Khi nào luật sư được tham gia phiên xử giám đốc thẩm?
(Dân trí) - Trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa… tham gia phiên tòa giám đốc thẩm.
Ngày 6/5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về 2 tội giết người, cướp tài sản.
Đây được xem là phiên xử đặc biệt đối với “tử tù” Hồ Duy Hải. Bởi phiên xử giám đốc thẩm do chính Chánh án TAND tối cao chủ tọa, và luật sư hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải cũng được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao mời tham gia phiên xử giám đốc thẩm. Đồng thời, Hội đồng thẩm phán mời các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An tham gia phiên tòa.
Việc mời luật sư hỗ trợ pháp lý cho bị án tham gia phiên xử được cho là hy hữu. Và theo Điều 383 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm”.
Vấn đề nhiều người quan tâm là theo quy định của pháp luật, phiên giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ có quyền quyết định các vấn đề gì và những khả năng pháp lý nào sẽ xảy ra với Hồ Duy Hải?
Theo một kiểm sát viên tại TPHCM, Điều 387 Bộ luật Tố tụng năm 2015 quy định về phạm vi giám đốc thẩm, thì Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.
Cũng theo vị kiểm sát viên này, về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm Điều 388 Bộ luật Tố tụng 2015 quy định thì có các khả năng có thể xảy ra.
Cụ thể, hội đồng có quyền không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa sơ thẩm hoặc tòa phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
Ngoài ra, hội đồng còn có các quyền: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án, sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Tử tù Hồ Duy Hải mang thân phận tử tù hơn 10 năm qua và được hoãn tiêm thuốc độc vào “phút 89”. Đồng thời, Văn phòng Chủ tịch nước nhiều lần có văn bản yêu cầu làm rõ vụ án.
Theo dự kiến phiên giám đốc thẩm sẽ kéo dài đến ngày 8/5.
Hồng Lĩnh