1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Lời khai của nữ quản lý truy thu nợ trong "cỗ máy" vay lãi nặng tới 2.190%

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Bị cáo Zhang Min, quản lý truy nợ trong đường dây cho vay lãi nặng qua app lãi suất lên tới 2.190% khai, công việc của bị cáo là nhắc nhở khách trả nợ đúng hạn, còn việc trả nợ hay không là do khách.

Chia nhóm khách trả chậm để đòi nợ

Chiều 23/8, HĐXX Tòa án nhân TP Hà Nội đưa bị cáo Zhang Min (38 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) cùng 134 bị cáo khác ra xét xử về các tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, Cưỡng đoạt tài sản, Trốn thuế.

Zhang Min là một trong những bị cáo nằm trong vụ án cho vay lãi nặng xuyên quốc gia với mức lãi suất lên tới 2.190%/năm và đòi nợ kiểu xã hội đen.

Kẻ cầm đầu đường dây này là Li Zhao Qiang (36 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) đã trốn khỏi Việt Nam, đang bị truy nã quốc tế.

Tại tòa, bị cáo Zhang Min khai được Li Zhao Qiang thuê làm việc tại Việt Nam từ ngày 17/10/2021. Công việc chính của Zhang Min khi sang Việt Nam là giúp quản lý thu hồi nợ, báo cáo kết quả công việc hàng ngày cho Li Zhao Qiang.

Tại Việt Nam, Zhang Min chỉ quản lý một bộ phận truy nợ. Bộ phận này có 2 văn phòng tại Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. 

Đối với dữ liệu khách hàng sẽ do 3 nhân viên gửi cho bị cáo vào cuối ngày. Sau đó, Zhang Min tổng hợp lại và gửi cho Li Zhao Qiang.

Quá trình làm việc, bị cáo có tài khoản để quản lý số lượng khách hàng cũng như việc khách hàng thanh toán đúng hẹn hay không.

Nếu khách hàng trả chậm, bộ phận truy nợ sẽ nhắc nhở và chia thành nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4.

Lời khai của nữ quản lý truy thu nợ trong cỗ máy vay lãi nặng tới 2.190% - 1

Bị cáo Zhang Min tại phiên tòa (Ảnh: Hồng Nguyên).

Việc truy nợ khách hàng trả chậm bằng cách gọi điện thông báo và tần suất gọi điện của mỗi nhóm là khác nhau.

Đối với khách hàng ở nhóm 1, nhân viên bộ phận truy nợ sẽ gọi điện nhắc nhở khoản vay đã đến hạn, phải thanh toán đúng hạn. 

Còn đối với khách hàng trả chậm ở nhóm 2, 3... bộ phận truy nợ gọi điện nhắc nhở và thông báo "Nếu bạn có khó khăn gì hãy liên hệ với chúng tôi".

Lên kịch bản đòi nợ

HĐXX hỏi: Bị cáo nghĩ sao khi có nhiều tài liệu thu thập được thể hiện ngay ở nhóm thứ 2, các đối tượng đòi nợ đã gọi điện chửi bới, đe dọa khách hàng?

Bị cáo Zhang Min trình bày: Việc này là không đúng. Bộ phận truy nợ chỉ nhắc nhở khách hàng trả nợ, còn việc trả hay không do khách.

"Nếu chỉ nhắc nhở, có khả năng thu hồi được khoản vay không?", HĐXX tiếp tục truy vấn.

Bị cáo Zhang Min nói: "Trả nợ hay không là do khách, công việc của bị cáo chỉ là nhắc nhở".

Tại tòa, Zhang Min một mực khẳng định việc đòi nợ khách hàng chỉ là gọi điện nhắc nhở, không có việc chửi bới, đe dọa và việc này có kịch bản từ trước. 

Nội dung kịch bản do Li Zhao Qiang soạn, sau đó Zhang Min chỉnh sửa, tổng hợp lại và đưa cho nhân viên thực hiện.

Đối với việc các nhân viên cấp dưới gọi điện cho khách hàng trả chậm đe dọa, chửi bới để đòi tiền, Zhang Min cho rằng mình giám sát nhân viên chưa "đến nơi, đến chốn".

"Bị cáo tin mọi người đều là người tốt, việc có nợ sẽ trả là việc nên làm, bị cáo chỉ làm tốt công việc là nhắc nhở khách hàng trả nợ đúng hạn", Zhang Min khai và cho biết khi sang làm việc tại Việt Nam được Li Zhao Qiang trả lương khoảng 70 triệu đồng/tháng.

Cáo buộc thể hiện, Li Zhao Qiang là đối tượng cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi với mức lãi suất lên tới 2.190%/năm.

Cơ quan điều tra xác định, Li Zhao Qiang đã điều hành các công ty, cho vay qua các app tổng số 120.780 khách với số tiền hơn 1.607 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 732 tỷ đồng.

Dưới trướng Li Zhao Qiang là Zhang Min. Người này được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp, chỉ đạo bộ phận nhắc và truy nợ tại các công ty của Li Zhao Qiang. 

Zhang Min sau đó giao cho Nghiêm Đức Giang (37 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) phụ trách bộ phận truy thu đòi nợ.

Hàng ngày các nhóm trưởng như Giang phải gửi báo cáo bằng văn bản kết quả thu nợ để Zhang Min quản lý đôn đốc.

Trong đường dây này, Bùi Đức Hoàng được Nghiêm Đức Giang giao quản lý một nhóm nhân viên truy nợ.

Hàng ngày, Hoàng dùng máy tính được công ty giao để đăng nhập vào hệ thống dữ liệu khách hàng của công ty. Tại đây có đầy đủ thông tin của khách hàng, ngày đến hạn trả nợ…

Hoàng được Giang huấn luyện các chiêu thức đòi nợ. Theo đó, nếu khách hàng không chịu trả nợ, Hoàng sẽ cắt ghép hình ảnh rồi gửi cho khách để đe dọa.

Nếu khách vẫn không trả tiền sẽ gửi các hình ảnh đó cho người thân của khách hoặc đăng lên mạng xã hội nhằm ép buộc người nợ phải trả tiền.

Từ năm 2019 đến tháng 5/2022, Bùi Đức Hoàng đã giúp Li Zhao Qiang, Zhang Min và Nghiêm Đức Giang tổ chức hoạt động cho vay qua app CashVN với tổng số tiền gần 1.230 tỷ đồng, thu lợi bất chính gần 550 tỷ đồng.

Ngày mai (24/8), tòa tiếp tục phần xét hỏi.