1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Luật sư phân tích lời khai của 4 nữ tiếp viên hàng không xách ma túy

Thế Hưng

(Dân trí) - Trong vụ án xách tay ma túy từ Pháp về Việt Nam, nhiều độc giả thắc mắc về việc làm sao để xác thực được lời khai của 4 nữ tiếp viên.

Trao đổi với Dân trí, TS. Luật sư Đặng Văn Cường phân tích về tình huống trên như sau, theo thông tin về lời khai ban đầu, các nữ tiếp viên không biết số hàng hóa kem đánh răng này có chứa chất ma túy. Họ được thuê vận chuyển từ một người lạ mặt, tiền công vận chuyển số kem đánh răng là 10.000.000 đồng.

Theo ông Cường, nội dung lời khai này có hai vấn đề cần phải làm rõ. Ngoài ra, tiền công vận chuyển và diễn biến giao nhận hàng hóa với người lạ mặt cũng cần được xác minh.

Nếu lời khai là đúng, các nữ tiếp viên này không biết đây là chất ma túy thì sẽ không bị xử lý về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Nếu họ biết đây là chất ma túy mà vẫn vận chuyển thì sẽ xử lý hình sự theo khoản 4, điều 250 bộ luật hình sự.

Luật sư phân tích lời khai của 4 nữ tiếp viên hàng không xách ma túy - 1

154 hộp kem đánh răng được 4 tiếp viên mang về từ Pháp có chứa ma túy (Ảnh: Tổng cục Hải quan).

Ông Cường cho rằng, về mặt pháp lý thì hành vi vận chuyển ma túy là có, đúng là chất ma túy, thỏa mãn các dấu hiệu về chủ thể, mặt khách quan và khách thể của tội phạm. Vấn đề còn lại là chứng minh mặt chủ quan của tội phạm (bao gồm: lỗi, động cơ, mục đích) làm căn cứ để xử lý hình sự hay không?

Xác định người thực hiện hành vi có lỗi hay không là dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh này. Nếu chứng minh được lỗi cố ý thì sẽ đủ căn cứ xử lý hình sự. Chứng minh lỗi sẽ không chỉ căn cứ vào lời khai mà chủ yếu là căn cứ vào hành vi khách quan. Về mặt lý luận thì hành vi khách quan sẽ thể hiện ý thức chủ quan.

Theo ông Cường, việc xác định lời khai của các nữ tiếp viên này là đúng hay không sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có thể phân tích về giá cả loại hàng hóa này ở Việt Nam so với giá ở bên Pháp, loại hàng này có phổ biến ở Việt Nam không, tiền công vận chuyển như vậy có bất hợp lý không?

Cụ thể, tiền công vận chuyển 10.000.000 đồng với khoảng hơn 10kg hàng, tính ra riêng công vận chuyển là khoảng 1.000.000 đồng/kg là đắt hay rẻ, có hợp lý hay không? Giá kem đánh răng ở Pháp so với Việt Nam chênh nhau như thế nào? Nếu là các loại kem đánh răng thông thường thì vận chuyển về Việt Nam sẽ lãi bao nhiêu? Tiền chi phí vận chuyển có đến mức như vậy không?

Làm thế nào để biết lời khai của các nữ tiếp viên này là đúng hay sai?

Loại kem đánh răng này có chất lượng và giá cả như thế nào khi so sánh giá ở hai quốc gia... tính giá mua, tiền thuế, các chi phí khác cho đến khi có được giá bán sẽ là những con số để xác định có nên buôn lậu kem đánh răng từ Pháp về Việt Nam hay không? Nếu vận chuyển trái phép như vậy về Việt Nam thì liệu có bán được không? Rủi ro như thế nào khi thực hiện hành vi này so với lợi nhuận có thể mang lại?

Ông Cường nhận định, làm rõ những vấn đề nêu trên là những căn cứ để xác định lời khai tiền công vận chuyển 10.000.000 đồng cho số hàng hóa đó có hợp lý và các nữ tiếp viên này có biết đây là chất ma túy hay không? Về mặt lý luận thì hành vi khách quan sẽ thể hiện ý thức chủ quan, nếu là nói dối thì hành vi và lời nói sẽ mâu thuẫn nhau. Bởi vậy lời khai ban đầu là rất quan trọng, sẽ là cơ sở để tìm ra tính hợp lý hay không hợp lý của diễn biến sự việc, làm cơ sở để đấu tranh làm rõ lời khai đó có đúng sự thật hay không.

Vụ việc này có nhiều nghi phạm nên cơ quan điều tra cũng sẽ bóc tách, hỏi từng người để phát hiện ra những mâu thuẫn trong lời khai, sẽ đấu tranh để xác định sự thật là gì. Lời khai ban đầu cho thấy các tiếp viên này vận chuyển kem đánh răng từ một "người lạ" không quen biết, nếu người lạ không quen biết mà giờ vận chuyển hàng về Việt Nam dễ dàng như vậy thì cũng là điều khá bất thường, vấn đề này sẽ được làm rõ.

4 tiếp viên Vietnam Airlines mang ma túy từ Pháp về Việt Nam (Clip do cơ quan chức năng cung cấp).

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các tiếp viên này sang Pháp từ bao giờ, thời gian ở bên Pháp bao lâu và tiếp xúc với những ai? Việc vận chuyển hàng hóa về Việt Nam diễn ra bao nhiêu lần, diễn ra như thế nào, lần này tại sao lại bất thường như vậy? Hàng hóa này đã qua cửa khẩu hải quan sân bay Pháp như thế nào, tại sao lại trót lọt?

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến hành vi của những người này từ khi sang Pháp, thời gian cư trú lưu trú bên Pháp cho đến khi lên chuyến bay trở về nước. Cơ quan chức năng cũng sẽ rút danh sách điện thoại để xác minh các liên hệ, cuộc gọi đến và cuộc gọi đi trước trong và sau thời điểm giao nhận hàng; kiểm tra điện thoại để xác định tin nhắn, các giao dịch, thông tin với những người khác và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ sự thật khách quan.

Số lần vận chuyển hàng hóa, loại hàng hóa, mối quan hệ với cơ quan chức năng trong quá trình vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có liên quan là những vấn đề quan trọng để mở rộng vụ án này cũng như là cơ sở để xác định các nữ tiếp viên này có bị xử lý hình sự hay không.

Ngoài ra, việc giao nhận số hàng này giữa người lạ mặt với các tiếp viên được thực hiện như thế nào? Họ có kiểm tra hay không, nếu kiểm tra tại sao lại không phát hiện? Nếu không kiểm tra thì tại sao lại tin tưởng người lạ đến vậy?

Hành vi khách quan sẽ thể hiện ý thức chủ quan là có biết đây là chất ma túy hay không, đây là vấn đề mấu chốt để xác định có xử lý hình sự đối với các nữ tiếp viên này.