1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Gia Lai:

Nghệ thuật “biến” án của TAND TP.Pleiku

(Dân trí)- Từ vụ án “cố ý gây thương tích”, sau gần 9 năm với 4 lần TAND TP.Pleiku (Gia Lai) quyết định đưa ra mở phiên tòa nhưng… không xử, thì đến nay, vụ án này đã sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 8/6/2005, giữa bà Phương Thị Thạch (hành nghề kinh doanh vải, 60 tuổi, trú 454 Lê Đại Hành, TP.Pleiku) và bà Nguyễn Thị Hữu Hiếu (kinh doanh chén bát, dụng cụ sành sứ; 60 tuổi, trú 450 Lê Đại Hành, TP.Pleiku) đã xảy ra cãi nhau.
Do thấy không cãi lại được bà Hiếu nên bà Thạch liền quay lưng đi về. Bất ngờ, bà Hiếu liền lấy một bình cắm hoa bằng sứ đập mạnh vào đầu bà Thạch, khiến bà Thạch bị ngã xuống đất vì choáng váng. Tiếp đến, bà Hiếu cầm cổ bình hoa bị vỡ tấn công vào mặt, tay bà Thạch, và chạy vào nhà lấy dao đe dọa bà Thạch.

Sau khi thấy người bà Thạch chảy nhiều máu, người dân xung quanh đã đến can ngăn và đưa bà đi cấp cứu. Cùng lúc, công an phường Yên Thế đã đến đưa bà Hiếu về đồn lập biên bản phạm tội quả tang.

Còn bà Thạch trong lúc đó đang điều trị tại bệnh viện, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Pleiku đã đưa bà đi giám định tỷ lệ thương tật. Tại kết quả GĐPY số 209 ngày 30/6/2005, của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Gia Lai kết luận: sức khỏe của bà Thạch bị tổn hại 14%.  Và lần thứ 2, GĐPY số 76 ngày 14/2/2006, cũng của tổ chức này đã đưa ra kết quả: bà Thạch bị tổn hại 13% sức khỏe.

Sau khi có kết quả giám định, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Hiếu về hành vi “cố ý gây thương tích”.

Vết thương ở đầu của bà Thạch do bà Hiếu gây ra
Vết thương ở đầu của bà Thạch do bà Hiếu gây ra

Ngày 20/3/2006, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Pleiku đã ra cáo trạng số 40A/KSDT-TA truy tố bị can Hiếu ra xét xử công khai tại tòa án cùng cấp về tội “cố ý gây thương tích” quy định tại điều 104 BLHS.

Vào ngày 23/6/2007, TAND TP.Pleiku tổ chức xét xử vụ án, nhưng sau đó lại hoãn phiên tòa do… thiếu nhân chứng và bị can (?). Đến ngày 7/8/2006, phiên tòa tiếp tục được đưa ra xét xử nhưng lại không thành công vì Tòa lại thông báo hoãn nhưng không đưa ra lý do vì sao.
Lần thứ 3, vào ngày 14/10/2008, HĐXX làm thủ tục hoãn phiên tòa do vắng giám định viên. Và lần cuối vào ngày 29/10/2008, chủ tọa phiên tòa tuyên hoãn để đề nghị giám định lại thương tật của bị hại.

Trước đó, Giám định viên trưởng, bác sỹ Phùng Xuân Quýnh đã khẳng định tại công văn số 282/CV-GĐPY ngày 7/8/2007 rằng: “Kết quả giám định pháp y của bà Phương Thị Thạch là chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật”.

Vết thương ở đầu của bà Thạch do bà Hiếu gây ra
 Những vết thương này sau hơn 3 năm với tỉ lệ thương tật từ 14% đã giảm xuống còn 3%, khiến vụ án được xoay theo chiều khác

Tuy nhiên, HĐXX vẫn không chấp nhận những kết quả và công văn của cơ quan pháp y Gia Lai nên đã tổ chức đưa bị hại vào TPHCM để giám định lần 3. Tại kết quả GĐPY số 84/TgT ngày 29/12/2008 của Viện pháp y Quốc gia- thường trực phía Nam kết luận: Sức khỏe của bà Thạch bị giảm do thương tích gây nên hiện tại là 3%.

Sau 3 năm rưỡi, thương tích của bà Thạch đã lành đi khá nhiều và với kết quả giám định pháp y lần 3 này, Cơ quan CSĐT Công an TP.Pleiku đã lấy làm căn cứ và ra Quyết định đình chỉ vụ án số 01 ngày 4/6/2009 với lý do: tỷ lệ thương tật nói trên, không đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích”, bởi chưa đủ 11% theo quy định.

Từ quyết định trên, ngày 22/10/2010, VKSND TP.Pleiku đã ra Quyết định số 3891/QĐ/VKS-TA và ngày 7/12/2010, VKSND tỉnh Gia Lai có Quyết định số 01/QĐ/VKSND/PA1 về việc đình chỉ vụ án. Vậy là nghiễm nhiên bà Nguyễn Thị Hữu Hiếu đã không phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường dân sự vì hành vi gây thương tích cho người khác.

Chỉ từ một vụ án “cố ý gây thương tích” với tính chất ít nghiêm trọng, nhưng chẳng hiểu vì nguyên nhân gì mà các cơ quan hành pháp TP.Pleiku lại xử lý công việc một cách quá “kĩ càng”, khiến vụ án trở nên “teo tóp” và xoay theo chiều hướng có lợi cho bị can với: 3 lần đưa bị hại đi giám định pháp y; 4 lần TAND TP.Pleiku ra quyết định mở phiên tòa nhưng không xét xử; 3 lần thay đổi điều tra viên; 3 lần thay đổi kiểm sát viên và sau đó là đình chỉ vụ án.

Vết thương ở đầu của bà Thạch do bà Hiếu gây ra
Và bây giờ vụ án đã hết thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự do "nghệ thuật" xử án lách luật của TAND TP.Pleiku

Và bây giờ, khi vụ việc sắp bước vào năm thứ 9, chiếu theo điều 23 BLHS thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vụ án nói trên đã hết, không thể phục hồi điều tra để xử lý đơi với bị can.

Trước sự việc trên, ngày 21/1/2013, ông Võ Ngọc Anh- Trưởng phòng 1A Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã ra văn bản số 149/VKS-P.1A có nội dung: Việc đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can nói trên của cơ quan CSĐT Công an TP.Pleiku là đánh giá tính chất, mức độ vụ án thiếu tính chính xác, bỏ lọt tội phạm!

Thiên Thư