn, doanh nghiệp qua các kênh liên lạc chính thức để xác nhận thông tin tuyển dụng trước khi cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hay tài chính nào.

Tuyệt đối không ấn vào những đường link giả mạo, không cung cấp số tài khoản, mã OTP, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào.