Kỳ án Vi Văn Phượng giết mẹ: "Thà bị tử hình chứ không nhận tội"
(Dân trí) - VKS đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung, làm rõ chứng cứ buộc tội bị cáo Vi Văn Phượng giết mẹ. Còn bị cáo nói "thà bị tử hình chứ không nhận tội".
Chiều 23/5, TAND Cấp cao tại TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Giết người. Người bị đưa ra xét xử là Vi Văn Phượng (55 tuổi, quê Bắc Giang), bị cáo buộc giết mẹ là bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926).
Bị cáo và mẹ sống hòa thuận
Là một trong những nhân chứng quan trọng của vụ án khi ở cùng bị cáo hầu như toàn bộ thời gian trước khi vụ án xảy ra, ông Lăng Đức Mạnh trước tòa lại thể hiện sự thiếu đồng nhất trong các lời khai.
Cụ thể, trong các phiên tòa trước đó, ông Mạnh cho biết khi đi làm cùng bị cáo vào sáng 5/10/2012, ông Phượng chỉ mặc một áo màu xanh bộ đội, bên trong có mặc áo hay không thì không biết. Tuy nhiên, sau đó, nhân chứng này lại khai là thấy ông Phượng mặc 2 áo, áo trong màu trắng đục.
Tại phiên tòa hôm nay, ông Mạnh khẳng định là thấy Phượng mặc 2 áo, áo ngoài màu xanh, áo bên trong màu "cháo lòng".
Sau đó, HĐXX chất vấn về chiếc áo màu trắng dính máu, được vắt trên thang tại hiện trường. Nhiều lần, thẩm phán cho bị cáo, nhân chứng được xem ảnh chiếc áo trong hồ sơ nhằm xác nhận đó chính xác là tang vật mà cơ quan điều tra thu giữ.
Xem xong, bị cáo Phượng phủ nhận một chiếc áo trong hồ sơ là của mình. Tương tự, một nhân chứng cũng cho biết chiếc áo được đưa đi giám định trong hồ sơ không giống với áo mà người này nhìn thấy tại hiện trường.
Xét hỏi một nhân chứng khác là ông Vi Văn Thắng - người đầu tiên đến hiện trường, HĐXX đặt câu hỏi về thời điểm ông được báo về vụ án.
Theo lời khai của nhân chứng này, trong khoảng thời gian 11h-12h, ông bất ngờ nhận điện thoại của Phượng thông báo: "Mẹ cháu mất rồi". Khoảng 5 phút sau, ông Thắng xuất hiện tại nhà của Phượng.
Khi đó, ông thấy bị cáo đang đứng ở hiên nhà với thái độ bình tĩnh, tay cầm điện thoại, mặc áo màu xanh. Đặc biệt, nhân chứng không thấy vết máu ở bất kỳ phần cơ thể nào trên người Phượng cũng như quần của bị cáo.
"Vào hiện trường, tôi thấy máu ở chân tường đã khô đen", ông Thắng nói trước HĐXX và đưa ra nhận định cá nhân là cái chết của bà Vui xảy ra từ trước đó khá lâu.
Vợ của bị cáo cũng được triệu tập đến phiên tòa và được yêu cầu đứng lên bục khai báo. Trước tòa, vợ Phượng kể lại về món vay 1,5 chỉ vàng.
"Chồng tôi trả vàng cho mẹ khoảng 1 tháng trước khi vụ án xảy ra. Bà Vui khi đó còn nói là mẹ đã hỏi đâu mà trả. Tôi bảo mẹ cứ cầm, khi nào các cháu có việc thì bà lại cho", vợ Phượng khai và chia sẻ chồng mình trong mắt người nhà, hàng xóm là người hiếu thảo, chăm lo gia đình, đặc biệt mối quan hệ giữa Phượng và bà Vui rất tốt, hòa thuận.
Đến tòa bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, luật sư mời một bác sĩ có khoảng 40 năm công tác trong lĩnh vực pháp y để phân tích về cơ chế đông máu, biến đổi màu máu từ khi máu chảy ra khỏi cơ thể - một trong những bằng chứng ngoại phạm của bị cáo.
Được HĐXX chấp nhận đưa ra nhận định, bác sĩ này cho biết không có tài liệu nào khẳng định việc máu biến đổi sang màu thâm đen sẽ diễn ra trong bao lâu, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng nếu ở trong điều kiện bình thường thì máu sẽ thâm đen sau khoảng 30 phút đến 1 tiếng.
Trước khi kết thúc phần xét hỏi, luật sư xác nhận lại với bị cáo về hành trình của Phượng trước khi về nhà. Cụ thể, bị cáo cho biết trên đường về đi qua một trường học, gặp nhiều học sinh đang tan trường. Đi qua cổng trường, Phượng dừng ở quán tạp hóa mua mì tôm. Khi về đến nhà, bị cáo đã thấy mẹ tử vong.
"Nếu bây giờ bị cáo nhận tội sẽ tránh được mức án cao nhất là tử hình, bị cáo có nhận tội không?", luật sư hỏi. Đáp lại, Phượng nói "thà bị tử hình chứ không thừa nhận giết mẹ".
Đề nghị hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại
Trước khi chuyển sang phần tranh luận, HĐXX yêu cầu cơ quan tố tụng công bố bản luận tội. Đưa ra quan điểm, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng có nhiều vấn đề còn mâu thuẫn trong vụ án này.
Cụ thể, về động cơ gây án, mâu thuẫn thể hiện ở việc bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo ức chế với mẹ nên sát hại nạn nhân, nhưng lời khai của người thân, nhân chứng, hàng xóm lại cho thấy Phượng là người có hiếu.
Mâu thuẫn thứ hai nằm ở chiếc áo màu trắng dính máu được thu giữ tại hiện trường. Theo cơ quan công tố, nhiều nhân chứng khẳng định họ không rõ bị cáo có mặc vào ngày vụ án xảy ra hay không. Riêng có nhân chứng Mạnh xác nhận Phượng mặc 2 áo nhưng VKS không đánh giá cao lời khai này, vì ông Mạnh rất nhiều lần thay đổi bản khai.
Đặc biệt, VKS cũng cho rằng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm lần 2 chưa làm rõ 7 yêu cầu của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao trong Quyết định giám đốc thẩm năm 2016.
Từ những nhận định trên, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung, làm rõ các mâu thuẫn, do các chứng cứ buộc tội bị cáo Vi Văn Phượng chưa vững chắc, chưa đủ căn cứ.
Tại bản án sơ thẩm lần 2, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt bị cáo Vi Văn Phượng hình phạt tử hình về tội Giết người.