1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nếu chọn lại, tôi vẫn làm nghề giám định viên pháp y

"Nếu cho tôi chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề giám định viên pháp y" - Thượng tá Hùng nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện với chúng tôi.

Giám định viên pháp y là nghề thường xuyên phải tiếp xúc với tử thi trong tình trạng bị phân hủy, thối rữa, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Song vượt lên tất cả, với lòng yêu nghề, Thượng tá Vũ Sơn Hùng - bác sỹ, giám định viên pháp y, Công an tỉnh Hòa Bình đã khắc phục khó khăn, gian khổ, vạch trần thủ đoạn gây án của hung thủ.

Chàng sinh viên y khoa và cái duyên với nghề giám định

Khi còn nhỏ, Vũ Sơn Hùng sớm bộc lộ tính ham học, đam mê tìm hiểu về các lĩnh vực khoa học thường thức. Anh cảm thấy thú vị khi tìm tòi, nghiên cứu rồi phát hiện những uẩn khúc chứa đựng trong mỗi sự việc, hiện tượng xung quanh mình. Nhận thấy niềm đam mê của con, cha mẹ tạo điều kiện để anh phát huy năng lực, sở trường của mình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Vũ Sơn Hùng đăng ký dự thi vào Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên và đậu với số điểm khá cao. Trong quá trình học tập, anh thể hiện khả năng học tập xuất sắc, đi đầu trong nghiên cứu khoa học của khoa. Anh là một trong số 2 sinh viên ưu tú của trường được cử xuống đào tạo về ngành giám định pháp y tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Đây là một cơ hội dành cho những sinh viên có kết quả học tập tốt.

Năm 1984, tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc, anh được tuyển chọn phục vụ trong Quân đội - làm bác sỹ quân y tại biên giới phía Bắc. Sau đó, anh chuyển công tác sang Trung tâm Y tế Hòa Bình. Năm 1991, Công an tỉnh Hòa Bình có chủ trương tuyển dụng cán bộ làm giám định viên pháp y trong lực lượng Công an. Thời điểm đó, nghề giám định viên pháp y còn mới mẻ, ít người biết tới.

Nhận thấy tố chất đặc biệt của Vũ Sơn Hùng, Công an tỉnh Hòa Bình gửi văn bản đề nghị được tuyển dụng anh vào công tác trong ngành. Ban đầu anh và gia đình khá băn khoăn, lo lắng bởi đây là lĩnh vực mới, hơn nữa nhiệm vụ vô cùng khó khăn, vất vả, bởi thường xuyên tiếp xúc với xác chết. Sau thời gian đấu tranh tư tưởng, được sự động viên của gia đình và người thân, Vũ Sơn Hùng viết đơn cam kết cống hiến lâu dài trong ngành. "Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai" - Thượng tá Hùng nhớ lại quyết định đầy khó khăn khi đó.

Thượng tá, bác sỹ Vũ Sơn Hùng.


Thượng tá, bác sỹ Vũ Sơn Hùng.

Thượng tá Hùng chia sẻ: Giám định pháp y là hoạt động đặc trưng của chuyên ngành khám nghiệm tử thi, mổ xác… Nhưng ngoài mổ xác, giám định xác chết, giám định pháp y còn có nhiều chuyên ngành chuyên sâu như y học phân tử, giám định thương tích trên người sống, giám định sức khỏe... Không những giám định đối với các trường hợp xâm hại đến tính mạng, nhân phẩm con người ở ngoài xã hội, mà ngay cả trong nghiệp vụ y tế, pháp y có nhiệm vụ tham mưu cho y tế địa phương khi có thưa kiện, khiếu nại, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm... Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của pháp y là giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe của thương tích và chấn thương nhằm bắt kẻ phạm tội phải có trách nhiệm với hành vi của mình, và người vô tội được minh oan, bồi thường thỏa đáng.

Do tâm lý người Á Đông, sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân làm các bác sỹ thêm chịu đựng những nỗi khổ khác. Thân nhân người chết - tất nhiên không phải là tất cả - có hàng trăm kế sách để ngăn cản bác sỹ pháp y mổ xẻ người thân của họ. Quan niệm "chết toàn thây" đã ăn sâu vào trong suy nghĩ. Vì thế mà gia đình người chết thường viện đủ mọi lý do như tập trung đông người, khóc lóc vật vã… để ngăn cản việc khám nghiệm tử thi.

Vậy nên bác sỹ pháp y lại phải mất rất nhiều thời gian giải thích cho thân nhân người quá cố về mục đích pháp luật của việc mổ tử thi. Với nhiều trường hợp, họ không thể khiến người chết sống lại nhưng có thể cứu nhiều người đang sống khỏi sự oan khuất. Họ âm thầm trả lại công lý, niềm vui cho bao gia đình bị hàm oan. Điều này, không phải ai cũng biết!

Bắt "tử thi tố cáo hung thủ"

Vào khoảng tháng 7/2008, trong quá trình khai thác than tại xóm Mường Vọ,  xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi (Hòa Bình), những người công nhân đã phát hiện dưới đáy hầm sâu gần 100m có một xác người đang trong giai đoạn phân hủy. Ngay sau đó, Thượng tá Vũ Sơn Hùng cùng bộ phận khám nghiệm, Phòng Kỹ thuật hình sự được điều động tới hiện trường. Hiện trường là khu vực khá vắng vẻ, hoang sơ, nằm cạnh con suối. Việc triển khai khám nghiệm gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Không quản ngại khó khăn, vất vả, các anh và đồng đội trực tiếp xuống dưới đáy hầm than để tiến hành khám nghiệm. Lúc này, quần áo của anh lấm lem bùn đất, khuôn mặt xám xịt, hơn nữa lại làm việc trong không gian chật hẹp, ẩm thấp khiến cho các trinh sát trẻ cảm thấy nản chí. Song anh đã động viên anh em cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thông qua công tác khám nghiệm, các giám định viên phát hiện xương sọ bộ hài cốt bị rạn nứt, phía sau gáy gần đỉnh đầu có một vết lõm tròn và vỡ một mảnh nhỏ. Anh đặc biệt chú ý tới những vật chứng để lại tại hiện trường gồm: 1 đôi giày, 1 bộ quần áo và 1 chùm chìa khóa. Thông qua đó, các giám định viên khẳng định đây là vụ án giết người hết sức dã man. Tuy nhiên, việc xác định tung tích nạn nhân rất khó khăn, phức tạp vì không thể nhận dạng với các thông tin như vậy. Anh và các cộng sự thận trọng đánh giá hiện trường, tử thi và các vật chứng để lại tại hiện trường. Đây rất có thể là chi tiết quan trọng, gợi mở hướng điều tra của vụ án. Trên cơ sở các kết luận của giám định viên, Ban chuyên án đã xác định nạn nhân là chị Quách Thị Vẹn, 31 tuổi, ở xã Cuối Hạ, Kim Bôi.

Tiến hành điều tra, xác minh các mối quan hệ của chị Vẹn, chỉ 2 ngày sau, cơ quan điều tra đã làm rõ đối tượng phạm tội là tên Bùi Văn Cương, sinh năm 1963 ở xóm Mòi, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Đáng chú ý, tên Cương lại chính là bạn trai của chị Vẹn. Một kết cục đáng buồn của mối tình vụng trộm.

Tham gia tổ khám nghiệm hiện
trường.


Tham gia tổ khám nghiệm hiện trường.

Ngoài ra, vụ giết người được hung thủ ngụy trang là hiện trường tai nạn giao thông xảy ra ngày 16/4/2013 cũng đã để lại cho Thượng tá Vũ Sơn Hùng những trải nghiệm thú vị. Nhân chứng đầu tiên tiếp cận hiện trường là anh Bùi Văn Thụ, 36 tuổi, người dân xã Phú Cường, huyện Tân Lạc cho biết: "Thi thể ông ấy nằm sõng soài trên nền cỏ, mặc chiếc áo sơ mi màu trắng, quần tối màu, cách chiếc xe ôtô khoảng 50m. Khi tôi phát hiện,  xác ông ấy đang trong giai đoạn phân hủy. Còn chiếc xe ôtô BKS 30S - 9139 bị méo mó, hư hỏng nặng. Quan sát ban đầu, chúng tôi đều cho rằng đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, xe mất lái lao xuống vực. Khu vực này thường xảy ra những vụ tai nạn giao thông như vậy nên chúng tôi lập tức trình báo cơ quan chức năng".

Nạn nhân được xác định là ông Phạm Đức Hậu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, dưới con mắt nghiệp vụ sắc bén của các giám định viên thì đó là vụ trọng án giết người đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù hiện trường vụ án nằm dưới vực sâu, việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn, phức tạp do trơn trượt, chỉ một sơ sẩy có thể nguy hiểm đến bản thân. Sau đó không lâu, tổ công tác tiếp cận được hiện trường. Do nạn nhân bị chết lâu ngày, đang trong giai đoạn phân hủy nên có mùi hôi thối, khó chịu, các nhân chứng theo đoàn phải dừng lại khá xa, không dám lại gần.

Thượng tá, bác sỹ Vũ Sơn Hùng cùng đồng đội triển khai khám nghiệm hiện trường, tử thi làm rõ nguyên nhân chết. Các anh thu được trên người nạn nhân 1 ví da, trong đó có hơn 3 triệu đồng,1 nhẫn màu vàng, mặt đá và nhiều tài sản giá trị khác. Trên thi thể nạn nhân có nhiều vết bầm tím, nhiều vết máu lạ. Những dấu vết kia nói lên điều gì? Liệu có mối liên hệ giữa các vật chứng với thủ đoạn gây án của hung thủ? Trên cơ sở các dấu vết, vật chứng thu thập tại hiện trường, Ban Chuyên án tiến hành phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các tài liệu thu được. Xác định cơ chế hình thành dấu vết, từ đó xác định ông Hậu bị giết trước khi xe lao xuống vực, hung thủ tạo hiện trường giả vụ tai nạn giao thông. Những thông tin quan trọng từ hiện trường lập tức được trình báo tới Ban Chuyên án. Kết hợp với những tài liệu có được thông qua các biện pháp nghiệp vụ và quần chúng cung cấp, cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Văn Minh, có trụ sở tại tiểu khu 1, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) có quan hệ làm ăn thân thiết với nạn nhân. Qua đấu tranh, khai thác, đối tượng khai nhận hành vi phạm tội trùng khớp với đánh giá, nhận định ban đầu của Thượng tá, bác sỹ Hùng và các giám định viên.

Tâm huyết với nghề..

Gần 30 năm gắn bó với nghề giám định viên pháp y, Thượng tá, bác sỹ Vũ Sơn Hùng không nhớ nổi đã thực hiện bao nhiêu vụ khám nghiệm tử thi. Mỗi vụ việc đều chứa đựng những phức tạp, uẩn khúc. Do vậy, việc xác định nguyên nhân chết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để gợi mở hướng điều tra tiếp theo. Nhiều vụ việc khi phát hiện thì xác nạn nhận đã bị thối rữa do chết lâu ngày.

Thượng tá, bác sỹ Vũ Sơn Hùng chia sẻ: Nghề giám định viên pháp y là nghề nguy hiểm, luôn tiềm ẩn phức tạp, rủi ro, nếu không có bản lĩnh vững vàng rất dễ bị dao động, nhụt ý chí. Phương châm làm việc của anh chính là: thận trọng, tỷ mỉ, chính xác, khách quan và toàn diện, chỉ có một tinh thần thép, nghiệp vu,å  sắc bén thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có vụ án phải khai quật tử thi để tiến hành khám nghiệm vì nghi vấn có dấu hiệu tội phạm. Cái chết bất ngờ của ông Bùi Văn Phụ, 54 tuổi, ở xã Thu Phong, huyện Cao Phong với lý do "bị cảm" đã làm cho người dân địa phương nghi ngờ vì trước đó ông Phụ hoàn toàn khoẻ mạnh. Ngay sau đó, Thượng tá, bác sỹ Vũ Sơn Hùng và tổ khám nghiệm đã có mặt, tiến hành khai quật tử thi để xác định nguyên nhân chết của ông Phụ. Kết quả khai quật thật bất ngờ, nạn nhân bị chết do có ngoại lực tác động gây chảy máu não. Từ kết quả đó giúp cơ quan điều tra vạch trần kẻ giết người chính là con trai của ông Phụ. Hoặc vụ nghi án mạng xảy ra tại huyện Lạc Sơn, sau 1 tuần kể từ ngày chôn cất, tử thi được khai quật để khám nghiệm, rồi xác định nạn nhân chết do bị ngạt nước…

Là một Cảnh sát điều tra nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, là một giám định viên pháp y thì nhiệm vụ lại càng nặng nề gấp bội. Xét ở góc độ tâm linh, việc khám nghiệm tử thi là làm thay người chết để nói lên lẽ phải, thay người chết tố giác tội phạm. Tuy nhiên, để vạch trần bộ mặt của kẻ phạm tội, bác sỹ Hùng đã phải đánh đổi nhiều công sức, trí tuệ, thậm chí cả sức khoẻ của bản thân để tìm ra lẽ phải, trả lại sự công bằng cho xã hội. .

Theo Như Hùng

Cảnh sát toàn cầu