TPHCM:
Học viên bị đánh hội đồng đến chết trong trung tâm cai nghiện
(Dân trí) - Mới nhập phòng tại trung tâm cai nghiện, Nam bị các học viên cũ đánh đập đến chết. Điều đáng nói là các bị cáo cho rằng vụ việc xảy ra ngay trước mắt các cán bộ quản lý, việc đánh học viên mới là quy củ để học viên ngoan ngoãn, nếu họ không đánh sẽ bị cán bộ đánh.
Ngày 13/6, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Thái Ngọc Dũng (sinh năm 1979 tại Bình Dương) cùng đồng phạm về tội cố ý gây thương tích.
Theo cáo trạng, ngày 4/4/2015, UBND phường Tân Thới Hiệp, quận 12, ra quyết định đưa Nam (quê tỉnh Nam Định) là đối tượng nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Nhị Xuân để quản lý, cắt cơn cai nghiện tập trung. Nam được 4 cán bộ quản lý khu 1 đưa vào phòng 8 của khu này.
Tại phòng này, các học viên được chia làm 3 mâm với các nguyên tắc của “dân anh chị”, ai mới vào đều có những “bài tập dượt” nhập phòng. Ngoài việc chịu sự đánh đập, các học viên mới còn bị "mâm 1" bắt thực hiện nhiều công việc hầu hạ khác.
Khi Nam vừa vào phòng đã bị Thái Ngọc Dũng (trưởng phòng và được xếp ở mâm 1) đánh và yêu cầu cúi đầu xuống nhưng Nam phản ứng. Do Nam không chịu làm theo “luật” nên các đàn em trong mâm 1 của Dũng xông vào đánh Nam đến ngất xỉu, sau đó chết trên đường đến bệnh viện cấp cứu.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều khai có nhìn thấy các cán bộ quản lý khu 1 trong lúc xảy ra sự vụ. Có cán bộ đã nói dạy cho bị hại ngoan ngoãn và hiểu rằng phải đánh bị hại.
Các bị cáo cũng cho biết ai mới nhập phòng cũng đều bị đánh, nếu không làm theo thì cán bộ sẽ đánh. Nhiều bị cáo tỏ ra cay cú, chỉ thẳng mặt 2 cán bộ quản lý Khu 1 liên quan đến vụ án này và chỉ trích với những lời lẽ bức xúc.
Hồ sơ vụ án còn cho thấy, có dấu hiệu về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên cơ quan cảnh sát điều tra đã 2 lần có quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 4 cán bộ quản lý Khu 1 để điều tra.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, Viện KSND TPHCM đã không phê chuẩn vì cho rằng các cán bộ này không chịu thừa nhận và cơ quan điều tra không chứng minh được việc thiếu trách nhiệm của các cán bộ này. Do đó, cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra với các cán bộ này.
Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (Đoàn luật sư TPHCM, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại) cho rằng: trong vụ án này hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội giết người chứ không phải là tội cố ý gây thương tích như cáo trạng truy tố.
Theo lập luận của luật sư Mạnh, các bị cáo đều nhận thấy trước khi nhập phòng thì sức khỏe bị hại không được tốt, vậy mà các bị cáo còn thay nhau đánh vào các vùng trọng yếu cơ thể nạn nhân như đầu, ngực, bụng, cổ… Với lực tác động vô cùng mạnh từ tay chân thì có thể gây tử vong cho bị hại Nam bất cứ lúc nào.
“Rõ ràng đây là hình thức tra tấn vô cùng dã man của các bị cáo khiến bị hại vừa nhập phòng được vài tiếng đồng hồ thì tử vong. Do vậy, đây là hành vi giết người, chứ không thể là cố ý gây thương tích được…”- luật sư Mạnh nhấn mạnh.
Kết luận phiên tòa, HĐXX nhận định vụ án có khả năng bỏ lọt tội phạm nên đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tránh bỏ lọt người lọt tội, nhất là với một số cán bộ có mặt ngày xảy ra vụ án.
Xuân Duy