1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Người chuyển giới ở Việt Nam có được quyền kết hôn?

Hải Nam

(Dân trí) - Nhiều bạn đọc băn khoăn về việc người chuyển giới có được công nhận tại Việt Nam? Sau khi chuyển giới, họ có được đảm bảo các quyền như trước?

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí về vấn đề trên, luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, pháp luật Việt Nam hiện nay mới có Bộ luật Dân sự năm 2015 là có quy định về quyền chuyển giới cá nhân.

Cụ thể, Điều 37 của bộ luật này nêu: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".

Vì vậy, luật sư cho biết, tại Việt Nam, bất kỳ cá nhân nào có nhu cầu, đều có quyền được chuyển đổi giới tính và được Nhà nước công nhận bằng cách đi đăng ký thay đổi hộ tịch.

Người chuyển giới ở Việt Nam có được quyền kết hôn? - 1

(Ảnh minh họa).

Trích dẫn Điều 28 Bộ luật Dân sự, luật sư cho hay việc thay đổi tên của cá nhân sẽ không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ. 

Bên cạnh đó, điểm c, khoản 2, Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 cũng quy định về việc ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi cá nhân xác định lại giới tính; Khoản 1, Điều 23 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định về các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, trong đó có trường hợp cấp lại do "xác định lại giới tính".

Như vậy, bà Khuyên khẳng định pháp luật Việt Nam đã có những điều khoản quy định cho người chuyển giới thay đổi thông tin cá nhân của mình sau khi đã chuyển giới, đồng thời đảm bảo các quyền và nghĩa vụ trước đó không bị mất đi.

"Đây có thể xem là sự công nhận của Nhà nước đối với những người đã chuyển giới", luật sư nói.

Tuy nhiên, luật sư Khuyên cũng nhấn mạnh, một người được công nhận chuyển đổi giới tính khi cá nhân đó đã có sự can thiệp của y học để xác định rõ ràng về giới tính. Nếu người nào chưa phẫu thuật để xác định lại giới tính thì không được đăng ký lại hộ tịch.

"Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi, nghĩa là họ sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo đúng như giới tính mới, bao gồm: Quyền kết hôn với người khác giới, quyền nhận con nuôi…", luật sư cho biết.