Cần Thơ
Hoãn xử “đại gia thuỷ sản” vì hội thẩm nhân dân bị bệnh phải cấp cứu
(Dân trí) - Theo lịch của của Hội đồng xét xử, hôm nay sẽ bước sang ngày thứ 2 xét xử vụ “đại gia thuỷ sản” Tòng Thiên mã, tuy nhiên một hội thẩm nhân dân trong HĐXX bị bệnh đột xuất nên phiền tòa phải ngừng.
Cụ thể, sáng 31/3, nguồn tin của PV Dân trí cho biết, chiều tối qua, sau ngày xét xử đầu tiên, một hội thẩm nhân bất ngờ bị bệnh phải đi cấp cứu trong đêm nên tòa quyết định hoãn phiên xử. Khi sắp xếp được lịch xét xử lại, toà sẽ có thông báo.
Trước đó, ngày 30/3 TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa xét sử sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Phan Bá Tòng (44 tuổi, tức Tòng Thiên Mã, giám đốc Công ty Thiên Mã, KCN Trà Nóc II) và Trần Thị Diễm (48 tuổi, kế toán trưởng) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ba cán bộ của ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) có chi nhánh tại Cần Thơ, gồm: Nguyễn Thị Mai (61 tuổi, nguyên trưởng phòng tín dụng xuất khẩu một chi nhánh ngân hàng ở Cần Thơ; Lâm Chí Công (42 tuổi, nguyên phó phòng tín dụng xuất khẩu) và Huỳnh Thanh Trúc (38 tuổi, nguyên cán bộ tín dụng) bị truy tố cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, trong quá trình vay vốn tín dụng xuất khẩu tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tại Cần Thơ, bị can Phan Bá Tòng đã sử dụng tiền vay tại 13 khế ước nhận nợ của Hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức số 02/2009 để trả cho các khoản nợ tại các ngân hàng khác, sử dụng tiền vào mục đích cá nhân.
Sau đó, Tòng chỉ đạo kế toán trưởng là Diễm cùng một số nhân viên Công ty Thiên Mã dùng các thủ đoạn gian dối như lập giả báo cáo kết quả kinh doanh năm 2009, 2010 từ lỗ trên thực tế thành có lãi…Tổng số tiền Phan Bá Tòng đã chiếm đoạt là hơn 147 tỉ đồng vay gốc của VDB Cần Thơ, không có khả năng thu hồi.
Tại phiên xét xử hôm qua, sau khi nghe đại diện VKS công bố cáo trạng, bị cáo Tòng không đồng ý với việc bị cáo buộc chiếm đoạt 147 tỷ đồng. Bị cáo cho rằng lập chứng từ khống để được giải ngân từ ngân hàng là nhằm vào mục đích trả nợ chứ không phải để chiếm đoạt.
Theo bị cáo Tòng, hợp đồng vay tín dụng xuất khẩu trong năm 2009 đã được bị cáo thanh toán hết cho ngân hàng. Bên cạnh đó, hợp đồng vay tín dụng vào năm 2009 và 2010, sau khi được giải ngân một phần được bị cáo dùng để đầu tư vào việc sản xuất, một phần được dùng để trả nợ ngân hàng. Theo bị cáo vì đây là hợp đồng cho vay hỗ trợ sản xuất bị cáo đã dùng để hỗ trợ rồi nên không thể nói rằng sử dụng sai mục đích.
Bên cạnh đó, cáo buộc bị cáo lập chứng từ hàng tồn kho khống là không đúng vì trong khoảng thời gian đó, thực chất là vẫn có nguồn hàng trong kho. Đối với vấn đề này, bị cáo Diễm cũng khai trước tòa rằng thực tế là vẫn có hàng tồn kho, tuy nhiên bị cáo lại không nhớ được chính xác số lượng. Riêng về chứng từ đưa qua ngân hàng chứng thực, bị cáo Diễm thừa nhận đó là chứng từ khống. “Chứng từ đưa qua ngân hàng là khống. Còn thực tế cơ quan là có hàng tồn kho”, bị cáo Diễm khẳng định.
Khi đại diện VKS hỏi vì sao bị cáo biết việc lập chứng từ khống là sai quy định mà vẫn làm, Diễm cho biết, lúc đầu bị cáo có ký vào chứng từ, tuy nhiên sau lại biết đó là sai nên đã không ký. Lúc này ông Tòng đã chỉ đạo nếu không ký thì làm đơn thôi việc nên bị cáo phải làm theo sự chỉ đạo.
Phạm Tâm