1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Không có bị cáo nào tới phiên tòa phúc thẩm vụ Nguyễn Phương Hằng

Xuân Duy

(Dân trí) - Các đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng tất cả bị cáo vắng mặt hoặc có đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm.

Chiều 11/3, TAND TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, liên quan tới bà Nguyễn Phương Hằng (53 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam).

Tại phiên tòa, bà Nguyễn Phương Hằng, ông Đặng Anh Quân (43 tuổi, cựu giảng viên trường Đại học Luật TPHCM) vắng mặt.

Không có bị cáo nào tới phiên tòa phúc thẩm vụ Nguyễn Phương Hằng - 1

Bà Nguyễn Phương Hằng tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: T.M).

Các bị cáo Huỳnh Công Tân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà (cùng là nhân viên của bà Hằng) có đơn xin hoãn phiên tòa và vắng mặt.

Luật sư Hồ Nguyễn Lễ bào chữa cho những bị cáo này có đơn xin hoãn phiên tòa do trùng lịch công tác từ trước.

Đối với người liên quan, bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Huỳnh Uy Dũng vắng mặt. Còn bà Đinh Thị Lan có mặt cùng 2 luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình.

Trong phần thủ tục, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho rằng đây là lần đầu tiên phiên tòa được mở và vắng rất nhiều người tham gia tố tụng. Vì vậy, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo và người liên quan, VKS đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

Các luật sư tham gia phiên tòa đồng ý với quan điểm của đại diện cơ quan công tố trong việc đề nghị hoãn phiên tòa.

Khi được chủ tọa hỏi có ý kiến gì hay không thì bà Đinh Thị Lan bật khóc nức nở, nghẹn ngào nói: "Tôi rất mong muốn phiên tòa được diễn ra. Tôi là bị hại trong vụ án".

Không có bị cáo nào tới phiên tòa phúc thẩm vụ Nguyễn Phương Hằng - 2

HĐXX đọc quyết định hoãn phiên tòa (Ảnh: T.M).

Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng phiên tòa này vắng các bị cáo, luật sư, người bào chữa. Ngoài ra, vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm, để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo, người liên quan, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Thời gian mở lại được ấn định vào ngày 4 -5/4.

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của các bị cáo Đặng Anh Quân, Huỳnh Công Tân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trước đó, tháng 9/2023, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Phương Hằng 3 năm tù. Đồng phạm của bà Hằng là ông Đặng Anh Quân lĩnh 30 tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi, Huỳnh Công Tân, Lê Thị Thu Hà cùng bị phạt 18 tháng tù.

Sau phán quyết trên, bà Hằng chấp nhận hình phạt và đang thi hành án. Ông Quân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, những bị cáo còn lại kháng cáo xin hưởng án treo.

Theo nội dung vụ án, từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022, bà Phương Hằng và 4 bị cáo đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của 10 cá nhân.

Cụ thể, bà Hằng là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam (tỉnh Bình Dương) được nhiều người trên mạng xã hội biết đến.

Từ tháng 3/2021, bà Hằng đã sử dụng điện thoại di động, máy tính xách tay và máy quay phim, đăng nhập vào 12 tài khoản mạng xã hội do bà này quản lý, thực hiện nhiều buổi livestream, phát ngôn trực tiếp trên Internet với nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà, trái quy định của pháp luật.

Bị cáo Đặng Anh Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Hằng trong 11 buổi livestream, cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Ngoài ra, trong buổi livestream ngày 24/12/2021, ông Quân đã phát ngôn có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của ông Võ Nguyễn Hoài Linh.

Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân đã thực hiện hành vi tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội, kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet; thông báo thời gian, chủ đề livestream, chuẩn bị nội dung, sân khấu để bà Hằng livestream và đăng tải các bài viết của bà Hằng lên các trang mạng xã hội theo chỉ đạo của bà Hằng. 

Hành vi của các bị cáo Nhi, Hà, Tân và Quân là đồng phạm, với vai trò giúp sức cho bà Hằng.