Hoa hậu Phương Nga có nên giữ quyền im lặng?
(Dân trí) - Luật sư cho rằng: “Khai tại phiên tòa là cơ hội vàng của bị cáo, cả trong trường hợp bị cáo bị oan và không oan. Tôi cho rằng, bị cáo Hoa hậu Phương Nga xin giữ quyền im lặng tại phiên tòa là tự bỏ đi cơ hội bằng vàng mà pháp luật tạo ra cho bị cáo”.
Ngày 22/6, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Hồ Phương Nga (sinh năm 1987, ngụ Hà Nội, từng đạt danh hiệu Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (sinh năm 1987, ngụ TPHCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong phần xét hỏi, hoa hậu Phương Nga xin HĐXX giữ nguyên lời khai tại phiên tòa sơ thầm lần 1, không khai báo gì thêm và cho bị cáo giữ quyền im lặng.
Khi được hỏi về lý do tại sao trong quá trình điều tra bổ sung, bị cáo không khai báo gì thêm thì bị cáo Nga cho rằng trong quá trình điều tra mình đã bị lừa, vì vậy bị cáo không tin tưởng cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, ngay cả luật sư của bị cáo thì bị cáo cũng không tin tưởng.
Bị cáo Nga nói rõ mình hiểu việc giữ quyền im lặng sẽ gây bất lợi cho mình, nhưng bị cáo cũng không có nghĩa vụ chứng minh mình bị oan. Vì vậy, bị cáo Nga tiếp tục giữ quyền im lặng và xin không khai báo gì thêm.
Liên quan tới vấn đề này, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TPHCM) nêu rõ trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quyền này cũng đã có. Điều 48 và Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 qui định người bị tạm giữ, bị can có quyền trình bày lời khai. Tức, khai trình là một quyền chứ không phải nghĩa vụ. Nên người bị tạm giữ, bị can có thể không khai báo. Hay nói cách khác, họ có quyền im lặng. Quyền này cũng phù hợp với nguyên tắc “việc chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng” chứ không phải ai khác.
Một vấn đề đặt ra là quyền im lặng được sử dụng ra sao cho có lợi? Như trên đã nói, do sợ lúc mới bị tạm giữ, người trong cuộc chưa kịp bình tĩnh để suy nghĩ về lời khai, cần phải chờ gặp luật sư tư vấn hướng dẫn, nên quyền này được lưu ý với người bị bắt giữ. Nhưng im lặng suốt trong tất cả các giai đoạn tố tụng cũng không phải là cách làm cho tội trạng tốt hơn bởi bên công tố sẽ chứng minh tội phạm bằng các tài liệu chứng cứ khác.
Trong ba giai đoạn tố tụng hình sự gồm điều tra, truy tố và xét xử, thì xét xử (phiên tòa) là thời điểm “dân chủ” không chỉ để hai bên công tố buộc tội của Viện kiểm sát và gỡ tội của luật sư bào chữa tranh luận, mà còn là lúc quan trọng để HĐXX lắng nghe bị cáo trình bày.
Bị cáo có thể trình bày bất kỳ vấn đề gì liên quan đến vụ án trước cả hội đồng, trước công tố viên và các luật sư, kể cả tố cáo điều tra viên, kiểm sát viên nếu bị bức cung nhục hình. Lời trình bày ở đây được lắng nghe cả về nội dung lẫn thái độ.
Có thể phiên tòa trước bị cáo đã khai nhưng đối với mỗi phiên tòa thẩm phán lắng nghe khác nhau. Nhiều trường hợp bị cáo được minh oan xuất phát từ lời khai tại phiên tòa, những lời khai ngược lại hoàn toàn với hồ sơ truy tố.
“Nói một cách công tâm, khai tại phiên tòa là cơ hội vàng của bị cáo, cả trong trường hợp bị cáo bị oan và không oan. Tôi cho rằng, bị cáo Hoa hậu Phương Nga xin giữ quyền im lặng tại phiên tòa là tự bỏ đi cơ hội bằng vàng mà pháp luật tạo ra cho bị cáo. Trong các phiên tòa hình sự, bất luận bị oan hay không, bị cáo cũng không nên im lặng, không nên bỏ qua cơ hội trình bày để hội đồng các thẩm phán xem xét quyết định”, luật sư Dũng nêu rõ quan điểm.
Xuân Duy