1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

TPHCM:

Không có tiền đóng viện phí, chồng giết vợ rồi tự sát

Xuân Duy

(Dân trí) - Không có khả năng chi trả viện phí, bệnh tình lại nặng nên bà U. nhiều lần đòi chết. Vì vậy, Đạt nảy sinh ý định sát hại vợ rồi tự sát.

Ngày 26/9, Tòa án Nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Huỳnh Quang Đạt (56 tuổi, ngụ TPHCM) 7 năm tù về tội Giết người.

Theo nội dung vụ án, Đạt và bà U. là vợ chồng. Bà U. bị bệnh nặng phải điều trị tại một bệnh viện ở quận 8, TPHCM.

Không có tiền đóng viện phí, chồng giết vợ rồi tự sát - 1

Bị cáo Huỳnh Quang Đạt tại tòa (Ảnh: X.D.).

Do không có khả năng chi trả viện phí, bệnh tình lại nặng nên bà U. nhiều lần đòi chết. Vì vậy, Đạt nảy sinh ý định sát hại vợ rồi tự sát.

Sáng 4/11/2021, Đạt mua một đoạn dây điện và phích cắm điện. Đạt đưa đầu dây điện (đã tháo vỏ nhựa) cho vợ cầm rồi Đạt lấy phích cắm vào ổ điện. Sau đó, bà U. tử vong.

Đạt cũng cột đầu dây điện vào cổ tay rồi lấy phích cắm vào ổ điện khoảng 5 phút để tự tử và lặp đi lặp lại nhiều lần. Lúc này, có người phát hiện sự việc tri hô, ngắt cầu dao, cứu Đạt. 

Tại tòa, bị cáo cho rằng do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đóng viện phí, vợ nhiều lần đòi tự tử nên 2 người quyết định chết cùng nhau.

"Những ngày tháng trong trại giam bị cáo đã nhận ra lỗi lầm của mình. Mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, phụng dưỡng bố vợ", bị cáo Đạt trình bày.

Đại diện bị hại (con trai duy nhất của vợ chồng bị cáo) cho biết bà U. bị tai biến hơn 15 năm, tứ chi yếu, đi lại khó khăn. Năm 2021, bà U. bị Covid-19 nên sức khỏe càng yếu, phải nhập viện điều trị, để có tiền chi trả viện phí thì bị cáo Đạt vay mượn người thân khoảng 100 triệu đồng.

"Hoàn cảnh quá khó khăn, không có sự lựa chọn nào khác nên bố mẹ tôi mới có quyết định chết cùng nhau. Mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bố tôi", đại diện bị hại trình bày.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử xác định cáo trạng truy tố bị cáo Đạt là đúng người, đúng tội, không oan sai. Gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn nhưng không phải rơi vào tình trạng bế tắc không còn sự lựa chọn. Bên cạnh đó, tòa cũng ghi nhận cho bị cáo nhiều tình tiết giảm nhẹ.