Người chưa thành niên phạm tội: Đau đầu tìm giải pháp

(Dân trí) - Tội phạm vị thành niên ngày càng trẻ hóa về độ tuổi nhưng tính chất, mức độ phạm tội lại có xu hướng tăng. Những người có trách nhiệm đều cho rằng hình thức phạt tù là biện pháp cuối cùng trong việc giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội.

Số liệu về tình hình người chưa thành niên phạm tội được công bố tại Hội thảo “Chính sách và thực tiễn công tác thi hành án hình sự thi hành biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội” khiến nhiều người không khỏi giật mình.
 
Chỉ trong vòng hơn 6 năm, từ 2007 đến tháng 6/2013, cả nước xảy ra 63.590 vụ với 94.309 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự. 4 cơ sở giáo dưỡng tiếp nhận 21.836 người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong vòng 10 năm (2002 - 2013). Đến hết tháng 6/2013, 4 cơ sở giáo dưỡng này đang quản lý 2.834 học sinh. Vậy làm thế nào để giảm tình trạng vi phạm pháp luật đối với trẻ vị thành niên? Các hình thức xử lý đối tượng phạm tội này như thế nào cho phù hợp với tâm sinh lý mà không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của các em mà vẫn có tác dụng răn đe, giáo dục? Những câu hỏi này khiến những người có trách nhiệm và những nhà làm luật “đau đầu” tranh luận tại Hội thảo.

PGS.TS. Dương Tuyết Miên - Giám đốc Trung tâm Tội phạm học, Trường Đại học Luật Hà Nội phân tích, người chưa thành niên phạm tội là người chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, chưa thể nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mình đã thực hiện. Nhận thức của các em thường non nớt, thiếu chín chắn, dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo bởi bạn bè xấu hoặc người xung quanh. Đặc biệt kinh nghiệm sống và khả năng kiềm chế của người chưa thành niên còn hạn chế nên việc phạm tội của họ thường là bột phát, nhất thời. Do vậy, người chưa thành niên là đối tượng có thể bị tác động dễ dàng hơn từ môi trường so với người đã thành niên.

Người chưa thành niên phạm tội: Đau đầu tìm giải pháp
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Người chua thành niên là đối tượng nhạy cảm, quy định chính sách đối với đối tượng này rất khó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Theo ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đây là đối tượng rất nhạy cảm, quy định chính sách đối với đối tượng này rất khó, cần đưa ra nghiên cứu lỹ lưỡng hơn. Phải phân tích xem hai biện pháp giáo dục pháp luật và đưa vào trại giáo dưỡng có kết quả như thế nào, mức độ hoàn lương, tái phạm của các đối tượng khi áp dụng các biện pháp giáp dục pháp luật. Tìm ra được biện pháp hiệu quả nhất, nguyên nhân sâu xa nhất thì mới ban hành được các chính sách hình sự phù hợp.

Tại hội thảo, các ý kiến nêu ra xoay quanh vấn đề cần thiết giảm nhẹ các hình phạt tù và áp dụng biện pháp phạt tiền, phạt cảnh cáo, hoặc cải tạo không giam giữ đối với đối tượng là người chưa thành niên; Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm; Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm…

“Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, cải tạo, giúp đỡ họ nhận thức được tính chất sai trái của hành vi của mình, từ đó quyết tâm cải tạo thành công dân có ích cho xã hội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp thật cần thiết và phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm thân nhân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm”, PGS.TS Dương Tuyết Miên phát biểu tại Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất quan điểm việc áp dụng hình phạt tù là biện pháp cuối cùng trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục VIII - Bộ Công an thì tính đến đầu tháng 9/2013 có tới 5.442 phạm nhân là người chưa thành niên đang bị giam giữ, cải tạo tại 49 trại giam thuộc Bộ Công an. Đó thực sự là con số rất lớn khiến những người có trách nhiệm phải giật mình. Việc điều chỉnh hệ thống pháp luật dành cho đối tượng người chưa thành niên phạm tội là việc làm hết sức cần thiết. Việc điều chỉnh này phải đảm bảo được tính răn đe, giáo dục, cải tạo để các em trở về làm một người công dân tốt nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.

Người chưa thành niên phạm tội: Đau đầu tìm giải pháp
Ông Nguyễn Công Hồng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội: "Cần nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung hệ thống hình phạt áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội".

Theo ông Nguyễn Công Hồng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cần nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung hệ thống hình phạt áp dụng với người chưa thành niên phạm tội theo các hướng: Áp dụng hình phạt ngoài tù đối với người chưa thành niên phạm tội trong một số trường hợp các em phạm tội rất nghiêm trọng, nhất là phạm tội nghiêm trọng do cố ý để hạn chế tối đa khả năng phải đưa các em vào trại giam. Bên cạnh đó cần phải nghiên cứu khả năng áo dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội trong một số trường hợp phạm tội cụ thể, khi các em có tài sản riêng. Nghiên cứu, cân nhắc việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ có khấu trừ thu nhập đối với người chưa thành niên phạm tội có thu nhập đủ từ 16 tuổi trở lên.

Cùng với việc nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung hệ thống hình phạt, một trong những đề xuất được các đại biểu quan tâm chính là áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Tức là xử lý các hành vi vi phạm của người chưa thành niên bằng hệ thống xử lý tại cộng đồng tại bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng. Cách xử lý này sẽ giảm thiểu sự tiếp xúc của các em với hệ thống tư pháp để từ đó giảm tác động, ảnh hưởng do hệ thống tư pháp chính thống mang lại cũng như sự kỳ thị của cộng đồng. Biện pháp xử lý chuyển hướng được kỳ vọng là mang lại hiệu quả cao trong trong phòng ngừa tái phạm bởi nó không chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà còn giải quyết những nguyên nhân sâu xa dẫn đến vi phạm.

Bên cạnh việc nghiên cứu sửa đổi hệ thống luật pháp đối với các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, việc cải tạo, giáo dục các em cần phải có sự vào cuộc chung tay từ các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng xã hội. Đặc biệt vai trò, trách nhiệm của từng gia đình và mỗi cái nhân trong gia đình đối với giáo dục con cái cũng cần phải đề cao.

Hoàng Lam