1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Mất cả trăm triệu đồng vì làm cộng tác viên mua đơn hàng ảo

Thế Kha

(Dân trí) - Các đối tượng "câu nhử", hứa hẹn sẽ trả lợi nhuận phần trăm hoa hồng cho "cộng tác viên" với mức hấp dẫn từ 10-20% số tiền đầu tư góp vốn sau mỗi nhiệm vụ được hoàn thành (mua đơn hàng ảo).

Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn liên tiếp xảy ra một số vụ việc sử dụng mạng xã hội facebook, zalo đăng thông tin tuyển dụng cộng tác viên bán hàng trực tuyến (online) cho các công ty thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nạn nhân các đối tượng nhắm đến thường là học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp hoặc người đang gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng tài khoản mạng xã hội facebook, zalo chủ động làm quen, kết bạn, trao đổi thông tin (họ tên, số điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân giả mạo) với các nạn nhân. Sau khi tiếp cận, làm quen, các đối tượng mời chào nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để góp vốn, đăng ký làm cộng tác viên của các công ty thương mại điện tử nêu trên.

Mất cả trăm triệu đồng vì làm cộng tác viên mua đơn hàng ảo - 1

Để tạo niềm tin, thường sau 2-3 nhiệm vụ ban đầu, các đối tượng trả đầy đủ tiền gốc và tiền hoa hồng cho cộng tác viên (Ảnh: Công an Vĩnh Phúc).

Các đối tượng "câu nhử", hứa hẹn sẽ trả lợi nhuận phần trăm hoa hồng cho cộng tác viên với mức hấp dẫn từ 10-20% số tiền đầu tư góp vốn sau mỗi nhiệm vụ được hoàn thành (mua đơn hàng ảo). Để tạo niềm tin, thường sau 2-3 nhiệm vụ ban đầu, các đối tượng trả đầy đủ tiền gốc và tiền hoa hồng cho cộng tác viên.

Sau khi dẫn dụ cộng tác viên nạp thêm số tiền lớn hơn để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo (mua đơn hàng ảo với số tiền lớn hơn) thì đối tượng đưa ra lý do để chiếm đoạt tài sản như: Mã lệnh sai, thao tác sai khi thực hiện nhiệm vụ, chưa hoàn thành nhiệm vụ, tạo lỗi treo hệ thống làm cộng tác viên không lấy lại được tiền gốc; chặn liên lạc khi không còn khả năng nộp tiền hoặc bị phát hiện lừa đảo.

"Đây là thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng lợi dụng các sàn thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn này, nhiều người đã mất từ vài triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng" - Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.

Vì vậy, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các thông tin của người tuyển dụng trước khi đăng ký làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên không gian mạng. Đặc biệt cảnh giác với các số điện thoại "rác" mà các đối tượng lừa đảo thường dùng để liên hệ và các dạng đầu số có mã vùng quốc tế…

Đặc biệt, không cung cấp hình ảnh cá nhân, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, mã định danh cá nhân, số tài khoản ngân hàng của mình và người thân, bạn bè, không chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định sẵn cho người không quen biết trên không gian mạng. Không truy cập vào đường dẫn (link) do các đối tượng cung cấp.

"Khi phát hiện những trường hợp, đối tượng có biểu hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cần tố giác, cung cấp thông tin và báo ngay tới đường dây nóng Công an tỉnh Vĩnh Phúc (069.2621.429) để được tư vấn, hỗ trợ và xác minh, xử lý" - cơ quan công an thông tin.