1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Sơn La:

Khi vợ và chồng cùng là lính hình sự

Vợ là lính hình sự của huyện, chồng là dân trinh sát của phòng hình sự tỉnh… Câu chuyện nên duyên của họ cũng trúc trắc như nghề nghiệp mà họ đã cùng nhau trải qua, nhưng cũng đầy ngọt ngào và vinh quang.

Trong lực lượng Công an của tỉnh Sơn La, đôi vợ chồng Trung úy Nguyễn Thị Lê Thảo (Đội Hình sự, Công an huyện Mai Sơn - tỉnh Sơn La) và Trung úy Nguyễn Trung Hiếu (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Sơn La - PC45) được ghi nhận là cặp vợ chồng duy nhất của chốn non núi này cùng công tác ở một trong những mũi nhọn của lực lượng Công an.

Bén duyên qua nghề

Nghe thông tin về vợ chồng Hiếu - Thảo, tôi và đồng nghiệp cứ ngược huyện Mai Sơn, rồi lại tong tóc lần về thành phố Sơn La để gặp lần lượt cả vợ lẫn chồng. Dẫu rằng, trong thâm tâm chỉ mong muốn được cùng lúc gặp cả hai vợ chồng họ nghe họ kể về chuyện tình vốn được nhiều đồng nghiệp của anh Hiếu ở Phòng PC45 truyền tai nhau. Tuy nhiên, chỉ nhận được cái lắc đầu ái ngại của Trung úy Nguyễn Thị Lê Thảo: “Ngày thường chúng tôi gặp nhau còn khó, huống chi là nhà báo đến bất ngờ như thế này”.

Sỡ dĩ chuyện tình của họ lại được dân hình sự biết rành rõ như thế cùng có căn do của nó. Theo tiết lộ của Trung úy Nguyễn Thị Lê Thảo thì duyên số bắt đầu từ khi chị về Phòng PC45 Công an tỉnh Sơn La thực tập. Cô nữ sinh Học viện Cảnh sát nhân dân xinh xắn, khuôn mặt bầu bĩnh phúc hậu như một đóa hoa rừng mọc giữa những chỏm đá trơ lạnh.

Vẻ ngoài có vẻ dịu dàng, nhưng cũng như rất nhiều nữ trinh sát hình sự khác, cô nữ sinh Lê Thảo đã được mệnh danh là bông hoa tiềm ẩn nhiều gai sắc. Dĩ nhiên, những gai sắc đó chỉ xuất hiện khi chị phải đối mặt với tội phạm, còn thường ngày chị lại trở về đúng tính cách của mình, dịu dàng, e thẹn.

Thủa ấy, phòng PC45 với đa số các đấng mày râu nổi bật lên “ứng cử viên số một” là anh Nguyễn Trung Hiếu. Với lợi thế vượt trội là tuổi đã hòm hòm nhưng chưa chịu yên bề gia thất, nên tự khắc được anh em chiến sỹ trong phòng nháy mắt tác hợp.

Nhớ lại lần đầu tiên gặp anh Hiếu, chị Thảo thẹn thùng kể: “Lúc đó tôi đang ở phòng thì anh ấy về, trông bụi bụi, lạnh lùng, đứng chống tay vào cửa uống nước trà mà chẳng hỏi han gì nhiều”.

Về phía mình, trước mọi sự vun vén của đồng đội, Trung úy Nguyễn Trung Hiếu cũng trả lời cho qua chuyện: “Các cô ấy trẻ, xinh hết thực tập lại về Hà Nội làm, sao mà mình với được”. Nói thế, nhưng tự sâu thẳm anh cũng bắt đầu le lói một chút tình cảm khó diễn tả.

Chị Lê Thảo cũng tâm sự, trước khi về thực tập, chị cũng đã vạch sẵn tương lai cho mình, theo đó chị sẽ cố gắng xin ở lại trường làm công tác giảng dạy, chọn Sơn La thực tập chị cũng mong muốn được gần gũi gia đình nhiều hơn trước khi ở lại Hà Nội làm việc. Thế nhưng, sợi dây tình duyên mong manh ấy cứ từng ngày được thắt chặt.

Anh Hiếu có giọng hát trầm ấm, say lòng còn chị Thảo lại là một nữ sinh năng động trong công tác đoàn, thế nên thời gian ngắn ngủi được làm việc cùng nhau, anh chị tự khắc được sánh đôi trong nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. “Anh ấy không biết nói lời hoa mỹ, cứ bỗ bã, thật thà… đúng chất con trai hình sự lắm anh ạ, nhưng lại tình cảm, chân thật lắm”- chị Thảo nhận xét.

Từng ngày trôi qua, Phòng PC45 Công an tỉnh Sơn La bắt đầu rầm rì về những hành động lạ thường của chàng Trung úy trẻ, anh khép nép hơn với cô nữ sinh thực tập Lê Thảo, rồi thỉnh thoảng lại mời mọi người trong phòng đi ăn uống rất xôm tụ. Những lúc nghe tin chị Thảo phải đi công tác xa, hay vắng mặt dài ngày là những dòng tin nhắn hỏi han lại được gửi đến nơi cần nhận.

“Ngày tôi kết thúc thực tập trở về trường, các chú cứ nấn ná nói với tôi, nếu cháu về hẳn Hà Nội mà không làm dâu phòng hình sự thì các chú buồn lắm”- chị Thảo nhớ lại. Đem theo nỗi bận tâm và hình bóng một người con trai vướng víu, trái tim chị phải đặt giữa nhiều sự lựa chọn, nhưng cuối cùng tình yêu đã chiến thắng, chị nhẹ nhàng cất bỏ những ước mơ to tát của mình để trở lại với Sơn La, nơi một tình yêu chớm nở đang chờ chị vun vén.

Cùng nhau đánh án

Nhớ lại “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy”, anh Nguyễn Trung Hiếu vẫn không giấu được vẻ ngượng ngùng. Cuộc đời của một trinh sát hình sự cứ cuốn anh vào những chuyến đi, những lần luồn rừng, lội suối có lúc đã khiến anh tạm quên chuyện tình cảm đôi lứa. Chỉ khi cô nữ sinh Học viện Cảnh sát nhân dân về trường, trái tim yêu tưởng như nguội lạnh của người trinh sát hình sự dường như lại được đốt nóng.

Đôi vợ chồng Trung úy Nguyễn Thị Lê Thảo và Trung úy Nguyễn Trung Hiếu.
Đôi vợ chồng Trung úy Nguyễn Thị Lê Thảo và Trung úy Nguyễn Trung Hiếu.

Tình yêu của anh chị cũng được bồi đắp qua những lần đánh án. Anh Hiếu kể, một trong những lần đó là khi anh và chị cùng được phân công tham gia khám phá vụ cưỡng đoạt tài sản với trị giá gần 100 triệu xảy ra tại huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La). Đối tượng đã gửi thư nặc danh, đe dọa một gia đình nếu không nộp đủ số tiền theo yêu cầu, sẽ tìm cách hại con gái họ đang theo học tại một trường đại học ở thành phố Sơn La.

Lo sợ sự an nguy của con gái mình, nhưng gia đình nạn nhân vẫn phải khẩn báo cho công an địa phương. Vụ việc nhanh chóng được báo lên Công an tỉnh Sơn La. Đánh giá được mức độ nghiêm trọng, Phòng PC45 được giao nhiệm vụ triển khai lực lượng khám phá vụ án.

Trung úy Nguyễn Trung Hiếu và cô nữ sinh thực tập Nguyễn Thị Lê Thảo lúc đó cũng được giao nhiệm vụ tham gia cùng tổ công tác. Sau khi nghiên cứu các tài liệu liên quan, rà soát địa bàn và đánh giá tình hình, tổ công tác nhận định, phải thật sự cẩn trọng khi phá án để đảm bảo việc bắt giữ đối tượng thành công, đồng thời đảm bảo an toàn cho những người xung quanh và lực lượng truy bắt.

Do nơi đối tượng yêu cầu giao tiền rất đông người qua lại, cuối cùng, phương án dàn trận cũng được đưa ra, theo đó ngoài các mũi chốt chặn, sẽ bố trí các trinh sát chìm đóng nhiều vai khác nhau để thuận tiện trong việc quan sát. S

Sau khi bàn bạc, Trung úy Nguyễn Trung Hiếu được giao nhiệm vụ tham gia tổ chốt chặn số 1, còn cô nữ sinh thực tập Nguyễn Thị Lê Thảo được giao nhiệm vụ cùng với một trinh sát nam khác đóng vai một cặp tình nhân đang hẹn hò. Tôi hỏi, cảm giác của anh lúc phải chứng kiến người yêu mình diễn cảnh tình tứ với một người khác thế nào?, anh Nguyễn Trung Hiếu bất ngờ hỏi lại: Vậy theo anh thì tôi nghĩ như thế nào?.

Chưa kịp trả lời, anh đã tiếp: Thực sự là lúc đó, điều tôi lo nghĩ nhất chính là an nguy của Thảo, chứ làm gì còn tâm trí để mà ghen tuông, với lại rõ ràng là công việc chứ có gì đâu mà ghen tuông. 2 người cùng nghề, dễ đồng cảm nhau ở chuyện đó”.

Vụ án lần đó khép lại thắng lợi, kẻ chủ mưu bị bắt giữ tại chỗ mà lực lượng truy bắt cũng đảm bảo được an toàn, sau những lần như thế, ánh mắt của Trung úy Nguyễn Trung Hiếu lại nhìn Lê Thảo say đắm hơn. Chẳng bao lâu sau ngày chị Thảo ra trường, đám cưới của họ được cử hành trong lời chúc phúc của đồng đội, những người lính hình sự mà ai đó trên thân thể mình ít nhất cũng mang một vài dấu vết của những lần đối mặt với tội phạm.

Chị Lê Thảo sau đó trở về nhận công tác tại Đội Hình sự, Công an huyện Mai Sơn, còn anh Nguyễn Trung Hiếu vẫn là quân của phòng PC45. Một mái ấm mới được dựng lên từ duyên nghề nghiệp, nhưng cũng không ít khó khăn.

Anh Nguyễn Trung Hiếu tâm sự, cả anh và chị đều là những trinh sát trẻ, nên công việc cũng đòi hỏi nhiều ở sự dấn thân. Chị Thảo phận là con gái, cũng được ưu tiên phần nào, nhưng anh Hiếu thì vẫn phải hết mình với công việc. Có những lúc vợ mang bầu hay đến kỳ sinh nở, những chuyến công tác xa ngày, vắng vợ công việc vẫn cuốn anh đi vào những bản xa, lần theo dấu tội phạm.

Khi vợ sinh con, thời gian anh dành cho cả hai mẹ con cũng không được tràn đầy như người khác. “Có những hôm đánh án xong, trời đã tối, từ đó về tới nhà còn mấy chục cây số nữa, sáng mai lại phải lên đường, nhưng nhớ vợ, nhớ con quá không chịu được, thế là tôi lên xe phóng về ngay. Tới nhà, thấy vợ con đã say giấc, không dám làm phiền. Tôi chỉ trân trân ngắm nhìn một lúc rồi có khi phải đi ngay” – anh Hiếu nói.

Vất vả là vậy, nhưng theo chị Lê Thảo vợ chồng cùng làm hình sự cũng có nhiều lợi thế, mỗi lần anh hay chị đi đánh án chỉ cần một cái nháy mắt, một cử chỉ là người đối diện đủ hiểu vợ hoặc chồng mình sắp phải lên đường làm nhiệm vụ, lúc đó không còn chỗ cho sự ghen tuông, nghi ngại nữa. Hay gặp những vụ án khó khăn, anh chị vẫn ngồi bàn bạc, hỏi han nhau để tìm ra hướng xử lý.

Không chỉ là một cặp vợ chồng hiếm hoi cùng làm hình sự, cả anh và chị cũng đều là những điểm sáng ở đơn vị mình công tác, Trung úy Lê Thảo ngoài nhiệm vụ chính, còn là một bí thư đoàn năng nổ, nhiệt tình, còn Trung úy Nguyễn Trung Hiếu được đánh giá là trinh sát xông xáo, có chuyên môn nghiệp vụ tốt, điều này được khẳng định bằng những giấy khen đột xuất anh nhận được trong thời gian công tác của mình từ năm 2006 tới nay.

“Vợ chồng hình sự vất vả lắm, con thơ phải gửi nhà trẻ, chồng về thì vợ đi, vợ đi thì chồng về… nhưng rất may chúng mình cảm thông được cho nhau, nên tình cảm vẫn như ngày đầu”- Trung úy Nguyễn Trung Hiếu bộc bạch với chúng tôi, trước khi anh khuất sau cánh cổng Công an tỉnh Sơn La, để cùng đồng đội chuẩn bị đánh một chuyên án lớn

Theo Phan Cầm Sơn
Cảnh sát toàn cầu