1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

“Hợp đồng tình ái” và cái chết bi thảm của bà chủ nhà nghỉ ở Hà Nội

Tiến Nguyên

(Dân trí) - Trước đi đăng ký kết hôn, cặp đôi cùng nhau ký giấy thỏa thuận, cam kết không phản bội nhau. Ai vi phạm sẽ phải đền bù danh dự cho người kia số tiền 1,5 tỷ đồng.

Ngày 13/8, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Đỗ Ngọc Anh (SN 1964, trú tại Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) ra xét xử về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án này là bà Đặng Thị Hải (SN 1960, ở Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội), vợ của bị cáo.

Theo cáo trạng, Đỗ Ngọc Anh mất vợ năm 2016. Cuối năm 2017, qua kết bạn trên facebook, Ngọc Anh quen biết, nảy sinh tình cảm với bà Hải - người đã ly hôn chồng từ lâu.

Thời gian yêu đương, Ngọc Anh thỏa thuận với bà Hải việc ông ta để người tình toàn quyền sử dụng ô tô Parado giá 1,5 tỷ đồng. Đổi lại, bà Hải sẽ làm thủ tục ủy quyền, sang tên cho ông ta mảnh đất rộng 60 m2 ở Chương Mỹ để xây nhà ở.

Đầu năm 2018, trước khi đăng ký kết hôn, Ngọc Anh và bà Hải ký “Giấy thỏa thuận”, cam kết sống chung với nhau. Trong “hợp đồng tình ái” này, hai người cam đoan tự nguyện “chăm sóc lẫn nhau khi ốm khi đau, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, nắm tay nhau cùng nhau đi nốt đoạn đường đời còn lại…, sẽ yêu thương, chung thủy…, không ai được thay lòng đổi dạ…”.

Cũng theo “Giấy thỏa thuận” này, Ngọc Anh và bà Hải cam kết, ai vi phạm sẽ phải bồi thường danh dự cho người kia 1,5 tỷ đồng.

Sau đó, hai người đăng ký kết hôn và dọn về sống chung ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ.

Quá trình chung sống, đến khoảng tháng 7/2018, bà Hải nghi ngờ Ngọc Anh có quan hệ với bất chính người phụ nữ khác nên tự ý bán chiếc xe Parado nhưng không chịu sang tên mảnh đất ở Chương Mỹ cho Ngọc Anh. Việc này khiến hai người xảy ra mâu thuẫn.

Ngày 20/8/2018, Ngọc Anh bỏ về nhà riêng ở huyện Đông Anh. Ba ngày sau, ông ta quay lại nhà nhưng bà Hải không mở cổng cho vào.

Đỗ Ngọc Anh đã tìm gặp, nhiều lần gọi điện, nhắn tin yêu cầu bà Hải chuyển cho mình quyền sử dụng thửa đất ở Chương Mỹ hoặc trả lại tiền bán xe ô tô nhưng bà Hải không đồng ý. Bực tức, Ngọc Anh nghĩ cách trả thù vợ.

Rạng sáng ngày 31/1/2019, Ngọc Anh đến nhà bà Hải, đột nhập vào bên trong rồi chờ đợi. Khi bà Hải thức dậy, ra vườn thì bị Ngọc Anh kéo vào nhà kho.

Tại đây, Ngọc Anh gằn giọng, đe dọa: “Mày lừa tao, tao cay mày lắm!”. Bà Hải đáp: “Em biết rồi, em sẽ trả tiền”. Ngọc Anh nói: “Tao không tin lời mày”.

Dứt lời, Ngọc Anh cầm thanh sắt đánh bà Hải tử vong.

Bị cáo sau đó cắt điện nhằm ngắt camera rồi vào nhà, ra dấu hỏi anh Hiệp (con bà Hải, bị câm điếc bẩm sinh) vờ hỏi mẹ có nhà không. Anh Hiệp trả lời không.

Tối cùng ngày 31/1/2019, Ngọc Anh quay lại nhà bà Hải, quấn xác nạn nhân cho lên ô tô, lau sạch máu trên hiện trường rồi đưa thi thể bà Hải ra cầu Đông Trù (bắc qua sông Đuống). Tại đây, Ngọc Anh phân xác nạn nhân rồi phi tang xuống sông.

Sau đó, Ngọc Anh đốt bỏ các vật dụng gây án, rửa sạch vết máu trên sàn xe rồi về tắm rửa, đi ngủ.

Hôm sau, việc bà Hải bị mất tích được trình báo với cơ quan công an và Ngọc Anh bị triệu tập lên làm việc. Ngày 4/2/2019, Ngọc Anh viết đơn đầu thú tại Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Quá trình điều tra vụ án, con gái và là người đại diện hợp pháp của nạn nhân đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi, động cơ, mục đích phạm tội của Đỗ Ngọc Anh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Con gái người bị hại đề nghị bị cáo phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình. Số tiền cụ thể chị sẽ đề nghị trực tiếp tại phiên tòa sơ thẩm.

Trước khi phiên sơ thẩm được mở, luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Ngọc Anh có đơn xin hoãn phiên tòa. Theo luật sư, bị cáo bị truy tố, xét xử về tội “Giết người”, có khung hình phạt cao nhất đến tử hình. Các luật sư mới được sao chụp toàn bộ tài liệu, hồ sơ vụ án nên cần có thời gian đọc và nghiên cứu kỹ để tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm khi bào chữa.

Xét thấy đề nghị của luật sư phù hợp quy định của pháp luật, TAND TP Hà Nội đã quyết định hoãn phiên tòa.