1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hôn mê, tổn thương não khi dùng "VAPE" bị tẩm ma túy

Hải Nam

(Dân trí) - Nhiều tinh dầu sử dụng cho thuốc lá điện tử được phát hiện có chất ADB-Butinaca. Chất này thuốc nhóm cần sa tổng hợp, gây ảo giác, kích thích thần kinh.

Thời gian qua, trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử (hay còn gọi là VAPE) được giới trẻ ưa chuộng, thay thế cho thuốc lá truyền thống. Thuốc lá điện tử mang đến cho người dùng nhiều hương vị khác lạ, được quảng cáo không gây hại như thuốc lá truyền thống.

Tuy nhiên, theo Công an TP Hà Nội, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng việc này để phun, tẩm các chất có chứa ma túy vào các dung dịch dùng cho thuốc lá điện tử. Khi hít phải những dung dịch này, người dùng sẽ gặp ảo giác, bị kích thích và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Hôn mê, tổn thương não khi dùng VAPE bị tẩm ma túy - 1

Nhiều mẫu thuốc lá điện tử trên thị trường với hình dáng bắt mắt, nhỏ gọn. (Ảnh: Công an Hà Nội).

Cụ thể, ngày 8/11, Công an huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, đã bắt quả tang Nguyễn Văn Lộc (19 tuổi) đang mang bán ma túy tổng hợp dưới dạng thuốc lá điện tử. Đối tượng này khai từ cuối tháng 10, hắn ta lên mạng đặt mua nhiều loại thuốc lá điện tử và tinh dầu để bán cho thanh, thiếu niên trên địa bàn.

Kết quả giám định cho thấy dung dịch mà Lộc bán đều có chất ma túy ADB-Butinaca.

Đến tháng 9, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, triệt phá một đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Các đối tượng trong vụ án liên lạc với nhau qua mạng xã hội, mua bán thuốc lá điện tử thảo mộc sấy khô, sau đó phun, tẩm các dung dịch chứa chất ma túy loại ADB-Butinaca.

Hôn mê, tổn thương não khi dùng VAPE bị tẩm ma túy - 2

Nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy bị Công an quận Nam Từ Liêm phối hợp với các đơn vị điều tra, bắt giữ. (Ảnh: Công an Hà Nội).

Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan, rối loạn tâm thần, ảo giác, suy đa tạng… có nguyên nhân được xác định do ngộ độc một số chất ma túy dạng mới trong thuốc lá điện tử. 

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 6/12, bệnh viện này tiếp nhận một bệnh nhân 5 tuổi bị hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống nhầm dung dịch của thuốc lá điện tử. 

Tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm gồm máu, nước tiểu của bệnh nhi cũng như chất dung dịch mà trẻ đã uống trước khi ngộ độc, phát hiện các mẫu dương tính với ma túy tổng hợp mới có tên ADB-BUTINACA.

Theo Công an TP Hà Nội, chất ADB-Butinaca thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp, mới được đưa vào quản lý theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất.

Hôn mê, tổn thương não khi dùng VAPE bị tẩm ma túy - 3

Tinh dầu cần sa. (Ảnh: Công an Hà Nội).

Chất này gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất có trong cần sa, nhưng được tổng hợp từ các hóa chất.

Ngoài ra, thời gian gần đây, trên thị trường cũng xuất hiện tinh dầu cần sa (CBD), để trộn vào tinh dầu thuốc lá điện tử. Theo đó, CBD là một chiết xuất cần sa có chứa hàm lượng cao CBD và một ít hoặc không có THC (thành phần chính trong cây cần sa, cho cảm giác phê). 

Công an TP Hà Nội cảnh báo gia đình, nhà trường cần quan tâm, sát sao với các con, học sinh để ngăn chặn các loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử len lỏi vào giới trẻ.

Về góc pháp lý, Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" quy định người nào buôn bán các chất túy, có thể đối diện với hình phạt từ 2 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử mới chỉ là 0,2% thì đến năm 2019, Điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%.

Tại Hà Nội, nghiên cứu mới nhất của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%; lớp 10 - 12 là 12,6%; với nữ là 4,8%, nam là 12,4%.