Kiểm sát viên “chạy án” được “tha” vì thành thật
Một kiểm sát viên ở tỉnh Cà Mau thú nhận tham gia “chạy án” nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Đàm Hoàng Vũ, Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau, cho biết đã khai trừ ra khỏi Đảng một kiểm sát viên (KSV) ở tỉnh do dính líu đến một vụ “chạy án”. Người này cũng bị VKSND Tối cao cách chức KSV và hiện chỉ làm công tác văn phòng.
Từ “dắt” mối
Trả lời của ông Vũ phần nào giải tỏa đồn đoán của dư luận địa phương nhiều năm qua về câu chuyện “chạy án” của ông Q., vốn là KSV của VKSND tỉnh Cà Mau. Theo tìm hiểu của phóng viên, vào tháng 3-2009, sau khi bị tố giác, ông Q. đã có bản tự kiểm đặc biệt với đầu đề “về việc giúp người khác “chạy án””.
Theo bản tự kiểm, trước đó ông Q. biết được việc ký quyết định bắt một bị can trong vụ án lừa đảo tiền qua mạng Colony Invest tại BV Đa khoa khu vực huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Lúc này ông Q. đang học một lớp cao cấp chính trị thì được một người học cùng lớp là ông C. (là phó chủ tịch UBND một huyện của Cà Mau) dò hỏi rồi nhờ giúp vì trước đây ông C. được bị can trên cho 500 điểm để tham gia vào mạng (sau này bị kết luận là mạng lừa đảo - NV). Vì vậy, nếu lỡ công an điều tra thì rất kẹt. Nghe vậy, ông Q. nhận lời và giới thiệu ông C. với một KSV khác để tiếp tục làm việc với một số cảnh sát điều tra vụ án. Tới đó, ông Q. cho rằng đã hết trách nhiệm và sau đó được ông C. thông báo “chuyện đã được giải quyết xong”.
Đến “chạy án”
Khoảng hai tháng sau, ông C. lại chủ động nhờ ông Q. tìm cách giúp bị can trên được nhẹ tội. Ông Q. nói bản thân không giúp được gì nhưng có quen Thẩm phán M. và sẽ nhờ xem sao. Nói là làm, ông Q. gặp Thẩm phán M. thì được đáp rằng “giúp được nhưng phải đưa trước một số tiền làm tin”. Bởi nhiều vụ ông M. đã giúp xong người ta không đưa tiền làm mất uy tín. Thông tin được tải đến ông C. và sau đó ông C. “nối” ông Q. với vợ bị can (là bà Th.). Từ đó, ông Q. và bà Th. bắt đầu giao dịch tiền bạc.
Cụ thể, bà Th. đưa cho ông Q. 5 triệu đồng nhưng Thẩm phán M. chê ít không nhận. Sau đó bà Th. đưa tiếp 6 triệu đồng (trong đó có 1 triệu đồng để ông Q. làm chi phí “giao dịch”). Nhận 10 triệu đồng, Thẩm phán M. hứa sẽ giúp xử nhẹ tội. Sau đó ông Q. nói được nhận thêm khoảng 6 triệu đồng nữa, gồm 3 triệu đồng là tiền chi phí giao dịch lo “chạy án” và 3 triệu đồng “làm quà” để xin lãnh đạo VKS tỉnh cho bị can tại ngoại. Tuy nhiên, khi thấy thái độ của lãnh đạo VKS tỉnh cứng rắn, ông Q. không dám đưa và mang “quà” trả lại cho bà Th.
Sau nhiều lần hối thúc việc xin cho chồng được tại ngoại không thành, bà Th. đổi ý, kiếm ông Q. đòi lại tiền. Tuy nhiên, ông Q. không “níu” được thẩm phán nên đã dùng tiền túi trả lại. Lúc này, tổ công tác của VKS tỉnh phát hiện, làm việc về dấu hiệu “chạy án”.
Thành thật nên không truy cứu
Bản tường trình dài năm trang A4 của ông Q. kể tường tận sự việc, thể hiện được sự chủ động của ông trong việc thông tin, gợi ý và “dắt mối” cho các bên gặp nhau. Ông Q. nêu chi tiết địa điểm nhận tiền (tổng cộng là 17 triệu đồng) tại các quán cà phê nhưng cho rằng không hưởng thụ đồng nào mà đưa 10 triệu đồng cho thẩm phán, trả lại người chạy 3 triệu đồng và phần còn lại là chi phí (mua card điện thoại cho người khác, dẫn nhiều người đi ăn nhậu).
Sự kiện “chạy án” này được râm ran đồn đoán trong thời gian qua. Phóng viên Pháp Luật TP.HCM cũng đeo bám song chỉ được trả lời đang chờ ý kiến của VKSND Tối cao. Đến ngày 7-5, ông Đàm Hoàng Vũ, Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau, đã thông tin chính thức với chúng tôi về sự vụ trên và ra các quyết định xử lý ông Q. như đã nêu.
Trả lời câu hỏi vì sao không xem xét dấu hiệu của hành vi hối lộ hay môi giới hối lộ, ông Vũ nói: “Chúng tôi đã xác minh và báo cáo toàn bộ sự việc về VKSND Tối cao. Sau đó chúng tôi được phản hồi là xử lý kỷ luật ông Q. như đã nói và không có đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, số tiền ông Q. nhận cũng không lớn, việc “chạy án” cũng chưa thực hiện được và ông Q. đã có thái độ thành thật, ăn năn hối cải. Do vậy, ông Q. chỉ dừng lại ở mức độ kỷ luật như vậy và chúng tôi xét thấy là vừa”.
Đưa, nhận, môi giới hối lộ đều có cả Qua bản tự “giúp người khác “chạy án”” của ông Q. cho thấy sự việc vi phạm mang tính tổ chức nên cơ quan chức năng cần phải làm cán bộ tòa án có nhận 10 triệu đồng hay không? Nếu có thì hành vi này đã có dấu hiệu của các tội nhận hối lộ (Điều 279), đưa hối lộ (Điều 289), làm môi giới hối lộ (Điều 290)... được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ý thức chủ quan của bà Th. mong muốn chồng bà được xử nhẹ và được tại ngoại nên đưa tiền nhiều lần. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ nên bà Th. phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn tình tiết “trước nhờ, nay thôi và đòi tiền lại” là do nguyên nhân ngoài ý muốn hoặc tự ý chấm dứt hành vi phạm tội nên tình tiết này sẽ được xem xét giảm nhẹ. Luật sư TRẦN THỊ ÁNH, Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh Lương (quận 2, TP.HCM) |
Theo TRẦN VŨ
Pháp luật TP Hồ Chí Minh