1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Mối liên hệ “mật thiết" giữa kinh doanh cầm đồ và những vụ trọng án

Tối 13/10/2013, người dân ở thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên không khỏi bàng hoàng trước sự việc một nhóm đối tượng dùng súng tự chế bắn chết một quân nhân và chém trọng thương một người tại nhà nghỉ Hương Rừng, thuộc tổ 20, thị trấn Chùa Hang.

Hoạt động kinh doanh cầm đồ bên cạnh mặt tích cực như giúp người dân giải quyết nhanh chóng nhu cầu vay vốn, thì cũng đang phát sinh những biến tướng gây mất trật tự an toàn xã hội. Thực tế đã có nhiều vụ án xảy ra từ việc cầm đồ biến tướng đòi hỏi nhà nước cần sớm siết chặt các quy định đối với lĩnh vực kinh doanh này.

Án mạng nảy sinh từ cầm đồ, cho vay lãi suất cao

Tối 13/10/2013, người dân ở thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên không khỏi bàng hoàng trước sự việc một nhóm đối tượng dùng súng tự chế bắn chết một quân nhân và chém trọng thương một người tại nhà nghỉ Hương Rừng, thuộc tổ 20, thị trấn Chùa Hang.

Các đối tượng gây án gồm Đỗ Thanh Tùng, 22 tuổi, trú tại xóm Vải, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ; Đinh Tiến Đức, 24 tuổi, trú tại thôn Dương Đình, xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội; Đỗ Văn Vang, 24 tuổi, trú tại xã Lai Thành, Kim Sơn, Ninh Bình và Phạm Văn Phụng, 20 tuổi, trú tại tổ 11, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên.

Chúng khai, trước khi gây án đã nhận được lệnh tới nhà nghỉ Hương Rừng để “xử” anh Nguyễn Thành Tuân là chủ cơ sở, do nợ tiền chưa trả. Lập tức chúng liền lấy dao, súng tự chế bắn đạn "hoa cải", bịt mặt đi xe máy tới nhà nghỉ Hương Rừng.

Lúc đó, anh Phạm Văn Dương, 29 tuổi là quân nhân chuyên nghiệp của Quân khu I đang ngồi xem anh Tuân và một số người khác đánh cờ tướng. Bất ngờ nhóm đối tượng trên xông vào chém anh Tuân, anh Dương và những người khác bỏ chạy thì bị bọn chúng đuổi theo và nổ súng.

Hậu quả, anh Dương bị chúng bắn chết, anh Tuân bị thương nặng phải đi cấp cứu. Sau khi gây án, các đối tượng chạy về hiệu cầm đồ Phương Nam để cất giấu vũ khí và lẩn trốn. Sau khi sự việc xảy ra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công an huyện Đồng Hỷ nhanh chóng điều tra, bắt giữ các đối tượng, thu giữ nhiều hung khí tại cơ sở cầm đồ Phương Nam. Những ngày sau, chủ hiệu là Nguyễn Phương Nam đã ra đầu thú về hành vi tàng trữ vũ khí trái phép.

Đối tượng Đoàn Việt Dũng tại cơ quan điều tra.

Đối tượng Đoàn Việt Dũng tại cơ quan điều tra.
 
Số hung khí được cất giấu tại hiệu cầm đồ vụ xả súng nhà nghỉ Hương Rừng.

Số hung khí được cất giấu tại hiệu cầm đồ vụ xả súng nhà nghỉ Hương Rừng.

Một vụ án khác liên quan tới hoạt động cầm đồ, cho vay lãi suất xảy ra vào tháng 11/2013. Đối tượng Đoàn Việt Dũng, hay còn gọi là Dũng Anh, 21 tuổi, trụ tại tổ 9, phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên đã bị bắt giam về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Khám xét nơi ở của Dũng, cơ quan điều tra thu giữ được nhiều sổ sách, tài liệu liên quan tới hoạt động cho vay, cầm đồ; và 4 ôtô do đối tượng khác lừa đảo, chiếm đoạt mà có đem cầm cố. Theo tài liệu điều tra, từ tháng 4 đến tháng 8/2013, Đoàn Việt Dũng đã mua 4 ôtô do đối tượng Nguyễn Tuấn Anh, 33 tuổi, trú tại tổ 24, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên lừa đảo chiếm đoạt của người khác.

Các vụ án cho thấy thực trạng nhiều cơ sở cầm đồ đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật hoạt động trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau để làm ăn phi pháp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, phát sinh tội phạm.

Còn kẽ hở trong chế tài xử lý

Tính tới quý I năm 2014 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 344 cơ sở kinh doanh cầm đồ, tập trung chủ yếu ở thành phố Thái Nguyên. Số lượng hiệu cầm đồ vẫn gia tăng dựa trên nhu cầu cần vay nhanh chóng của người dân. Đặc biệt là quanh khu vực các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Bên cạnh những cơ sở chấp hành tốt các quy định thì một bộ phận các cơ sở kinh doanh cầm đồ đều tìm các kẽ hở của pháp luật để kinh doanh trái quy định.

Một trong những vi phạm chủ yếu đó là các cơ sở cầm đồ cho cầm cố tài sản nhưng với lãi suất cao hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, cầm cố những đồ vật do phạm tội mà có; cầm cố những giấy tờ, tài sản trái quy định như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, thẻ sinh viên... Không những vậy, các cơ sở này còn cho vay tín dụng trái quy định với lãi suất cao.

Đáng lo ngại hơn, để thu nợ, một số cơ sở cầm đồ trá hình còn tập hợp những thanh thiếu niên hư, côn đồ để tổ chức đi đòi nợ khi có yêu cầu. Nhiều trường hợp đi đòi nợ đã gây thương tích cho các con nợ hoặc tổ chức bắt giữ người trái pháp luật gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự.

Trung tá Nguyễn Phương Nam – Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Hiện nay, không ít các đối tượng đang lợi dụng dịch vụ cầm đồ để chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tổ chức cho vay với lãi suất cao. Các đối tượng này khi cho vay tiền thường rất dễ dãi, thậm chí không cần thế chấp tài sản mà chỉ cần tín chấp đã được vay tiền. Khi người vay không đủ khả năng chi trả do lãi suất cao thì lập tức bị chúng siết nợ, bị khủng bố về tinh thần, thậm chí bị xâm hại đến sức khỏe và tính mạng".

Trước thực trạng trên lực lượng chức năng đã đấu tranh mạnh với các ổ nhóm cầm đồ có biểu hiện phức tạp. Cùng với hoạt động kiểm tra định kỳ, thường xuyên; lực lượng cơ sở còn tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở cầm đồ để xử lý. Tuy nhiên cơ quan chức năng cũng gặp phải một số khó khăn do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe và còn một số kẽ hở.

Theo Thượng tá Phạm Thanh Hải – Phó trưởng Công an TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, công tác xử lý các cơ sở kinh doanh cầm đồ biến tướng hiện vấp phải một số khó khăn như hiện tại một số đối tượng đang lợi dụng một số kẽ hở, thiếu chặt chẽ trong Nghị định 72 của Chính phủ để làm các hoạt động dịch vụ cầm đồ biến tướng.

Do đó các cơ quan chức năng cần sớm bổ sung các quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Cũng cần có quy định cụ thể hơn về diện tích vị trí kho bãi cùng số vốn điều lệ khi mà tham gia hoạt động cầm đồ.

Cầm đồ và kinh doanh dịch vụ cầm đồ là một nhu cầu của xã hội, song để các cơ sở hoạt động cầm đồ đi vào nền nếp, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật thì thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm có những quy định chặt chẽ hơn nữa để giảm thiểu những hệ lụy xấu đến an ninh trật tự do lĩnh vực kinh doanh này gây ra

Theo Nguyễn Minh
Công an nhân dân