Nghệ An:

Khi cán bộ tư pháp... phạm pháp

(Dân trí) - Đánh vợ cũ trật khớp xương vai, thương tật 25%, Bùi Đức Phú - cán bộ tư pháp huyện Nghĩa Đàn bị đưa ra xét xử về tội "cố ý gây thương tích". Bị cáo nhận án 8 tháng tù treo. Gây án, bị khai trừ Đảng nhưng bị cáo vẫn "tại vị".

Ngày 30/12/2011, TAND huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã đưa ra xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với  Bùi Đức Phú (SN 1971), cán bộ tư pháp huyện này. Tại tòa, dù mọi chứng lý về tội trạng đã rõ ràng, bị cáo vẫn phủ nhận mọi hành vi của mình...

Năm 2003, Bùi Đức Phú (SN 1971) kết hôn với chị Đinh Thị Hải Lý (giáo viên) cùng trú ở xóm Hồng Phú, xã Nghĩa Hồng (huyện Nghĩa Đàn). Cùng năm đó, họ có một con gái. Do mâu thuẫn, tháng 1/2008, họ ly hôn. Lý nuôi con, Phú buộc phải cấp dưỡng 300.000 đồng/tháng. Sau khi ly hôn không được bao lâu, Phú kết hôn với người phụ nữ khác và có một con vào năm 2010.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Nghĩa Đàn, khoảng 20 giờ ngày 21/3/2008, Phú đi bộ đến nhà Lý thăm con rồi lấy máy điện thoại của Lý để trên bàn xem. Xem xong Phú nói: “Họ yêu nghề em, chứ không yêu gì em đâu”. Lý phản ứng. Bực tức, Phú chửi tục, xúc phạm Lý rồi về. Thấy Phú ra khỏi nhà, Lý vừa đóng cửa vừa nói: “Từ nay đừng mò đến nữa”. Phú lập tức quay lại đạp vào cánh cửa rồi dùng tay kéo bung 2 cánh cửa ra, kéo luôn chị Lý đâm nhúi ra sân. Phú tát vợ cũ. Lý nắm áo Phú kêu hàng xóm.

Phú bỏ chạy, Lý lao theo. Hai bên tiếp tục dằng co, Phú đấm nhiều phát vào ngực và xô Lý ngã xuống đất, Lý rút điện thoại kêu cứu. Phú vặn ngược tay trái Lý ra sau lưng làm trật khớp bả vai. Chị Lý được láng giềng đưa đến thầy lang nhờ nắn khớp sau đó chuyển lên bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc điều trị và báo công an huyện về sự việc. Ngày 14/4/2008, bệnh viện Tây Bắc giới thiệu và bảo người nhà đưa nạn nhân đi Hà Nội nhưng kinh tế khó khăn nên chị Lý vẫn ở nhà điều trị.
Khi cán bộ tư pháp... phạm pháp - 1
Phú đứng chống tay trước tòa trong lúc đang xét xử.
Nghĩ tình vợ chồng, Lý không kiện chỉ yêu cầu Phú thuốc men. Ban công an xã nhiều lần mời Phú đến giải quyết nhưng Phú không chấp hành, bất hợp tác và vô trách nhiệm với Lý. Cực chẳng đã, Lý đi giám định thương tật. Bản giám định số 56/PY-TT ngày 7/5/2010: Chị Lý trật khớp bả vai trái cũ, dễ bị tái phát. Tỷ lệ thương tật 21%. Ngày 30/10/2010, Lý có đơn yêu cầu khởi tố vụ án.
 
Do bả vai thường xuyên trật khớp lại và viêm sưng, ngày 14/6/2011, Lý đến bệnh viên đa khoa Thái An ở TP Vinh phẩu thuật cố định xương vai bằng đinh vít và xin giám định lại. Tại bản giám định pháp y số 106/TTPY ngày 21/9/2011 của trung tâm pháp Y Nghệ An kết luận: nạn nhân bị sái khớp vai trái đã phẩu thuật cố định kết hợp xương khớp vai bằng đinh vít, hạn chế vận động khớp vai trái, thương tật do trật khớp vai gây ra. Sức khỏe giảm do thương tích gây nên, hiện tại là 25% xếp hạng tạm thời. Chị Lý yêu cầu Phú bồi thường hơn 56 triệu đồng.
 
Cáo trạng kết luận hành vi của Bùi Đức Phú là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe của người khác, cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
 
Từ khi xảy ra vụ việc, công an xã nhiều lần yêu cầu làm việc nhưng Phú vẫn không đến. Đến thời điểm này, Phú cũng chưa có động thái nào hỗ trợ cho chị Lý. Số tiền góp nuôi con theo nghĩa vụ, chị Lý cho biết, Phú cũng không thực hiện nghiêm túc.
Do vết thương tái phát kéo dài, phải đi điều trị nhiều nơi lại một mình nuôi con nên kinh tế chị Lý kiệt quệ, người gầy ốm như que củi. Thời điểm mổ rút đinh đã đến, nhưng chị không có tiền đi phẫu thuật nên đành để vậy.
Khi cán bộ tư pháp... phạm pháp - 2
Phú ngang ngược trước tòa.

Tại tòa, dù đại diện viện kiểm sát viện dẫn hàng chục bút lục trong quá trình điều tra, Phú vẫn một mực chối tội, phản bác toàn bộ cáo trạng. Khi chủ tọa phiên tòa hỏi: Vậy vết thương chị Lý từ đâu ra? Phú cho rằng: “Tôi có nắm tay kéo, nhưng trật khớp thì do va chạm với…ai đó”.
 
Bị cáo đứng chắp tay ra sau mông khi trả lời HĐXX. Thái độ thiếu tôn trọng của bị cáo khiến luật sư phải yêu cầu HĐXX nhắc nhở. Luật sư Trần Công Thành (thuộc văn phòng luật sư Đại Huệ), bảo vệ quyền lợi miễn phí cho người bị hại nêu quan điểm: dù bị cáo chối tội, đủ căn cứ để khẳng định bị cáo bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích” là đúng người, đúng tội.

Xét tình tiết tăng nặng như Phú không nhận tội, không tỏ ra ăn năn hối hận, không thành thật khai báo, không khắc phục hậu quả mà vô trách nhiệm với bị hại, dùng bạo lực đối với phụ nữ, làm công tác pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật, HĐXX nhận định cần có một bản án nghiêm khắc. Sau phiên tòa khéo dài từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều ngày 30/12/2011, HĐXX tuyên phạt Bùi Đức Phú 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Do thời gian điều trị, chị Lý vẫn được ăn lương, có bảo hiểm y tế, một tay còn cử động được để tự chăm sóc cho mình nên tòa quyết định chỉ buộc bị cáo bồi thường cho nạn nhân 20 triệu đồng.

Không có bất cứ một lý do nào có thể biện minh cho việc tại sao Phú đến thăm con lại đánh mẹ. Dư luận cũng đặt vấn đề, vụ việc xảy ra đã gần 4 năm, dù bị khai trừ ra khỏi Đảng, nhưng Phú hiện vẫn đang "tại vị" là một cán bộ tư pháp huyện Nghĩa Đàn.

Sau phiên tòa, chị Lý cho biết sẽ làm đơn kháng cáo.
 
Nguyễn Đình