TP.HCM:

"Mắt thần" theo chân “hiệp sĩ” săn bắt cướp

(Dân trí) - Những chiếc camera hành trình được trang bị cho các thành viên CLB “hiệp sĩ” săn bắt cướp góp phần nâng cao trách nhiệm, củng cố chứng cứ giúp cơ quan chức năng xử lý các đối tượng cướp giật khi bị “hiệp sĩ” tóm gọn.

hiepsi2-1454151796626

Những chiếc "mắt thần" sẽ đồng hành cùng chàng "hiệp sĩ" SBC trẻ và các đồng đội trong thời gian tới

Sáng 30/1, nhóm “hiệp sĩ” săn bắt cướp (SBC) do chàng trai trẻ Lâm Hiếu Long (25 tuổi, ngụ quận 11) làm đội trưởng đã nhận được sự hỗ trợ gồm 5 chiếc camera hành trình của một đơn vị tình nguyện tài trợ. Dù thành lập muộn, nhưng hiện nay nhóm “hiệp sĩ” SBC của Long được đánh giá là hoạt động năng nổ và hiệu quả.

“Để biến ý nghĩ thành hành động thì không hề đơn giản, đặc biệt là công việc giúp đỡ người hoạn nạn, chặn bắt các đối tượng có hành vi cướp giật nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội thì không hề dễ dàng. Phải có lòng can đảm, máu hiệp sĩ, chúng tôi muốn tiếp thêm sức mạnh cho các hiệp sĩ, đồng hành với các hiệp sĩ trên còn đường thực hiện ý tưởng cao đẹp” – Đại diện đơn vị tài trợ 5 chiếc camera hành trình chia sẻ.

“Hiệp sĩ”Lâm Hiếu Long cho biết, với công cụ là những chiếc camera hành trình mới này sẽ góp sức rất nhiều trong việc săn bắt cướp.

Nói về tinh thần “hiệp sĩ”, Long kể, năm 2010 anh bắt đầu tham gia vào một nhóm “hiệp sĩ đường phố” vì niềm đam mê. Hai năm sau đó, Long tách ra, thành lập nhóm “hiệp sĩ” do anh làm đội trưởng, đến nay ổn định với 5 thành viên với cái tên được người dân gọi “CLB săn bắt cướp Sài Gòn”.

“Trong đội có người đang học ngành luật để tư vấn cho anh em, ngoài ra chúng tôi còn lên mạng tham khảo thông tin để hoạt động đúng quy định pháp luật. Không chỉ bắt cướp, thấy người dân gặp khó khăn chúng tôi đều sẵn sàng giúp đỡ với mong muốn truyền tải đến người dân hiểu hết các thủ đoạn của các đối tượng cướp giật” – Long tâm sự.

Hiệp sĩ Lâm Hiếu Long trong một lần bắt nóng cướp giật trên phố
"Hiệp sĩ" Lâm Hiếu Long trong một lần bắt "nóng" cướp giật trên phố

Trước thắc mắc, quá trình tham gia truy bắt hành chục vụ cướp có sợ bị nhớ mặt, trả thù, làm thế nào trấn an bạn đồng hành? “Trong suy nghĩ của em đã sợ thì không làm. Mối đe dọa nào cũng có hàng ngày, đôi khi họ cố tình họ gây sự, có thể tấn công mình. Mình bình tĩnh xử lý, dù mình ở ngoài sáng, họ ở trong tối nhưng với em, em không sợ bị trả thù, em có cách đề phòng của em” – Long khẳng định.

Long cho biết thêm, khi đi trên đường, luôn căn dặn anh em nên cẩn thận, những trường hợp nào nên can thiệp. Khi họ tấn công mình bằng hung khí thì mình mới chống trả, nhưng cũng phải hợp lý, không phải lúc nào cũng đối đầu với các đối tượng ngoài đường.

“Không khi nào tụi em dừng xe kiểm tra người đi đường được, vì mình không được phép. Nhiều khi thấy tang vật và tình nghi 100% nhưng không thể dừng được, khi qua những địa bàn không quen các anh công an thì rất khó. Nếu phát hiện đối tượng khả nghi mang theo tang vật tại địa bàn quen biết thì tụi em báo cho trinh sát hình sự cùng phối hợp dừng xe kiểm tra. Trong thời gian chờ lực lượng chính quy xuất hiện thì bọn em vẫn âm thầm đeo bám đối tượng từ xa để tránh mất dấu” – “Hiệp sĩ” Lâm Hiếu Long nói.

Ai cũng có công việc mưu sinh riêng nhưng khi rảnh rỗi hoặc có người dân cầu cứu thì lập tức các anh xuất hiện.

Với những chiếc mắt thần này, hiệp sĩ Long cùng đồng đội sẽ yên tâm vào việc truy đuổi và có nhiều chứng cứ hơn để cung cấp cho cơ quan chức năng
Với những chiếc "mắt thần" này, "hiệp sĩ" Long cùng đồng đội sẽ yên tâm vào việc truy đuổi và có nhiều chứng cứ hơn để cung cấp cho cơ quan chức năng

Trao đổi với PV Dân trí, Nguyễn Thị Trương L. (23 tuổi, ngụ quận 3, nạn nhân trong một vụ cướp) cho biết, ngày 30/10/2015, L. dẫn mấy đứa em đi công viên Lê Thị Riêng, khi mới bước vào cổng thì bất ngờ bị một nhóm đối tượng tiếp cận, một tên xẹt tay qua lấy mất chiếc điện thoại iPhone. “Khi phát hiện bị giật mất chiếc điện thoại, em đã bật định vị và xác định được vị trí chiếc điện thoại nằm ở con hẻm gần đó nên lập tức lên phường trình báo, nhưng sao đó công an xuống thì không thấy đối tượng. Tình cờ biết được số điện thoại của các anh “hiệp sĩ” nên em gọi đến cầu cứu” – L. kể lại.

L. chia sẻ thêm: “Dù sau này chiếc điện thoại của em không lấy lại được nhưng các anh hiệp sĩ đã rất nhiệt tình hướng dẫn cho em cách bảo vệ an toàn tài sản và ứng phó khi gặp những tình huống khó khăn”.

Khoảng 3 năm qua, “hiệp sĩ” trẻ Lâm Hiếu Long đã nhận được 15 bằng khen của chính quyền các cấp, trong đó có 3 bằng khen của lực lượng Công an TP.HCM. Các thành viên khác trong đội SBC cũng được được ghi nhận thành tích tương tự.

Trung Kiên

"Mắt thần" theo chân “hiệp sĩ” săn bắt cướp - 4