1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Mảnh giấy viết tay giao nhiệm vụ khiến cựu Phó Chủ tịch tỉnh hầu tòa

Trung Thi

(Dân trí) - Trước Hội đồng xét xử, bị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch Khánh Hòa thuật lại việc giao nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ mảnh giấy viết tay, khiến ông này phải hầu tòa.

Chiều 23/1, Hội đồng xét xử Tòa án nhân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục mở phiên xét xử 9 bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh này về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại dự án OCEANUS (nay đổi tên là Mường Thanh Viễn Triều).

2 chữ ký khiến cựu Phó Chủ tịch tỉnh "dính" lao lý

Ông Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, được Hội đồng xét xử gọi lên xét hỏi về 2 chữ ký liên quan đến dự án.

Mảnh giấy viết tay giao nhiệm vụ khiến cựu Phó Chủ tịch tỉnh hầu tòa - 1

Các tòa cao ốc 40 tầng của dự án Mường Thanh Viễn Triều (Ảnh: Trung Thi).

Theo cáo trạng, ông Thiên đã ký quyết định phê duyệt giá đất tính tiền thuê đất trả một lần, khu đất rộng hơn 22.000m2, ở khu Bãi Dương với giá hơn 9,2 triệu đồng/m2 và ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp làm dự án.

Hai chữ ký của ông Thiên đều trái quy định pháp luật, từ đó gây thất thoát hơn 5,6 tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Đại diện Hội đồng xét xử hỏi vì sao bị cáo lại ký các quyết định trên?

Bị cáo Thiên trình bày trước tòa, bản thân được giao phụ trách mảng văn xã, một mảng không liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, ngày ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Bãi Dương cho doanh nghiệp, ông Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lại đi công tác và giao nhiệm vụ này cho bị cáo Thiên.

Mảnh giấy viết tay giao nhiệm vụ khiến cựu Phó Chủ tịch tỉnh hầu tòa - 2

Bị cáo Đào Công Thiên (Ảnh: Trung Thi).

"Bị cáo làm Phó Chủ tịch tỉnh được giao phụ trách mảng văn xã. Lúc đó, Chủ tịch tỉnh đi công tác nên ghi lại vào mảnh giấy "giao anh Thiên xử lý việc này". Sau đó, bị cáo ký 2 sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Bãi Dương và trên núi Chín Khúc. Cả 2 chữ ký này đều khiến tôi đứng trước tòa với tư cách bị cáo như hôm nay", ông Thiên trình bày.

Bên cạnh đó, ông Thiên còn cho rằng, trước khi hồ sơ đến tay cựu Phó Chủ tịch phải qua 17 chữ ký khác nhau. Ngoài ra, Văn phòng Đăng ký đất đai và Sở Tài nguyên và Môi trường trình hồ sơ lên đều ghi đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. "Bị cáo không lý do gì không ký", bị cáo Thiên nói.

Cựu Chủ tịch tỉnh: Cho làm trước rồi xin sau

Trong vụ án trên, ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, được xác định đã có những chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án. Từ những chỉ đạo của ông Thắng, 8 cấp dưới của ông này vướng vòng lao lý.

Mảnh giấy viết tay giao nhiệm vụ khiến cựu Phó Chủ tịch tỉnh hầu tòa - 3

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (Ảnh: Trung Thi).

Một trong những sai phạm của ông Thắng là cho doanh nghiệp xây cao ốc 47 tầng, dù quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tối đa chỉ được xây cao 40 tầng.

Đại diện Hội đồng xét xử, hỏi: "Quy hoạch chung thành phố Nha Trang được Thủ tướng duyệt chỉ cho phép xây tối đa 40 tầng. Vì sao bị cáo cho Công ty Viễn Triều xây 47 tầng?".

Bị cáo Thắng trình bày: "Bị cáo đã nhiều lần xin Thủ tướng trong các cuộc họp, sau đó có tờ trình xin điều chỉnh xây các công trình cao hơn 40 tầng nhưng không được đồng ý".

"Ý thức chủ quan của bị cáo là cứ cho phép xây và xin phép Thủ tướng, nếu không cho sẽ yêu cầu điều chỉnh. Tiếc là bị cáo đã nghỉ hưu, nên không khắc phục được, tuy nhiên khi anh Lê Đức Vinh (Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015-2019-PV) lên làm Chủ tịch đã điều chỉnh chỉ cho xây 40 tầng", ông Thắng nói.

Sáp nhập dự án vào Tập đoàn Mường Thanh

Theo cáo trạng, khu đất rộng hơn 22.000m2 ở Bãi Dương trước đây thuộc Nhà nghỉ Tỉnh ủy Khánh Hòa, sau đó được điều chỉnh thành đất thương mại, dịch vụ.

Năm 2011, ông Nguyễn Chiến Thắng thời điểm giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa muốn dùng khu đất này để ký kết hợp đồng BT làm các hạng mục đường giao thông.

Mảnh giấy viết tay giao nhiệm vụ khiến cựu Phó Chủ tịch tỉnh hầu tòa - 4

Sau nhiều lần đổi tên, nay dự án được gọi là Mường Thanh Viễn Triều (Ảnh: Trung Thi).

Từ năm 2012 đến năm 2017, một doanh nghiệp đứng ra xin làm dự án khu phức hợp, rồi chuyển dự án, cuối cùng sáp nhập vào Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh xây dựng khu khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Viễn Triều.

Quá trình thực hiện dự án này, nổi lên 5 sai phạm trong cấp phép đầu tư, phê duyệt quy hoạch, giao đất, xác định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các sai phạm trên đã làm thất thoát tài sản nhà nước tại thời điểm tháng 10/2015 là hơn 5,6 tỷ đồng; tại thời điểm khởi tố vụ án (1/2022) là hơn 350 tỷ đồng.

Có 9 bị cáo là cựu lãnh đạo công tác tại tỉnh Khánh Hòa bị cáo buộc để xảy ra sai phạm tại dự án Mường Thanh Viễn Triều, gồm: Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Ngọc Tâm, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính.

Vũ Xuân Thiềng, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Trần Sỹ Quân, cựu Cục phó Cục Thuế; Lê Huy Toàn, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang; Trần Quang Bửu, cựu Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Nguyễn Văn Nhựt, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.