Không nuôi dưỡng liệt sỹ có được hưởng quyền thờ cúng liệt sỹ?
(Dân trí) - TAND TP Hà Nội vừa xét xử phúc thẩm vụ việc hy hữu tranh chấp quyền hưởng chế độ liệt sỹ. Một bên cho rằng có công nuôi dưỡng liệt sỹ, bên còn lại đưa ra dẫn chứng đã thờ cúng liệt sỹ từ lâu.
Phiên tòa xét xử phúc thẩm tại TAND TP Hà Nội xét xử vụ án "Tranh chấp quyền được hưởng chế độ liệt sỹ", giữa nguyên đơn là ông Đinh Văn Quấn (SN 1949, thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội), bị đơn là ông Đinh Văn Truyền (SN 1928, cùng xã với ông Quấn), đại diện ủy quyền cho bị đơn là ông Đinh Văn Ngôn (SN1953).
Theo nội dung vụ án, nguyên đơn trình bày, vợ chồng cụ Đinh Văn Thảo, Nguyễn Thị Tít (nội tộc với ông Quấn) sinh được 2 người con là Đinh Văn Liễn (SN 1933), Đinh Thị Lan. Khi cụ Thảo, cụ Tít chết, ông Liễn 3 tuổi ở với gia đình chú là Đinh Văn Cẩn (cụ Cẩn là em con chú con bác với cụ Thảo), đến năm 1947 thì đi bộ đội và hy sinh năm 1948 (có xác nhận của nhiều cụ cao tuổi tại địa phương). Do đói kém nên bà Lan đã đi ở rồi thất lạc ở Thái Nguyên.
Theo trình bày của đại diện cho bị đơn, khoảng năm 1947, liệt sỹ Liễn sống vài tháng ở nhà cụ Phải (anh trai của cụ Cẩn) rồi đi bộ đội, đến năm 1952 thì hy sinh (không có tài liệu, cơ sở gì kèm theo).
Nguyên đơn cho biết, khi liệt sỹ Liễn hi sinh, nhà nước báo tử về gia đình cụ Cẩn. Gia đình cụ Cẩn thờ cúng liệt sỹ Liễn từ đó đến nay. Năm 1986 bà Lan trở về quê, gia đình cụ Cẩn giao lại giấy tờ của liệt sỹ Liễn cho bà Lan làm các thủ tục về thân nhân liệt sỹ để ra ở nhà bảo trợ xã hội. Do nhà bảo trợ chưa xây xong, bà Lan ở nhờ nhà ông Truyền được 20 ngày thì chết.
Theo bị đơn, từ khi bà Lan chết, gia đình ông Truyền thờ cúng liệt sỹ và nhận tiền trợ cấp hàng năm do Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Mê Linh cấp.
Từ năm 2013 hai bên tranh chấp, không hòa giải được, ông Quấn thay mặt cho nhiều người trong họ khởi kiện ra TAND huyện Mê Linh tranh chấp quyền thờ cúng liệt sỹ Liễn.
HĐXX sơ thẩm (TAND huyện Mê Linh) cho rằng căn cứ vào phong tục tập quán tại địa phương, xét về huyết thống trong dòng họ, cụ Cẩn là chú họ của liệt sỹ Liễn thuộc chi 3, còn ông Truyền là em trai trong dòng họ cùng chi 2 với liệt sỹ. Như vậy, ông Truyền là anh em gần cận huyết với liệt sỹ Liễn nên việc giao cho ông Truyền có quyền thờ cúng liệt sỹ Liễn.
Không đồng tình, ông Quấn có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Phạm Thị Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, có đầy đủ chứng cứ chứng minh cụ Cẩn (ông nội ông Quấn), cụ Thận (bố ông Quấn) là người có công nuôi dưỡng và Cục Chính sách đã có giấy xác nhận cụ Thận là thân nhân của liệt sỹ Liễn nên ông Quấn là người kế thừa hợp pháp đối với các quyền, nghĩa vụ của thân nhân liệt sỹ.
"Rất nhiều người cao tuổi sống tại xã Văn Khê biết sự việc đã xác nhận làm chứng việc gia đình cụ Cẩn là người có công nuôi dưỡng liệt sỹ Liễn. Giấy xác nhận của Cục Chính sách ghi thân nhân khác của liệt sỹ Liễn là chú Đinh Văn Thận. Tòa án không thu thập được, ông Truyền cũng không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào thể hiện ông Truyền là thân nhân liệt sỹ, tại địa phương cũng không có phong tục tập quán nào như Tòa án cấp sơ thẩm viện dẫn là anh em con chú con bác thì thờ cúng... HĐXX giao quyền thờ cúng liệt sỹ cho ông Truyền mà không xem xét đến việc ông Truyền không thuộc hàng thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015; ông Truyền không phải là thân nhân liệt sỹ theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 31 năm 2013;... ", luật sư Thu phát biểu tại phiên tòa phúc thẩm.
HĐXX phúc thẩm nhận định, trước thời gian đi bộ đội, liệt sỹ Liễn có thời gian ở với cụ Cẩn, cụ Phải. Tuy nhiên, không có căn cứ để xác định khoảng thời gian từng người nuôi liệt sỹ Liễn là bao lâu. Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Nghị định 31 ngày 9/4/2013 thì người có công nuôi liệt sỹ dưới 18 tuổi, thời gian nuôi từ 10 năm trở lên. Như vậy theo qui định thì không có cơ sở xác định cụ Cẩn là người có công nuôi liệt sỹ Liễn.
Về nhân thân và quan hệ huyết thống trong dòng tộc của liệt sỹ Đinh Văn Liễn, xét thấy, liệt sỹ Liễn và ông Truyền thuộc chi 2. Như vậy, ông Truyền có quan hệ huyết thống gần với liệt sỹ Liễn.
Bản án phúc thẩm, có đoạn: "Như vậy, ông Truyền thờ cúng liệt sỹ, thân nhân của liệt sỹ là hợp lẽ ngẫu nhiên, phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương và được thực hiện từ nhiều năm nay. HĐXX phúc thẩm cho rằng, không nên làm xáo trộn việc này, do đó, việc chuyển thờ cúng liệt sỹ Liễn từ ông Truyền sang ông Quấn là không cần thiết nên không có cơ sở để tiếp nhận đơn kháng cáo …".