1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nạn trộm trâu, bò hoành hành ở miền núi xứ Thanh

(Dân trí) - Tình trạng trộm cắp trâu bò liên tục xảy ra ở các huyện miền núi Thanh Hóa trong thời gian vừa qua. Cơ quan điều tra chưa phá xong vụ này lại xảy ra vụ khác khiến người dân mất ăn mất ngủ.

Ở các huyện miền núi Thanh Hóa, con trâu thường là “đầu cơ nghiệp”, là tài sản có giá trị lớn nhất trong gia đình. Bởi thế mà có những gia đình cùng lúc mất 2-3 con trâu coi như sạt nghiệp. Tình trạng “trâu tặc” liên tục lộng hành khiến cho cuộc sống của người dân trở nên xáo trộn. Nhiều gia đình đêm đến không dám ngủ chỉ để canh chừng trâu.

Mang ô tô đi trộm trâu, bò

Mới đây, người dân xã Lương Sơn (huyện Thường Xuân) vẫn chưa khỏi bàng hoàng khi gia đình bà Hà Thị Sen (SN 1979, thôn Ngọc Thượng) kêu mất cùng lúc 4 con trâu được nhốt trong nhà trong đêm 17/7. Gia đình bà Sen ngay lập tức trình báo lên cơ quan công an.

Từ những manh mối thu nhận tại hiện trường cùng những thông tin theo dõi điều tra từ những vụ trộm trâu trước đó, công an huyện Thường Xuân đã phối hợp với công an huyện Như Xuân nhanh chóng bắt giữ 5 đối tượng gồm: Mai Trọng Thanh (SN 1980), Nguyễn Duy Hùng (SN 1985, cùng ngụ xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa), Cao Duy Oanh (SN 1966, ngụ xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân), Lê Văn Dưỡng (SN 1963) và Huỳnh Văn Sinh (SN 1962, cùng ngụ huyện Ngọc Lặc). Tang vật thu giữ là 4 con trâu mới trộm được và 1 chiếc xe ô tô dùng để vận chuyển tài sản trộm cắp.

Chuồng trâu nhà ông Lê Tất Thắng (Tân Bình- Như Xuân)- nơi bị kẻ trộm đột nhập bắt hai con trâu trị giá khoảng 80 triệu đồng
Chuồng trâu nhà ông Lê Tất Thắng (Tân Bình- Như Xuân)- nơi bị kẻ trộm đột nhập bắt hai con trâu trị giá khoảng 80 triệu đồng

Từ vụ án này, qua đấu tranh khai thác, cơ quan công an đã bóc dỡ một đường dây trộm trâu, bò quy mô lớn tại hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình. Bước đầu, các các đối tượng khai nhận đã gây ra 3 vụ trộm trâu ở huyện Như Xuân, 1 vụ ở huyện Thường Xuân, 2 vụ ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) và một số vụ tại tỉnh Hòa Bình và xe ô tô tải là phương tiện chúng chuyên dùng để vận chuyển. Công an huyện Thường Xuân đã thu lại 4 con trâu, công an huyện Như Xuân thu lại được 3 con trâu trả lại cho các bị hại.

Cũng tại huyện Như Xuân, một số gia đình là nạn nhân của “trâu tặc” vẫn chưa tìm ra được tài sản của gia đình bị mất như: gia đình nhà ông Lê Tất Thắng (thôn Sơn Bình, xã Tân Bình). Gia đình ông Thắng bị “trâu tặc” lẻn vào nhà bắt trộm 2 con trâu trị giá 80 triệu đồng vào đêm ngày 17/5;  gia đình ông Lương Hoài Anh (ngụ xã Xuân Bình) mất 3 con trâu vào ngày 13/4, gia đình bà Lê Thị Đào  (xã Thượng Ninh), cũng mất 3 con trâu ngày 26/4.

Ông Lê Tất Thắng,nạn nhân của vụ trộm trâu cho biết: “Đến nay 2 con trâu của gia đình bị mất vẫn chưa được tìm thấy. Cả gia tài có mỗi hai con trâu, cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”

Không riêng gì, hai huyện Thường Xuân và Như Xuân, một số huyện miền núi Như Quan Hóa, Lăng Chánh… cũng thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp trâu, bò. Trước đó, vào ngày 29/4/2015, Công an huyện Quan Hóa cũng đã bắt tạm giam hai anh em ruột là Lê Văn Thái (SN 1974) và Lê Văn Yên (SN 1966), cả hai trú tại xã Đồng Lương, huyện Lăng Chánh. Các đối tượng khai nhận đã gây ra hàng loạt các vụ trộm trâu bò trên địa bàn huyện Quan Hóa và ô tô là phương tiện chúng dùng để vận chuyển tang vật.

Số trâu bò được cơ quan chức năng trả lại cho bị hại trong vụ hai anh em ruột ở Lang Chánh lên huyện Quan Hóa trộm trâu, bò hồi  tháng 4/2015
Số trâu bò được cơ quan chức năng trả lại cho bị hại trong vụ hai anh em ruột ở Lang Chánh lên huyện Quan Hóa trộm trâu, bò hồi tháng 4/2015

Theo ông Lê Trường Sơn, trưởng thôn Sơn Bình  (xã Tân Bình- Như Xuân) thì trước đây có một đối tượng ở huyện Như Thanh trộm trâu bị người dân phát hiện, bức xúc bà con đã đánh “hội đồng” đến chết người này.

Cũng tại xã Tân Bình năm 2002, đối tượng Nguyễn Kỳ Phương (trú thôn Mai Thắng) bị kết án 18 tháng tù về hành vi trộm trâu; Năm 2013, thêm 3 đối tượng là Lương Ngọc Hoàng, Lương Văn Thanh và Vi Văn Bình bị tù treo về hành vi trên.

Hành trình phá án

Tất cả những vụ mất trâu trên địa bàn thường xảy ra vào đêm khuya, dấu vết để lại mờ nhạt nên đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan công an.

Trong vụ án mới đây nhất, gia đình bà Hà Thị Sen (SN 1979, thôn Ngọc Thượng, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân) mất cùng lúc 4 con trâu được nhốt trong nhà trong đêm 17/7.

Đại úy Nguyễn Hữu Toàn, Đội trưởng Đội điều tra Công an huyện Như Xuân, cho biết để bóc dỡ đường dây trộm trâu chuyên nghiệp này, cơ quan công an đã mất gần 2 tháng điều tra, xác minh. “Các đối tượng trộm trâu rất chuyên nghiệp và lì lợm, chúng lại thường hành động về ban đêm, dấu vết để lại chỉ là những vệt bánh xe. Hơn nữa, tại những huyện này, đồng báo các dân tộc thường có tập tục thả trâu vào rừng, vì thế khi mất trâu họ cứ tưởng trâu bỏ vào rừng nên không báo cho chính quyền. Có nhà còn đi nhớ thầy mo về cúng để tìm trâu nên đã gây ra không ít khó khăn cho chúng tôi trong quá trình điều tra vụ việc” – đại úy Toàn nhận định.

Một trong 6 đối tượng trong chuyên án trộm trâu được CA hai huyện Thường Xuân và Như Xuân phá án đang tra tay vào còng
Một trong 6 đối tượng trong chuyên án trộm trâu được CA hai huyện Thường Xuân và Như Xuân phá án đang tra tay vào còng

Để phá chuyên án này, CA huyện Như Xuân đã tung hết lực lượng trinh sát xuống các địa bàn mất trâu, những cơ sở hay giết mổ trâu bò để nắm tình hình, sau đó xác minh các đối tượng nghi vấn để theo dõi.

“Lúc đầu chúng tôi nhận định những đối tượng trộm trâu có “tay trong” là người địa phương nên chúng mới có thể thuộc hết đường đi lối lại và cách thức sinh hoạt của những gia đình có trâu. Tuy nhiên, hướng điều tra này đã không mang lại kết quả. Cuối cùng chúng tôi dùng biện pháp định vị công nghệ trên điện thoại để điều tra và phát hiện Mai Trọng Thanh (SN 1980, xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa, là người chuyên mua bán trâu), thường xuất hiện tại những nơi xảy ra mất trâu và có nhiều cuộc gọi với những đối tượng có tiền án về trộm cắp trâu bò. Từ manh mối này, chúng tôi đã âm thầm theo dõi hành động của Thanh để chờ cơ hội ra tay” – đại úy Toàn kể lại.

Tuy nhiên, khi các đối tượng gần lộ diện thì bỗng dưng Thanh tắt máy điện thoại, CA huyện Như Xuân nhận định chuyên án đã bị bại lộ, nếu tiến hành bắt Thanh thì không có chứng cứ, tang vật để buộc tội và còn dứt dây động rừng.

Các đối tượng cùng chiếc xe tải chở tang vật tại cơ quan công an huyện Thường Xuân
Các đối tượng cùng chiếc xe tải chở tang vật tại cơ quan công an huyện Thường Xuân

Khi vụ việc đang rơi bế tắc thì bất ngờ vào ngày 17/7, số điện thoại của Thanh hoạt động trở lại và đối tượng đang di chuyển lên huyện Thường Xuân. Cùng lúc này, CA huyện Như Xuân nhận được thông tin bên huyện Thường Xuân vừa xảy ra một vụ trộm trâu vào rạng sáng ngày 17/7, đúng thời điểm Thanh xuất hiện. Từ những manh mối trên, CA huyện Như Xuân đã thông báo cho CA Thường Xuân biết chuyên án đơn vị đang điều tra nhiều tháng qua, đồng thời phối hợp bắt khẩn cấp Mai Trọng Thanh và Cao Duy Oanh (SN 1966, xã Thọ Xương- Thọ Xuân).

Theo thiếu tá Trương Văn Dũng, Phó trưởng CA huyện Thường Xuân thì qua sàng lọc các đối tượng, công an hai huyện xác định đối tượng gây ra các vụ trộm trâu là Mai Trọng Thanh nên đã mời đối tượng này lên cơ quan công an để làm việc nhưng đối tượng này không hợp tác. Cho đến khi có đầy đủ bằng chứng, tên này mới cúi đầu nhận tội.

“Chúng tôi xác định đường dây này có 6 người tham gia, hiện có 5 đối tượng đang bị bị bắt giữ, đối tượng còn lại là Phạm Văn Hồng (còn có tên gọi khác là Phúc, ngụ xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc) đang bỏ trốn. Hiện chúng tôi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiếp tục đấu tranh để mở rộng thêm đường dây trộm cắp và truy bắt đối tượng còn lại. Qua manh mối này, CA tỉnh Hòa Bình cũng đã cử một tổ công tác qua Thanh Hóa để làm việc với các đối tượng để điều tra mở rộng vụ án” – thiếu tá Dũng cho biết.

Bình Minh