1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Kiến nghị công an cách tiếp cận trẻ bị xâm hại

Do trẻ bị xâm hại tình dục thường có tâm lý lo lắng, sợ hãi, các luật sư đề xuất để nữ điều tra viên mặc thường phục đến tận nhà lấy lời khai nạn nhân.

Quan sát thái độ của trẻ bị xâm hại tình dục qua nhiều năm, các luật sư (LS) bảo vệ quyền trẻ em rút ra nhiều kinh nghiệm và đề xuất hai điểm với CQĐT. Một số nơi đã có tiếp thu và bước đầu tạo được sự tin tưởng của trẻ, từ đó trẻ thoải mái kể lại những gì đã qua, góp phần giúp CQĐT nhanh chóng phá án.

Nghe “lên công an” là sợ rúm ró

Chị Hương (ngụ TP.HCM) nghẹn ngào kể lại câu chuyện chị phát hiện con gái tám tuổi có sự lạ. Gặng hỏi thì biết con gái bị lão hàng xóm thân quen dụ lên trên gác nhà lão, cho kẹo và làm chuyện đồi bại. Sự việc đã qua lâu, không còn chứng cứ. CQĐT nhiều lần mời cháu bé cùng gia đình lên lấy lời khai.

Chị Hương kể: “Con tôi rất sợ. Mỗi khi nghe nói sắp lên công an là sợ rúm ró. Có lên tận nơi, cháu cũng không nói được gì, chỉ ngồi khóc. Càng ngày cháu càng suy sụp, nghe nhắc tới vụ án, đi lấy lời khai… là cháu sợ. Mà cháu đã khai rồi, lại cứ bắt khai đi khai lại, chẳng biết để làm gì?! Dần dần chính tôi cũng sợ cho con của mình, không muốn đưa bé đi đến các cơ quan này nữa”.

“Không chỉ một trường hợp này mà rất nhiều trường hợp các bé gái phải đến CQĐT để cung cấp lời khai. Các cháu còn rất nhỏ, đến một nơi lạ lẫm, gặp những cô chú công an lạ mặt, rồi phải kể lại những điều đau lòng và hết sức nhạy cảm thì rất tội, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các cháu” - LS Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, nhận định.

Kiến nghị công an cách tiếp cận trẻ bị xâm hại - 1

Mẹ của một bé gái bị xâm hại tình dục cho biết con của mình rất sợ mỗi khi  nghe nhắc đến vụ án hay lấy lời khai. Ảnh: QN

Đề xuất ba thay đổi

Sau nhiều năm làm công tác bảo vệ trẻ em, từng tham gia đưa nhiều vụ việc xâm hại trẻ em ra pháp đình, LS Trần Thị Ngọc Nữ đã đúc rút kinh nghiệm liên quan đến việc lấy lời khai nạn nhân. Từ đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đề xuất với các CQĐT về việc bố trí điều tra viên là nữ để lấy lời khai của nạn nhân (là bé gái) trong các vụ xâm hại tình dục. Đồng thời, hội đề xuất nữ điều tra viên mặc thường phục và đến tận nhà để tiếp xúc, lấy lời khai của các bé gái nạn nhân.

Khi xét xử vụ án hình sự quy định tại Điều 5 của thông tư này, tòa án phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi…;

b) Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của TAND (không mặc áo choàng);

 

d) Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa án phải xét xử kín…

(Trích Điều 7 Thông tư số 02/2018 của TAND Tối cao) 

LS Nữ cho biết ở một số quận, huyện đã có bố trí điều tra viên là nữ. Tuy nhiên, các điều tra viên vẫn mời nạn nhân đến CQĐT, chứ chưa đến tận nhà. Dù chỉ một bước thay đổi nhưng bước này phần nào đã giúp cho các bé có tâm lý thoải mái hơn.

Đặc biệt, có một vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em xảy ra tại quận Tân Bình mới đây. Công an phường 14, quận Tân Bình bố trí nữ cán bộ đảm trách vụ án này. Người này mặc thường phục, xuống tận nhà bé để tiếp xúc. Bé thấy thoải mái như đang ngồi nói chuyện với người nhà, chứ không phải là nơi làm việc.

LS Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng nếu các quận, huyện khác cũng thực hiện đề xuất của hội thì có thể giúp cho việc điều tra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em được nhanh chóng và đầy đủ thông tin hơn.

Thay bộ đồ, đổi thái độ

Có lần chúng tôi đưa một bé gái đến CQĐT. Vừa tới cổng thôi là bé tỏ vẻ sợ hãi rồi. Vào trong công sở, gặp các cô chú mặc sắc phục thì bé càng sợ hơn, ríu chân, không muốn vào phòng. Thuyết phục đưa bé vào rồi, hỏi nửa tiếng đồng hồ mà bé không nói được gì hết.

Tôi quan sát thấy bé cứ liếc liếc nhìn một anh LS. Tôi đoán là bé ngại khi có mặt người khác giới. Có lẽ với các bé từng bị xâm hại tình dục, sự hiện diện của người khác giới khiến các bé không yên tâm. Tôi ra hiệu cho anh LS này đi ra ngoài. Một lát sau, bé kể được nhiều hơn nhưng ngập ngừng lúc nói, lúc không.

Tôi mới nhờ cô điều tra viên: “Em ơi, em có thể thay đồ khác được không?”. Cô ấy cũng rất thấu hiểu và đi qua phòng khác thay đồ thường phục rồi quay vào. Chúng tôi hết sức bất ngờ là bé trở nên cởi mở và kể lại mọi chuyện rất rõ ràng, rành mạch. Thậm chí những chuyện trước đây chưa từng nói ra thì bây giờ bé cũng nói ra hết, nói cả suy nghĩ, nỗi lòng của mình. Dường như bé có được sự tin cậy, sự chia sẻ cho nên khai đầy đủ xong thì chúng tôi ra về và bé rất thoải mái, không lo lắng, sợ hãi nữa, còn hẹn: “Bà rảnh nhớ tới nhà con chơi”.

LS TRẦN THỊ NGỌC NữHội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM 

Theo Đinh Ngọc Quỳnh Như

Pháp luật TP Hồ Chí Minh