Ngày của những người một thời lầm lỗi

Phút giây vị giám thị trại giam tuyên bố đã kết thúc buổi lễ trao quyết định đặc xá cho 280 phạm nhân ở trại giam Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều người không kìm được, reo lên: “Tôi tự do thật rồi, thật 100% rồi đấy”.

Ông Nguyễn Quang Thắng trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân.
Ông Nguyễn Quang Thắng trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân.

Có người lập tức cởi phăng chiếc áo kẻ sọc to, để lộ đôi tay vằn vện hình xăm gớm ghiếc của một thời. Gương mặt rạng rỡ, họ ôm chầm lấy nhau tiễn biệt. Đàn ông bắt tay, vỗ vai nhau thật chặt, phụ nữ thì thút thít trong lúc sắp phải chia tay bạn tù. Người được đón rước bằng xe hơi, hoa tươi, kẻ lầm lũi ra bến xe về quê. Mọi nẻo đường xung quanh trại giam bỗng vui như trảy hội.

Nước mắt người đàn bà đẹp

Tôi quan sát một người phụ nữ đã luống tuổi, rất đẹp. Bà mặc bên trong bộ quần áo sọc một chiếc váy màu mận chín, quanh cổ đính hạt kim sa, càng tôn lên nước da trắng hồng. Thấy tôi quan sát, bà cởi thật nhanh bộ quần áo kẻ sọc to, cuộn lại và đưa cho cán bộ trại.

“Cô mặc chiếc váy đẹp quá, chắc chú ấy đang chờ bên ngoài?” – tôi bắt chuyện. Người đàn bà bật khóc: “Cô cảm ơn cháu! Bao nhiêu năm rồi mới được nhận một lời khen mình đẹp”. Nói đoạn, người đàn bà rút chiếc khăn bông từ trong túi ra, lau nước mắt: “Không hiểu vì sao cô lại run thế này, nửa muốn ra ngoài xem có ai đón mình không, nửa muốn ngồi mãi ở đây vì ngoài kia đông người đứng chờ đón người nhà, nhỡ đâu lại chẳng thấy người nhà mình thì sao? Cô sợ lắm, sợ đám đông nhìn mình kỳ thị”...

Hoàn tất các thủ tục đặc xá, tha tù.
Hoàn tất các thủ tục đặc xá, tha tù.

Bà tâm sự: “Tên cô là Phạm Thị Mai, nhà ở gần chùa Quán Sứ, Hà Nội. Trước khi bị bắt, cô là cán bộ ở một viện nghiên cứu danh tiếng tại Hà Nội. Chồng cô, các con cô đều là dân trí thức, có trình độ cao, có địa vị. Chỉ vì cô lầm lỡ, tham lam quá, chú ấy đã bỏ đi, ngay sau khi công an bắt cô về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Suốt 5 năm trong tù, cô đã sống trong ân hận, tiếc nuối. Thương nhất là các con mình, có người mẹ như cô, hẳn chúng phải đối mặt với nhiều mặc cảm với bạn bè và xã hội lắm”.

"Không hiểu vì sao cô lại run thế này, nửa muốn ra ngoài xem có ai đón mình không, nửa muốn ngồi mãi ở đây vì ngoài kia đông người đang đứng chờ đón người nhà, nhỡ đâu lại chẳng thấy người nhà mình thì sao? Cô sợ lắm, sợ đám đông nhìn mình kỳ thị..." - Bà Phạm Thị Mai, một phạm nhân được đặc xá

Câu chuyện của bà Mai đứt khúc, rời rạc, từ chuyện gia đình đến những mẩu chuyện nhỏ nhặt và cảm động trong trại giam. Sự chia sẻ từng miếng cơm, manh áo, cây kim, sợi chỉ của chị em tù nhân cũng đủ khiến bà bật khóc vì lưu luyến khi chia tay.

Bà Mai lấy từ trong túi ra một quyển sổ nhỏ, trong đấy là nhật ký sám hối và nói với tôi: “Cô viết những cảm xúc nhớ nhung, tiếc nuối và cả sự sám hối gửi về gia đình. Cô rất yêu chồng, yêu con... nhưng cô không dám gửi cho họ những tâm sự này. Cứ để đấy mà nghiền ngẫm, coi như đây là bài học lớn trong đời. Cô thấy những gì mình gây ra, bao nhiêu sự trả giá cũng không đủ để bù đắp lại cho chồng và các con”.

Tôi động viên bà Mai: “Cô đã cải tạo rất tốt để được tự do trước thời hạn 45 tháng, đó là món quà quý giá nhất lúc này đối với các con cô rồi, có lẽ bây giờ cô nên ra ngoài xem chú có đến đón mình không”. Một lát sau, tôi vẫn thấy bà Mai quấn quýt bên mấy chị em người dân tộc Thái, có mái tóc tẳng cẩu cao tít trên đầu. Bà không vội trở về xã hội vì lưu luyến các bạn tù, hay chưa dám ra ngoài đối diện với nỗi sợ sẽ không được thấy người đàn ông quen thuộc của 5 năm trước, người đàn ông đã rời đi khi bà lạc lối?

Người gây án mạng “ngoan nhất trại”

Bên cạnh bà Mai, một người tù trẻ măng được giảm án 5,5 năm tù về tội “giết người”, tên là Vũ Tuấn Giang. Giang có khuôn mặt hiền lành, được các phạm nhân khác đánh giá là “ngoan nhất trại”.

Bắt đầu nẻo về.
Bắt đầu nẻo về.

Hỏi lý do giết người, Giang ngượng ngùng đáp: “Em uống rượu hơi “tây tây” rồi thì hôm đó trong làng mất trộm chó. Thanh niên làng hò nhau đuổi theo thằng trộm vì nghi nó gây ra hàng loạt vụ bắt chó của làng. Lúc bắt được tên trộm, em không hiểu sao máu “chó” trong người em lại dồn hết lên mặt, sẵn cái đòn gánh trên tay, em phang tới tấp. Những người khác chỉ đấm đá, có mình em cầm đòn gánh, phang tới tấp trong tiếng reo hò, cổ vũ của mọi người. Sau này tỉnh ra mới thấy lúc đó con người thật của mình đã hoàn toàn biến mất. Mình không điều khiển được chính mình thì phải chịu tội thôi chị ạ”.

Giang bị phạt 9 năm vì gây ra trận đòn chí tử đối với người trộm chó. Với bản chất thật thà, chăm chỉ, khi vào trại Giang được các quản giáo, bạn tù quý mến. Hỏi được ra tù sớm hơn như thế này, anh mong muốn nhất điều gì? “Em chỉ ước gặp được một người con gái không kỳ thị với người đã từng đi tù để em yêu thôi” - Giang đỏ mặt.

Ông cựu chủ tịch xã coi trại như nhà

Người đàn ông nhỏ thó vừa nộp lại bộ quần áo tù, ôm ba lô đen và chiếc khăn mặt cũ sờn ra ngoài cửa thẫn thờ ngóng ai đó. Ông cho biết năm nay đã 72 tuổi, tên Nguyễn Văn Than, nguyên Chủ tịch UBND xã V.H, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, bị án 7 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản XHCN.

“Hóa ra làm chủ tịch xã không hề dễ nhé, người dân yêu quý mình, bầu mình làm chủ tịch mà mình không có trình độ thì có ngày đi tù chứ chẳng chơi đâu” - Ông Than nói. Vốn là một người lính, bao năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, về quê ông Than được bầu là Chủ tịch Hội cựu chiến binh, rồi làm Chủ tịch xã. Kinh nghiệm quản lý không có, ông Than dễ dàng bị kẻ xấu lợi dụng.

Được một nhóm người đi xế hộp về tận quê, đề nghị ông khởi xướng chương trình “đổi đạm lấy thóc” với giá hợp lý, có lợi cho bà con nông dân, ông Than hăm hở đi vận động bà con thực hiện. Nhưng, đạm đâu chẳng thấy, chỉ thấy thóc của bà con đã chuyển khỏi quê ông sạch sẽ. Ông Than bị mang tiếng “cõng rắn cắn gà nhà”, bắt tay với đạo tặc lừa đảo dân nghèo, bị công an vào cuộc điều tra rồi phanh phui ra hàng loạt sai phạm khác.

Trong tù, ông Than được đánh giá là người sống chân thành, biết giúp đỡ các phạm nhân khác, nên được Trại giao cho công việc hậu cần. Những người tù trẻ gọi ông bằng bố. Hỏi biết tin được đặc xá tha tù trước 7 tháng, ông có vui không, ông Than thật thà: “Chú thấy ở đây khác gì ở nhà đâu, mình sống đúng như những gì mình mong muốn thì ở đâu mà chẳng thế. Có điều ra tù thì vợ con, cháu chắt đỡ vất vả thăm nom, tiếp tế thôi...”.

Bị án cuối cùng trong vụ Mai Văn Dâu

Trong số 15.446 phạm nhân trên cả nước được đặc xá nhân dịp 2/9 năm nay, Trại giam Thanh Xuân có hơn 280 phạm nhân được xướng tên. Đây không phải là con số đông nhất, nhưng cũng đủ khiến cho mọi ngả đường dẫn đến trại giam Thanh Xuân tắc nghẽn từ đầu giờ sáng.

Ở hội trường, vị Giám thị trại giam gọi đến tên ai, người đó đứng lên hô “có ạ”, đúng như tác phong thường ngày của quá trình cải tạo. Tôi chú ý đến một người mái tóc hất ngược ra phía sau, vầng trán rộng, gương mặt sáng nhất trong số những người ngồi cạnh. Ông đang chờ đợi giây phút mà cái tên “Lê Văn Thắng” được xướng lên để đứng bật dậy hô “có tôi” rồi ngồi xuống điềm tĩnh dõi mắt về phía trước. Ông Thắng từng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại - một trong những người bị bắt trong vụ án chạy hạn ngạch (quota) xuất khẩu dệt may chấn động một thời. Vụ án Mai Văn Dâu.

Hồi bị bắt, Lê Văn Thắng bị cáo buộc là người nhận hối lộ của một số doanh nghiệp dệt may rồi chuyển cho Thứ trưởng Mai Văn Dâu để chạy quota. Kết thúc quá trình điều tra, ông thứ trưởng và bộ sậu phải trả giá nhiều năm trong trại cải tạo. Ông Thắng chịu án 17 năm, được giảm 4 lần cả thảy là 5 năm 10 tháng, trở thành người ra tù sau cùng trong vụ án Mai Văn Dâu...
 

Tại Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá tha tù trước thời hạn năm 2013, tại Trại giam Thanh Xuân, ông Nguyễn Quang Thắng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Uỷ viên Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2013) chúc mừng 280 phạm nhân của Trại giam Thanh Xuân nói riêng và gia đình các phạm nhân nói chung... Ông Thắng cũng bày tỏ mong muốn các phạm nhân được đặc xá trở về nhanh chóng hoà nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định.

Theo Thành Phú

Tiền phong