1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em: Góc nhìn của thượng tá công an

Hải Nam

(Dân trí) - Theo chuyên gia, trong những vụ án bạo hành trẻ em, xếp sau kẻ trực tiếp gây tội ác về mặt trách nhiệm, chính là người thân của các cháu, rồi đến hàng xóm, giáo viên…

Vừa qua, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bắt khẩn cấp Trần Hoài Thương (33 tuổi, trú TP Đà Lạt) để điều tra hành vi bạo hành cháu N.N.T.C. (2 tháng 20 ngày tuổi), con gái của Nguyễn Phúc Hồng A.- người tình của Thương. 

Công an xác định Thương trong thời gian sống chung với người tình, thấy cháu C. thường quấy khóc nên nhiều lần dùng tay đánh, tát mạnh vào mặt cháu bé. Hứng chịu những hành động trên, nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, nhiều vụ án bạo hành trẻ em cũng liên tục xảy ra, như vụ 2 bảo mẫu hành hạ, đánh đập một cháu bé 2 tuổi đến chấn thương sọ não, dập phổi ở TP Đà Lạt, hay vụ bé gái Vân An ở TPHCM bị dì ghẻ và cha đánh đập, bạo hành đến tử vong.

Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em: Góc nhìn của thượng tá công an - 1

Cháu bé nhập viện trong tình trạng choáng đa chấn thương, hôn mê (Ảnh: V.T).

Trước những vụ việc trên, Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) đưa ra quan điểm dưới góc nhìn tội phạm học.

Theo ông Hiếu, những đối tượng gây án đều có điểm chung là suy thoái về nhân cách, đạo đức, lối sống. Động cơ, ý chí thực hiện tội phạm đến cùng bắt nguồn từ lòng ích kỷ cao độ.

Qua những vụ án bạo hành trẻ em gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua, ông Hiếu đúc rút ra 3 sự tương đồng.

Một là, nạn nhân trong các vụ án đều thuộc tình cảnh là những cuộc hôn nhân tan vỡ. Khi cha hoặc mẹ của các cháu bé kết duyên với một người "khác máu tanh lòng", cuộc sống của những cháu bé bắt đầu "sang trang mới" - địa ngục.

"Trong sâu thẳm tâm lý nội tâm, những kẻ đó coi "núm ruột" của bồ là cái gai trong mắt", ông Hiếu nhận định.

Hai là, thái độ vô cảm của những người thân thích, hàng xóm. Theo ông Hiếu, các vụ án mà trẻ em là nạn nhân, đều dưới hình thức bạo hành gia đình. Trước khi bị tước đi sinh mạng, nạn nhân có một khoảng thời gian hứng chịu đòn roi, bạo lực, nhận những chấn thương nặng.

"Tại sao không ai biết cho đến khi những sinh mệnh thuần khiết ấy lìa bỏ cuộc đời? Có thực sự khó để không thể biết trẻ bị bạo hành hay không? Tôi nghĩ là không!", Thượng tá Đào Trung Hiếu đưa ra quan điểm.

Là một chuyên gia tội phạm học, ông Hiếu nhận định những biểu hiện bất thường về tâm lý và thể chất của trẻ em không khó để được phát hiện bởi cha, mẹ, thầy cô giáo...

Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em: Góc nhìn của thượng tá công an - 2

Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu (Ảnh: Hải Nam).

"Có thể đánh giá ở các vụ án đã xảy ra, xếp sau kẻ trực tiếp gây tội ác về mặt trách nhiệm, chính là người thân của các cháu, rồi đến hàng xóm, giáo viên…", ông Hiếu nói.

Ba là, nhân cách thoái hóa, lệch lạc của kẻ gây án và người liên quan. Ông Hiếu cho rằng, điểm chung trong đặc điểm tâm lý thủ phạm là sự thoái hóa về nhân cách, với các đặc điểm lệch lạc như: Tính ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, lối sống vị kỷ, hưởng thụ, thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý trong giao tiếp xã hội, coi thường các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật.

"Người liên quan trực tiếp sau hung thủ là bố hoặc mẹ của trẻ. Họ cũng đồng điệu với kẻ thủ ác ở thái độ thờ ơ trước an nguy, hạnh phúc của con", ông Hiếu chia sẻ.

Kết lại, tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho rằng, sau những vụ án trên, cần đặt ra vấn đề xã hội hệ trọng, đó là phải làm sao để khôi phục lại truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam. Đó là ông bà cha mẹ nêu gương, con cháu thảo hiền, gia đình không ly hôn.