Màn tranh luận “nảy lửa” trong phiên xử đại án Vinashinlines
(Dân trí) - Hầu hết các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo đều đề nghị HĐXX trả hồ sơ, điều tra bổ sung để làm rõ hành vi, từ đó xác định lại tội danh các bị cáo. Bảo vệ quan điểm luận tội của mình, đại biện Viện Kiểm sát có màn đối đáp “làm nóng” phiên xử.
Luật sư đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung
Phiên tòa ngày 20/2 bắt đầu với phần tranh luận của luật sư Nguyễn Đình Khỏe, bào chữa cho bị cáo Trần Văn Khương. Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Khương được hưởng lợi hơn 1 tỷ đồng từ số tiền tham ô tài sản trong vụ án này.
Dẫn một số bút lục lời khai của Trần Văn Khương, Trần Văn Liêm, luật sư Khỏe cho rằng, những lời khai này có nhiều mâu thuẫn nên chưa thể là căn cứ xác định hành vi của Khương. Ông khẳng định có việc Khương nhận tiền nhưng số tiền là bao nhiêu cần được làm rõ.
Theo luật sư Khỏe, số tiền 110.000 USD Trần Văn Khương chiếm đoạt đã được sử dụng chi tiêu theo chỉ đạo của Trần Văn Liêm. Việc chi tiêu đã ghi vào sổ, khi hết số tiền này thì Khương được chỉ đạo hủy số chi tiêu đi. Từ đó, luật sư Khỏe cho rằng cần xem xét lại việc Trần Văn Khương có chiếm đoạt số tiền 110.000 USD hay không.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Đình Khỏe cũng nhận định, Trần Văn Khương không phải là đồng phạm của tội “Tham ô tài sản”. Ông cho rằng, bị cáo Khương có hành vi cố ý làm trái chứ không phải tham ô; đồng thời đề nghị HĐXX trả hồ sơ, điều tra bổ sung để xác định hành vi của bị cáo.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng, bào chữa cho bị cáo Giang Văn Hiển, cho rằng, bản cáo trạng còn thiếu nhiều yếu tố buộc tội “Rửa tiền” đối với bị cáo Hiển. Theo luật sư Hưng, với tội “Rửa tiền”, bị cáo phải ý thức chủ quan, phải biết được đây là tài sản bất hợp pháp và hành vi khách quan là phải làm gì mới phạm tội.
Từ những phân tích của mình, luật sư Hưng đề nghị xem xét hành vi của bị cáo dựa trên luật phòng chống rửa tiền và các văn bản liên quan đến chống rửa tiền; đồng thời cho rằng, các cơ quan tố tụng chưa chứng minh được hành vi của Giang Văn Hiển. Kết lại, luật sư Nguyễn Đình Hưng là trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đồng thời xem xét những tài sản không liên quan thì trả lại cho bị cáo.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Giang Kim Đạt bổ sung quan điểm cho rằng, tiền hoa hồng không phải là tiền chênh lệch giá. Ngoài ra, đối với việc thỏa thuận, tiền ngoài hợp đồng xảy ra sau khi hoàn thành giao dịch. Ngoài ra, bị cáo Đạt cũng đưa ra một số cơ sở để bác quy kết của cơ quan tố tụng là về việc nhận hoa hồng và chênh lệch giá cho thuê tàu.
Về số tiền trong tài khoản của bị cáo Giang Văn Hiển, Giang Kim Đạt vẫn cho rằng đó là số tiền bị cáo đã chuyển cho bố mình.
Bị cáo Trần Văn Liêm thì khẳng định mình không bao giờ chỉ đạo Giang Kim Đạt làm việc trái pháp luật.
3 bên “giành nhau” 260 tỷ đồng tiền tham ô
Tranh luận tại tòa, đại diện của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) và đại diện của Vinashinlines “giành nhau” số tiền hơn 260 tỷ đồng được xác định bị các bị cáo tham ô.
Đại diện Vinashin, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, cho biết, về phần dân sự, nếu các bị cáo bồi thường thì Vinashin muốn lấy lại khoản tiền nhằm khắc phục một phần nào số tiền cho Vinashinlines vay mua tàu. Theo đại diện Vinashin, hiện Vinashinlines nợ 48 triệu USD và 73 tỷ đồng tiền gốc trong việc mua 8 tàu.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Khôi, đại diện Vinalines, cho biết, đơn gửi tòa xác định họ là nguyên đơn dân sự, do vậy số tiền bồi thường phải được hoàn trả cho Vinalines. Tháng 6/2010, Vinashinlines được chuyển nguyên trạng cho Vinalines trong đó có cả các khoản nợ.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng Giám đốc Vinashinlines - đề nghị, nếu các bị cáo bồi thường thì trước mắt chuyển tiền về cho Vinashinlines quản lý. Số tiền này xử lý như thế nào thì chờ chỉ đạo trực tiếp từ cơ quan chủ quản.
Phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện KNSD trước những tranh luận của các luật sư. Về thủ tục tố tụng, các luật sư cho rằng không thuộc thẩm quyền của Cơ quan An ninh điều tra, theo đại diện VKS, việc điều tra là đúng thẩm quyền vì Cơ quan ANĐT được phân công trong vụ án tham nhũng tại Vinashin. Các quyền và nghĩa vụ của các bị cáo tại cơ quan điều tra cũng được đảm bảo.
Các luật sư cho rằng, Giang Kim Đạt không được bổ nhiệm, không có chức vụ nên không thuộc đối tượng của tội “Tham ô tài sản”. Tuy nhiên, theo đại diện VKS, Đạt được xác định vai trò đồng phạm nên không cần xác định việc có chức vụ quyền hạn.
Về quan điểm luật sư cho rằng không có căn cứ quy kết Trần Văn Liêm chỉ đạo, thống nhất trong vụ án tham ô tại Vinashinlines, theo đại diện VKS, bị cáo Liêm là Tổng Giám đốc nên phải chịu trách nhiệm về mọi công tác điều hành của công ty.
Đối với hành vi của Trần Văn Liêm, đại diện VKS khẳng định, Liêm nhờ Đạt mua tài sản bằng tiền tham ô. Lời khai cho thấy, Đạt lương tháng chỉ 10 triệu nhưng vẫn nhờ mua tài sản giá hàng tỷ đồng. Đại diện VKS khẳng định, việc cơ quan tố tụng xác định Liêm chỉ đạo Đạt và biết rõ việc nhận tiền hoa hồng, tiền chênh lệch giá là có căn cứ.
Về số tiền theo lời khai có sự thay đổi, khi thì 200.000 USD, khi thì 120.000 USD, khi thì 110.000 USD, cơ quan tố tụng lấy con số 110.000 USD là thực hiện theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.
Đối với bị cáo Giang Văn Hiển, các luật sư cho rằng bị cáo không phạm tội “Rửa tiền” vì không biết nguồn gốc số tiền chuyển vào tài khoản. Đại diện VKS cho hay, tại cơ quan điều tra, Hiển khai tại sao lại mở nhiều tại khoản ngoại tệ, lý do là Đạt nhờ để đối tác nước ngoài chuyển tiền.
Tại cơ quan điều tra, Đạt cũng khai nhờ bị cáo Hiển mở. Bị cáo Hiển cũng biết rõ nguồn gốc số tiền này từ đâu vì con trai mình đang làm việc tại Vinashinlines. Bị cáo Hiển rút tiền ra để mua bất động sản, xe ô tô nhằm biến tài sản bất hợp pháp thành hợp pháp, do đó bị cáo bị truy tố tội “Rửa tiền” là có căn cứ, đúng pháp luật.
Về nguyên đơn dân sự, đại diện VKS cho rằng, số tiền các bị cáo chiếm đoạt nguồn gốc từ Vinashinlines nên cần trả về cho Vinashinlines. Số tiền thuộc về Vinashin hay Vinalines thì tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên. Các tài sản kê biên, theo đại diện VKS, đã được xác định đúng là tài sản hình thành từ tiền tham ô.
Kết thúc đối đáp, đại diện VKS khẳng định, việc truy tố các bị cáo hai tội “Tham ô tài sản” và “Rửa tiền” là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tiến Nguyên