Ngỗ ngược giết người rồi thành “vua” điếu cày trong trại
Có lẽ, trong nhiều phạm nhân được cho là “quái kiệt” nơi có đến gần 5.000 phạm nhân ở Trại giam số 5- Bộ Công an- tôi đã từng gặp thì người mà tôi cho là tài hoa lại là một “vua” điếu cày.
“Lắm tài, nhiều tật”
Cái vẻ mặt lầm lì nói trước mặt tôi phần nào khiến tôi hình dung ra con đường lẫm lỗi của phạm nhân Nguyễn Văn Phòng. Nhưng vẻ ít nói đó cũng phần nào nói lên được sự tỉ mẩn tiềm tàng trong con người ấy. Có lẽ, vì vậy mà khi vào trại giam, Phòng đã phát tiết những tiềm tàng của khiếu tài hoa mỗi khi lao động trở về buồng.
Chẳng có khâu kiểm nghiệm thi thố tìm tài cán trong trại giam để tìm ra phạm nhân “lắm tài nhiều tật”, ấy vậy mà nó phát tiết rất rõ trong từng con người phạm tội. Tài mở khóa, tài chữa bệnh, tài làm thơ... ở trại giam nào cũng có, và cũng chỉ đến mỗi khi trở thành kẻ “tỷ phú thời gian” đỉnh cao của đôi tay, cái đầu tội lỗi mới thực sự “phát tiết”.
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Hút thuốc lào nâng cao hãnh diện. Bật que diêm như chớp lửa đêm đông. Hút 1 hơi như sấm chớp đùng đùng. Nhả khói ra như rồng bay phượng múa. Mắt lờ dờ như nghệ sỹ ngâm thơ..."
Với những vần thơ con cóc như thế, Phòng đã khắc tạc khắc kiểu dáng thư pháp bay bổng trên những chiếc điếu cày rất tinh tế. Mà toàn khắc bằng công cụ giản đơn, đó là mảnh chai, que sắt. Ngày ngày, vẫn như bao phạm nhân khác, Phòng thư giãn bằng những nét rồng uốn, mây bay trên khúc tre già vào mỗi trưa nghỉ. Những quan công, ngư ông, mây núi được Phòng gửi vào thân khúc điếu như cách để nghiệm lại việc mình đã lầm phải, rồi sau mỗi phút nghĩ suy ấy lại nhủ lòng hãy gắng làm lại cuộc đời sao có ích.
Phòng bảo: “Những ngày tháng ngồi trong phòng giam, em dằn vặt sao mình lại dại đến thế. Các cụ bảo sai một ly đi một dặm, các cụ nói cấm có sai anh nhỉ”- Phòng ân hận. Quả thật, chỉ một phú nông nổi, ngang tàng sẽ thay đổi cả tương lai cuộc đời của con người. Trong đời, không ai là không vấp ngã, thế nhưng vấp ngã như Phòng thì không cho phép bất cứ con người nào vấp phải, dù chỉ một lần cũng là quá muộn.
Giờ đã thụ án được 10 năm, Phòng thấm thía tất cả. Lẽ phải và sai trái chỉ là ranh giới mong manh, con người bước 1 ly là hỏng tất cả. Phòng cải tạo, lao động để quên đi tất cả, để gột rửa những lỗi lầm mình gây ra. “Ngày ngày em đi lao động, lúc nghỉ ngơi vẽ lên nền đất những hình tượng đẹp trong cuộc sống để mình hướng tâm và làm theo. Những chiếc lá khô rơi em cũng lấy móng tay để vẽ hình mây trời, sóng nước, muông thú hay những hình ảnh đẹp của đóa sen phía trên phật bồ tát tọa lạc. Những lần như thế, cán bộ biết hỏi rằng xưa kia em học họa không mà có khiếu vẽ thế, em bảo với cán bộ, làm như vậy để mình nghĩ về lẽ phải và hướng thiện thật nhiều hơn”- Phòng nhớ lại buổi ban đầu “nghề vẽ”.
Thời gian ấy giờ đã là 10 năm trôi nhanh. Sau khi lao động cải tạo tốt, Phòng được sống trong sở trường của khiếu vẽ. Ban đầu vẽ lên chiếc điếu cày ở phân trại, sau đó khi có đẵn tre, khúc củi cũng xuất hiện nét khắc tạc rồng bay phượng múa trên vật dụng thường nhật... Và hình ảnh giản đơn ấy, Phòng đã lấy làm lẽ sống cho những ngày lao động, cải tạo, chuộc lại tội ác chính mình gây ra với lương tâm.
Vào tù vì tuổi trẻ nông nổi
Trước khi tôi được phép gặp gỡ phạm nhân Nguyễn Văn Phòng, Trung tá Nguyễn Viết Hải cán bộ Trại giam số 5 cho hay, Phòng phạm tội giết người, thụ án chung thân. Tội danh của Phòng nghe thật ghê sợ: Giết người. Hai tiếng ghê tai ấy đã xảy ra với Phòng chỉ vì một cú va chạm với người cùng thôn vào năm 2002. Khi ấy, cái tên Phòng gắn với vụ án ở Thanh Xuyên, Hải Thanh, Tĩnh Gia đã lan khắp tỉnh Thanh Hóa. Phòng sinh năm 1981, học hết lớp 10 trường làng thì bỏ.
Trước khi gây án, Phòng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan về. Xuất ngoại thất nghiệp, về quê lang thang, Phòng đi lang thang và ngỗ ngược như một kẻ bất trị. Và từ cuộc chơi bời trong đêm đầu tháng 12- 2002, từ thị trấn trở về, Phòng đã va chạm với người hàng xóm ở đầu thôn. “Ngẫm lại giờ em thấy lúc ấy mình như con thú hoang. Chẳng biết phải trái phải thế nào oánh nó chết luôn. Mà nó có phải ai xa lạ đâu, hàng xóm với nhau mới đáng trách mình vô kể”- Phòng ân hận nói.
Án chung thân mà Phòng đang thụ tại Trại giam số 5 cũng khó để gột rửa tội lỗi của lương tâm con người ấy. Những ngày lao động trả án, được cán bộ trại giam giáo dục, Phòng trở nên ân hận lắm. “Phạm nhân phòng chăm chỉ lao động, những lúc nghỉ ngơi cứ thấy cần mẫn gọt, giũa, khắc tạc mà chẳng hề cười nói. Mãi sau này được động viên của cán bộ, tuổi còn trẻ hãy cố gắng sẽ vượt qua. Kể từ đó Phòng tích cực trong mọi công việc, lạc quan trong suy nghĩ, lao động”- Trung tá Nguyễn Viết Hải cán bộ Trại giam số 5, cho biết.
Giờ thì Phòng tươi tỉnh lắm. Vừa lao động vừa huýt sao, ngâm thơ. Tôi hiểu được, lòng hướng thiện của cán bộ cho mỗi phạm nhân, như những hạt mưa lâm thâm thấm xuống lòng đất. Ngày này qua ngày khác, khoảng cách giữa con người và con người ở trại giam kéo lại sự gần gũi để thức tỉnh lầm lỗi của kẻ lạc đường.
Tôi bảo Phòng “thể hiện” cho xem “tuyệt phẩm” trên điếu cày. Tức khắc, chỉ một mảnh chai nhặt đâu đó, với khúc tre xù xì, vô hồn đã dần được khoác “bộ xiêm áo” với muôn hình muông thú. Nét tài hoa của mỗi con người không ai giống nhau nhưng tất cả đều có, điều quan trọng là biết đánh thức để không trở nên vô nghĩa với cuộc sống xung quanh. Điều đó những cán bộ quản giáo ở mỗi trại giam đều thấu hiểu, và họ khơi dậy tính nhân văn qua năng khiếu của phạm nhân trong từng ngày lao động.