Mạo danh người thân lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tướng Tiến lật mặt kẻ gian

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an - trao đổi với NTNN/Dân Việt sau khi Bộ trưởng Bộ Công an có công điện yêu cầu phòng ngừa, xử lý tình trạng mạo danh người nhà của các cán bộ, lãnh đạo cấp cao để lừa đảo, trục lợi.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến

Xin Thiếu tướng cho biết đánh giá về tình trạng mạo danh này trong thời gian qua?

- Việc mạo danh phổ biến nhất hiện nay, nhằm "chạy" dự án để lừa đảo, vay nợ rồi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó có những đối tượng mạo danh một số đồng chí cán bộ cấp cao để can thiệp vào hoạt động của một số cơ quan công quyền, cơ quan tố tụng để xin giảm nhẹ tội cho người thân quen bị bắt hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Mạo danh người thân lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tướng Tiến lật mặt kẻ gian - 2
Hai "siêu lừa" Hà Anh Tuấn và Trần Mai Thanh tự nhận mình là cháu của một sếp trong Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam trước vành móng ngựa. Ảnh: I.T

Cũng vẫn là việc mạo danh còn có tình trạng đối tượng tự xưng danh là người có chức quyền, công tác ở cơ quan có tên tuổi để lừa "chạy" việc làm cho những người mới ra trường, "chạy" vào trường học, đặc biệt là các trường có suất học cử tuyển, trường chọn...

Tóm lại, tình trạng mạo danh để phạm pháp diễn ra dưới nhiều hình thức và xảy ra ở nhiều địa phương là rất đáng báo động. Nếu như tình trạng này không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đến đời sống chính trị nước ta. Chính vì thế mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an đã có công điện yêu cầu phải có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, xử lý tình trạng mạo danh cán bộ, lãnh đạo cấp cao để phạm pháp.

Lực lượng công an đã phát hiện và xử lý ra sao những vụ mạo danh để phạm pháp?

- Các cơ quan công an đã bắt và điều tra nhiều vụ mạo danh để phạm pháp, Cục Cảnh sát hình sự cũng bắt nhiều vụ, hiện đang thụ lý vụ Bảy "cụt" do Công an tỉnh Hà Tĩnh chuyển ra. Bảy "cụt" tên thật là Nguyễn Thiên Hưởng (Nghệ An) cùng một người nữa tự xưng là tướng quân đội công tác ở Tổng cục II (Tổng cục Tình báo).

Thực tế trước đây Bảy "cụt" cũng đi bộ đội, cũng có quen biết với một số vị tướng lĩnh của quân đội. Khi đến các địa phương gặp các lãnh đạo, các doanh nghiệp ở đó, Bảy “cụt” nói đang làm việc thiện, xin các dự án phục vụ mục đích nhân đạo nên một số lãnh đạo địa phương đã nhầm tưởng.

Bước đầu cơ quan điều tra xác định, bằng thủ đoạn mạo danh tướng lĩnh quân đội, Bảy "cụt" đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Thủ đoạn chính của những đối tượng mạo danh cán bộ lãnh đạo để phạm pháp như thế nào, thưa ông?

- Họ có rất nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau. Thứ nhất đối tượng lợi dụng sự quen biết từ trước với những người có chức, có quyền, thông qua việc thăm hỏi, gặp gỡ, đối tượng đã chụp được ảnh chung với những người đó hoặc lấy số điện thoại của họ để chứng minh mình có quan hệ với các vị lãnh đạo.

Thứ hai, đối tượng lợi dụng việc cùng quê, nhận là họ hàng với các vị lãnh đạo để tạo niềm tin. Thứ ba, đối tượng không có quen biết gì nhưng vô tình chụp được bức ảnh có hình bên cạnh các lãnh đạo nên dùng bức ảnh đó đem đi khoe mẽ.

Thứ tư, có loại đối tượng biết số điện thoại của các lãnh đạo, khi gặp đối tác thì giả vờ gọi nói chuyện nhưng thực tế là tự nói chuyện để người khác cả tin. Bên cạnh đó cũng có trường hợp đối tượng được một số lãnh đạo giới thiệu gặp người này, người kia để giải quyết việc gì đó đơn giản, nhưng đối tượng được giới thiệu đến lại lợi dụng việc đó để đặt vấn đề lớn hơn nhằm trục lợi bản thân.

Việc phát hiện, xử lý với loại tội phạm này gặp khó khăn gì, thưa Thiếu tướng?

- Với đối tượng tự nhận mình là cán bộ đang công tác ở những cơ quan đặc biệt như tình báo, cơ yếu... nhận được thông tin như thế, lực lượng công an đi xác minh cũng gặp vô vàn khó khăn, không biết thật giả thế nào? Rồi làm sao để gặp được những cơ quan, cán bộ mà đối tượng khoe là quen biết để xác minh.

Với loại đối tượng tự nhận là con, anh, chị, em ruột của cán bộ lãnh đạo thì xác định được ngay. Còn nếu đối tượng nói là bạn hoặc họ hàng thì rất khó xác minh từ những cán bộ, lãnh đạo người đó có phải bạn, họ hàng thật hay không. Cơ quan điều tra còn gặp khó khăn khi xác minh thì người dân thường càng ít có điều kiện để kiểm chứng.

Nếu vậy người dân, doanh nghiệp có cách nào để nhận biết dấu hiệu của đối tượng mạo danh để phòng ngừa?

- Về mặt nguyên tắc cũng như thực tiễn cho thấy không có người lương thiện hay người làm ăn đứng đắn lại tự xưng là con cháu, người nhà, bạn thân của các đồng chí lãnh đạo để đi "chạy" các dự án, vay mượn tiền rồi chiếm đoạt hay cầm tiền lừa xin việc… Cũng không có cán bộ lãnh đạo hoặc người công tác ở những cơ quan đặc biệt của nhà nước lại ra ngoài làm những việc phi pháp như bán thiên thạch, đá quý, "chạy" dự án, "chạy" việc làm...

Người dân khi có nhu cầu nhờ cậy một việc gì đó hoặc có đối tượng đến môi giới mà tự xưng, khoe mẽ bản thân thì cần phải cảnh giác. Bởi hành vi đó là dấu hiệu của thủ đoạn mạo danh để lừa đảo hoặc thực hiện hành vi phạm pháp khác.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo xử lý

Theo Bộ Công an, thời gian gần đây, xảy ra hiện tượng một số đối tượng mạo danh cán bộ của cơ quan Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cơ quan T.Ư và địa phương, mạo danh thân nhân của các lãnh đạo (con, em, cháu…) để thực hiện nhiều hành vi trục lợi. Bộ trưởng Công an chỉ đạo Tổng cục Chính trị Công an nhân dân phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, nêu cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác về thủ đoạn mạo danh nói trên.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương phải quán triệt, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết công việc theo đúng quy định pháp luật và chủ động triển khai các biện pháp để phát hiện và ngăn chặn những trường hợp mạo danh các vị lãnh đạo, thân nhân các vị lãnh đạo...

Theo Lương Kết

Dân Việt