1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Không giảm án cho các bị cáo trong vụ thất thoát 967 tỷ đồng tại Agribank

(Dân trí) - Sau 3 ngày xét xử, sáng 11/5, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên án vụ Dương Thanh Cường cùng đồng phạm lừa đảo, gây thất thoát của nhà nước gần 967 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn chi nhánh 6, TPHCM.

Theo đó, HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án đối với các bị cáo Dương Thanh Cường (Nguyên tổng giám đốc công ty Bình Phát) tù chung thân về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Lê Thành Công (Nguyên tổng giám đốc công ty Phương Đông) 25 năm tù về các tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Hồ Đăng Trung (Nguyên giám đốc ngân hàng Agribank chi nhánh 6) 20 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị cáo Đỗ Trọng Nhân 8 năm tù về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Theo cáo trạng, Dương Thanh Cường đã lập ra nhiều công ty để lừa đảo, chiếm đoạt của Agribank CN 6 966 tỉ đồng. Lần thứ nhất, Cường chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ, thế chấp dự án số 10 Âu Cơ để vay 170 tỉ đồng. Đến cuối năm 2007, Cường thực hiện dự án đầu tư xây dựng cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) lập hồ sơ vay 700 tỉ đồng, tài sản thế chấp hoàn toàn bằng tài sản hình thành từ vốn vay là 23 sổ đỏ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Từ ngày 4/12/2007 đến 19/9/2008, Agribank CN 6 đã giải ngân cho công ty của Cường vay 628 tỉ đồng. Sau khi thế chấp vay của Agribank CN 6, Cường mượn lại các giấy tờ tài sản thế chấp rồi mang đến Ngân hàng Phương Nam vay tiếp. Một số lãnh đạo, cán bộ của Agribank CN 6 biết rõ công ty của Cường mới thành lập, không có khả năng tài chính nhưng vẫn thẩm định, lập hồ sơ cho vay.

Trong phiên sơ thẩm, TAND TPHCM tuyên phạt Cường mức án tù chung thân; 5 bị cáo nguyên là cán bộ Agribank chi nhánh 6 lãnh mức án từ 9 - 20 năm tù cùng về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; 4 bị cáo Lê Thành Công, Đỗ Trọng Nhân, Thái Cường và Lê Sơn Hùng bị phạt từ 8 - 25 năm tù về các tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “chiếm đoạt tài sản”...

Sau đó, các bị cáo Cường, Công, Trung, Nhân kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt và thay đổi tội danh. Nguyên đơn dân sự là ngân hàng Agribank Việt Nam kháng cáo xin lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bình Chánh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ (quận Tân Phú) đã được Agribank chi nhánh 6 nhận là tài sản đảm bảo vay.

Tuy nhiên, trong phiên phúc thẩm, HĐXX đã bác toàn bộ kháng cáo, không giảm án cho các bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX kết luận Cường là cầm đầu, chủ mưu, trực tiếp sử dụng toàn bộ số tiền chiếm đoạt nên buộc Cường bồi thường hơn 1.127 tỉ đồng (cả vốn và lãi) cho Agribank chi nhánh 6, không yêu cầu các bị cáo còn lại liên đới bồi thường.

Bị cáo Dương Thanh Cường được dẫn về trại giam
Bị cáo Dương Thanh Cường được dẫn về trại giam

Đồng thời, HĐXX cũng bác yêu cầu của Agribank Việt Nam xin nhận lại tài sản thế chấp là “sổ đỏ” số 10 Âu Cơ vì đây là tài sản cấm cầm cố, thế chấp, hiện tài sản này đang thuộc về một công ty khác nên không có cơ sở để thu hồi trả lại cho Agribank Việt Nam.

Đối với 23 “sổ đỏ” tại huyện Bình Chánh (TPHCM) đang có tranh chấp giữa Agribank và Ngân hàng Phương Nam, HĐXX cũng tuyên hủy bỏ biện pháp kê biên, giao trả lại cho Ngân hàng Phương Nam vì ngân hàng đã sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ mình, ngược lại Agribank chi nhánh 6 nhận thế chấp không hợp pháp nên phải chịu trách nhiệm.

Xuân Duy