1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Lộ đề thi hay lọt đề, pháp luật quy định thế nào?

Hoài Thanh

(Dân trí) - Hành vi của người đăng tải đề thi lên phương tiện thông tin nằm ngoài phạm vi được cho phép sau khi đề đã mở niêm phong được xem là làm lọt đề thi.

Sáng 28/6, các thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 bước vào môn thi Ngữ Văn. 7h35, bài thi bắt đầu, nhưng đến khoảng 8h, hình ảnh về đề thi đã bị phát tán trên mạng xã hội.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Cục An ninh chính trị nội bộ - A03, Bộ Công an cho biết người phát tán là một thí sinh thuộc Hội đồng thi tại tỉnh Cao Bằng. Nam sinh này đã sử dụng điện thoại, chụp ảnh đề thi sau khi đề được phát khoảng 15 phút để gửi cho người thân nhờ giải hộ.

Đối với đề toán, A03 xác định người phát tán đề thi là một thí sinh ở tỉnh Yên Bái.

Nhiều ý kiến cho rằng vụ việc này là làm lộ đề thi. Tuy nhiên, có ý kiến nêu quan điểm đây là lọt đề thi. Vậy hai khái niệm này khác nhau thế nào, luật quy định chế tài ra sao?

Lộ đề thi hay lọt đề, pháp luật quy định thế nào? - 1

Các giáo viên kiểm tra thông tin thí sinh (Ảnh: N.D).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Mai Hạnh, Công ty Luật TNHH H2H, cho biết, theo Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 809/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, trong đó quy định "Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức và dự bị các kỳ thi THPT, thi học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai" thuộc Bí mật Nhà nước độ tối mật.

Căn cứ Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018 thì Bí mật Nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

"Trong sự việc xuất hiện đề thi Văn (Toán) trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023 trên không gian mạng khi chưa hết 2/3 thời gian làm bài chúng ta thấy rằng, đề thi đã được mở niêm phong, phát cho các thí sinh là bài và giám thị cũng được phép đọc đề. Nên đây là việc đề thi đã được công khai", luật sư Trần Mai Hạnh phân tích.

Tuy nhiên giới hạn trong phạm vi khu vực thi và phải thực hiện nghiêm túc theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT và 06/2023/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là "Quy chế thi tốt nghiệp THPT").

Do đó, theo luật sư Mai Hạnh, hành vi của người đăng tải đề thi lên phương tiện thông tin nằm ngoài phạm vi được cho phép sau khi đề đã mở niêm phong thì không được xem là hành vi làm "lộ" đề thi.

"Đây có thể đánh giá là hành vi làm lọt đề thi. Hiện nay tuy chưa có quy định định nghĩa hành vi làm lọt đề thi nhưng có thể hiểu là đề thi được phát tán ra bên ngoài sau khi mở túi niêm phong và đề thi đã được phát cho thí sinh", luật sư nói.

Bà Trần Mai Hạnh nhấn mạnh, theo quy định, sau khi hết 2/3 thời gian làm bài, thí sinh mới được rời khỏi phòng thi. Trước khi hết thời gian làm bài, đề thi "tuồn" ra ngoài thì được coi là lọt đề thi".

Hành vi làm lọt đề thi này tùy theo người thực hiện hành vi mà bị xử lý tương ứng theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 4, 5 Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi Vi phạm quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Cục An ninh chính trị nội bộ đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an tỉnh Cao Bằng và những địa phương liên quan để xác minh, điều tra, xử lý vi phạm theo quy định; đồng thời, tham mưu Ban chỉ đạo thi cấp Quốc gia chỉ đạo Hội đồng thi các tỉnh/TP khắc phục sơ hở trong quá trình thi.