Mại dâm biến tướng qua mạng xã hội
Thời gian gần đây, khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra xử lý thì tình trạng mại dâm giảm hẳn ở các tụ điểm công cộng, các quí ông hám của lạ cũng khó khăn hơn trong việc tiếp cận các “chân dài”. Để tiếp cận nguồn khách, các “chân dài” rút vào hoạt động bí mật và tăng cường “dội bom” tin nhắn qua các mạng xã hội.
“Dội bom” tin nhắn mồi chài khắp nơi
Cách đây mấy ngày, Hùng (ngụ quận 3) khi vào một quán cà phê tại quận 1, mở mạng để liên lạc với một người bạn thì bất ngờ nhận được tin nhắn từ một cô gái xinh đẹp qua tính năng tìm bạn. Chưa kịp bất ngờ thì Hùng tiếp tục nhận được hình ảnh của cô gái xinh như “hot girl” này gửi qua. Vốn tính tò mò, Hùng chát lại vài câu thì cô gái này tung thêm mấy tấm ảnh nữa, chụp ở nhiều góc khác nhau trong tư thế khêu gợi với đề nghị được “đi chơi” với giá mỗi ngày 2 triệu đồng nếu ở trong nước, 1.000USD nếu đi nước ngoài. Thấy Hùng im lặng, cô này tung tiếp tin nhắn “nếu anh muốn “đi dù” thì em cũng sẽ chiều, giá 400 nghìn mỗi lần anh nhé”. Hùng cho biết, hiện nay chỉ cần đi đến các quán cà phê khu trung tâm thành phố, mở mạng ra liên lạc thì kiểu gì cũng bị mấy cô “chân dài” này tung tin nhắn, hình ảnh để mồi chài mua dâm.
Không chỉ riêng Hùng, mà Sơn (ngụ quận Bình Thạnh) cũng đã trở thành đối tượng để các “cô em” này nhắm đến. Lúc đó vào khoảng giữa tháng 5, khi cô bạn gái đang mượn điện thoại để chơi game thì bất ngờ có tin nhắn từ một người gửi đến. Thấy những hình ảnh cô gái mát mẻ, khiêu gợi, thậm chí in luôn cả số điện thoại lên ảnh để mời chào, cô bạn gái của Sơn đỏ cả mặt. Trước tình huống “khó đỡ” này, Sơn phải hết lời giải thích với cô bạn gái rằng mình không có hư hỏng như thế, đó chỉ là những tin nhắn rác thôi. Tất nhiên, sau một hồi giải thích thì khuôn mặt cô bạn gái của Sơn mới dãn ra đôi chút.
Theo lời mách bảo của một số “dân chơi”, PV đi đến một quán cà phê vườn nằm trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh). Sau khi ngồi được vài phút, mở ứng dụng chát qua mạng xã hội lên vài phút thì đã có 2 tin nhắn từ người lạ gửi đến. Tin nhắn đầu tiên là của một cô gái tự xưng là sinh viên, túng tiền nên “làm thêm” mỗi ngày từ 10h đến 2h sáng hôm sau, giá cả theo mặt bằng chung, phục vụ nhiệt tình. Tin nhắn thứ hai vẫn có nội dung như vậy nhưng hình ảnh kèm theo là một cô gái xinh đẹp, đúng chất “chân dài” kèm theo câu cam kết “phục vụ như người yêu”. Điểm chung của những tin nhắn kiểu dội bom này hình ảnh cô gái được gắn kèm số điện thoại với cam kết là “đúng người trên hình, không tráo “hàng”.
Kể lại câu chuyện bị dội bom tin nhắn quảng cáo món “mát mẻ” này, Khoa (ngụ quận 5) chia sẻ rằng những tin nhắn dạng này thường xuất hiện ở các quận 1, 5, 8, Bình Thạnh. Đa phần người dùng mạng xã hội nhận những tin này qua tính năng tìm bạn bè. Các cô gái bán dâm thường dùng tính năng này để “săn” khách.
Hám của lạ trên mạng, coi chừng rước họa vào thân
Theo một nữ nhân viên hoạt động xã hội trong tổ chức chuyên trợ giúp các đối tượng có nguy cơ bị xâm hại cao thì việc nhiều cô gái chọn cách tiếp cận khách hàng mua dâm qua mạng xã hội diễn ra đã rất lâu nhưng dạo này thì bùng lên bởi lượng người dùng mạng xã hội tăng lên chóng mặt. Các cô gái này cho rằng, việc tiếp cận khách qua mạng an toàn hơn là đi ra đứng ở các tụ điểm công cộng, các con đường vắng, hơn nữa lại tránh được những đối tượng đòi ăn chia, thu tiền bảo kê hàng ngày, chưa kể là các lực lượng chức năng đi truy quét. Tuy nhiên, việc không có ai đỡ đầu cũng khiến các cô gái kiếm sống bằng nghề này gặp phải những vị khách “trời ơi”, chưa kể là bị cưỡng đoạt tài sản.
Ngược lại, có không ít đấng mày râu đã bị ăn cú lừa khi tin vào những hình ảnh mát mẻ mà các cô gái gửi cho rồi “đặt hàng”. Trường hợp của anh Thanh Tuấn ở quận 4 là ví dụ. Anh Tuấn kể vào đầu tháng 5, sau chầu nhậu, anh bạn nói có “kèo” ngon trên mạng, mời anh em dùng thử. Sau khi xem những hình ảnh mà cô gái kia gửi qua, cả nhóm 4 người quyết định đi đến điểm hẹn là một khách sạn nằm ở khu Trung Sơn (giáp quận 7 và huyện Bình Chánh). Mọi chuyện tưởng êm xuôi thì sau khi đi ra, cả bọn mới ngớ người ra số tiền trong ví bị vơi đi đáng kể. “Trận đó mình bị cô kia móc lấy 2 triệu, 3 người còn lại mỗi người mất cả triệu đồng trong ví mà không rõ lý do. Sau khi nhớ lại thì mới biết là mình sơ hở khi mấy cô kia đòi tiền trước rồi thúc đi tắm. Có thể, họ móc bóp mình lúc đó” - anh Tuấn kể.
Không đến nỗi “thê thảm” như nhóm của anh Tuấn, trường hợp của Khoa có thể nói là cười ra nước mắt khi cách đây khoảng một tuần, sau chầu nhậu “tưng tưng”, Khoa và hai người bạn làm cùng đi “kiếm cái giải khuây”. Cả nhóm sau khi xem tin nhắn, hình ảnh và cả địa điểm cụ thể từ một chân dài đã tức tốc đến điểm hẹn là một nhà nghỉ ở quận 1. “Sau khi trả tiền phòng và tiền cho 3 cô gái kia, cả bộn mới ngớ người ra khi 3 cô “sinh viên làm thêm” kia đều là pê đê giả gái. “Cũng may là anh em cảnh giác nên mấy ba lô chứa đồ nghề vẫn còn nguyên vẹn chứ không thì đã bị bọn kia cuỗm đi mất rồi” - Hoàng kể với giọng ấm ức.
Được biết, hiện một số mạng xã hội vẫn chưa được trang bị tính năng chặn những tin nhắn thô tục hoặc những hình ảnh nhạy cảm. Lợi dụng những sơ hở này, nhiều người đã tận dụng để mời chào các dịch vụ nhạy cảm như đã nêu trên cũng nhưng làm kênh quảng cáo những mặt hàng bị cấm như đồ chơi, thuốc kích dục. Theo thông tin mà chúng tôi có được, hiện một mạng xã hội lớn của Việt Nam đã có riêng một đội ngũ chuyên hạn chế tác động tiêu cực của những thông tin xấu độc, những hình ảnh phản cảm. Mạng xã hội này cũng trang bị cho người dùng những nút trên giao diện để họ báo cáo những tin nhắn xấu. “Những tài khoản khi đăng hay phát tán những hình ảnh phản cảm, mời mọc mua hay sử dụng dịch vụ bị cấm sẽ bị chặn” - nguồn tin này cho biết.
Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc của các nhà mạng, các đơn vị chủ quản mạng xã hội và các cơ quan chức năng bằng các qui định pháp qui cũng như giải pháp về công nghệ thì người dùng cũng nên cảnh giác với những thông tin xấu độc, những dịch vụ không được pháp luật cho phép khi sử dụng các mạng xã hội trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Trường Sơn
Lao động