HĐXX: "Gây thất thoát mấy chục tỉ mà nộp 500 triệu thì ăn thua gì!"
(Dân trí) - Chiều 28/5, TAND cấp cao tại TPHCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng Đông Á (DongABank).
Theo đó, Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) bị xét xử về 2 tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) bị xét xử về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Hồng Ánh (sinh năm 1962, nguyên trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an TPHCM) bị xét xử về tội cố ý làm trái quy định nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, bị cáo Ánh bị tuyên phạt 10 năm tù. Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Ánh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo bản án sơ thẩm, Trần Phương Bình và Nguyễn Hồng Ánh đã bàn bạc, thống nhất để bị cáo Ánh nộp 32 tỉ đồng, là tiền tiết kiệm của Nguyễn Hồng Ánh tại DongABank, còn Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo tất toán khoản vay 1.900 lượng vàng của ông Ánh (tương đương 53 tỉ đồng).
Tại tòa, bị cáo Ánh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm quy kết. Bị cáo Ánh cho rằng vì mối quan hệ bạn bè với bị cáo Bình nên đã lập khống hồ sơ gây thất thoát cho ngân hàng. Từ năm 2012 đến khi khởi tố vụ án, bị cáo Ánh không nhận được lời nhắc nhở nào từ phía DongABank nên bị cáo nghĩ số tiền 53 tỉ đồng đã được bị cáo Trần Phương Bình trả nợ thay. Bị cáo cho rằng mình phạm tội với lỗi vô ý. Trước phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo đã nộp thêm 500 triệu để khắc phục hậu quả.
“Gây thất thoát năm mươi mấy tỉ mà nộp lại 500 triệu thì ăn thua gì”, chủ tọa phiên tòa ngắt lời.
Ngoài ra, bị cáo Ánh cho rằng quá trình công tác có nhiều đóng góp, bị cáo có nhân thân tốt, mức án như cấp sơ thẩm tuyên phạt là nặng. Từ đó, bị cáo Ánh xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Trả lời luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bảo vệ cho Vũ “nhôm”), Vũ tiếp tục khẳng định: "Bị cáo tin tưởng anh Bình, anh ấy đã từng cho bị cáo mượn rất nhiều lần, hàng chục triệu USD. Khi bị bắt tôi mới biết đây là tiền của DongABank".
Vũ nói thêm, khi nghe điều tra viên nói đây không phải tiền của ông Bình mà là tiền của ngân hàng, bị cáo đòi gặp ông Bình ngay. "Nếu đúng như thế, bị cáo sẽ trả cho anh Bình lập tức để khắc phục hậu quả. Như vậy thì còn gì để bị cáo phải ra đứng trước tòa hôm nay, xử bị cáo 17 năm tù", Vũ nói.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch hỏi ông Bình về nội dung cáo buộc bàn bạc với Vũ và Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng ngân quỹ DongABank) làm thủ tục thu khống 200 tỉ đồng. Ông Bình trả lời "không trao đổi, bàn bạc với Vũ". Về động cơ, mục đích chào mời Vũ mua cổ phần DongABank, Trần Phương Bình cho biết "vì biết Vũ có tiềm năng" và muốn biến Vũ thành cổ đông lớn của DongABank.
Đối chất về việc này, bị cáo Vinh nói: "Khi lên phòng anh Bình tôi thấy người đàn ông trung niên, sau này biết là Vũ. Anh Bình chỉ đạo tôi làm các thủ tục lập phiếu thu khống và nói công ty của Vũ là đối tác chiến lược, chỉ đạo tạm thời chi khống cho Vũ đi. Tôi chỉ nhớ sơ sơ vậy".
Tại tòa, bị cáo Trần Phương Bình cho rằng việc chi lãi suất ngoài vượt quá quy định, nếu không chi lãi này (486 tỉ đồng) thì không giữ vững được sự ổn định thanh khoản và sự phát triển của ngân hàng dẫn đến sự tồn vong, ngân hàng có thể bị sụp đổ.
Theo bị cáo Bình, việc chi lãi ngoài không báo cáo cho HĐQT nhưng việc này là thực tế khách quan nên bị cáo có trao đổi trong ban giám đốc và trong các cuộc họp với giám đốc chi nhánh. Trần Phương Bình nói rằng về trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm dân sự ông đã thừa nhận còn về việc vi phạm pháp luật bị cáo không có ý kiến gì thêm.
Trần Phương Bình thừa nhận Ngân hàng Nhà nước quy định không được trả lãi ngoài nên hành vi của bị cáo là hoàn toàn sai trái. Bản án sơ thẩm quy buộc ông Trần Phương Bình thừa nhận tăng vốn điều lệ để lấy hơn 2.000 tỉ đồng của DongABank nhưng theo bị cáo, toàn bộ số tiền này nằm hết ở lượng cổ phần mà bị cáo và người thân đứng tên tại DongABank.
Xuân Duy