Hầu tòa phúc thẩm, Út “trọc” tiếp tục kêu oan
(Dân trí) - Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Đinh Ngọc Hệ kêu oan, cho rằng bản án sơ thẩm của Tòa quân sự Quân khu 7 coi như đã buộc tội cho bị cáo chủ mưu trong việc cho thuê xe trái quy định; kêu oan về hành vi lập hợp đồng đống để hợp thức hóa xăng dầu kém chất lượng…
Nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Dương vắng mặt
Từ sáng 30/10, tại Tòa án quân sự Quân khu Thủ đô Hà Nội, Tòa án Quân sự Trung ương xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo có đơn kháng cáo gồm: Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm và Phùng Danh Thắm với bản án hình sự sơ thẩm của Toà án quân sự Quân khu 7. HĐXX gồm 3 người do thẩm phán Nguyễn Chí Dũng làm Chủ tọa.
Tại phần thủ tục, Chủ tọa phiên tòa cho biết một số người làm chứng trong vụ án dù được triệu tập nhưng vắng mặt, trong đó có ông Lê Thanh Cung - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cho rằng, việc vắng mặt này không ảnh hưởng đến việc xét xử khách quan vụ án, đề nghị HĐXX công bố lời khai những người vắng mặt nếu thấy cần thiết.
Tuy nhiên, bị cáo Hệ và các luật sư đề nghị tòa tiếp tục triệu tập các nhân chứng như ông Cung, bà Trần Thị Tuyết Mai - Giám đốc Công ty Hải Hà…
Thư ký phiên tòa sau đó đã công bố đơn xin vắng mặt của vợ ông Lê Thanh Cung thể hiện ông Cung bị bệnh tim nặng, từng phải sang Mỹ mổ và hiện phải xuất cảnh để tái khám tại Mỹ. Trong đơn, vợ công Cung khẳng định các nội dung chồng mình đã báo cáo cơ quan điều tra là đúng sự thật và không khai báo gì thêm. Đơn xin vắng mặt được gửi kèm giấy xác nhận của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh Bình dương, đơn thuốc, hình ảnh trong quá trình khám bệnh…
Tiếp đó, HĐXX Tòa án Quân sự Trung ương tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, tóm tắt nội dung kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên bố bị cáo Đinh Ngọc Hệ phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức”; chấp hành hình phạt của hai tội là 12 năm tù. Bị cáo Trần Văn Lâm bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Phùng Danh Thắm bị xử phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, Tòa tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước số tiền 6.050.000.000 đồng. Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P có trách nhiệm phải nộp số tiền này.
Hầu tòa phúc thẩm, Út “trọc” tiếp tục kêu oan
Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ kêu oan
Trình bày tại tòa phúc thẩm, Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ cho biết, bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bị cáo Hệ cho rằng, bản án sơ thẩm của Tòa quân sự Quân khu 7 coi như đã buộc tội cho bị cáo chủ mưu trong việc cho thuê xe trái quy định; kêu oan về hành vi lập hợp đồng khống để hợp thức hóa xăng dầu kém chất lượng. Đối với hành vi giả mạo giấy tờ, bị cáo Hệ cho rằng đây là lỗi của tổ chức.
Về việc tòa cấp sơ thẩm tuyên sung công quỹ hơn 6 tỷ đồng, buộc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P có trách nhiệm phải nộp số tiền này, bị cáo Hệ kháng cáo với lý do nếu tịch thu số tiền này đồng nghĩa với việc bị cáo có tội.
Được Chủ tọa cho phép, Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ trình bày kỹ các nội dung kháng cáo của mình. Cụ thể, bị cáo không sai trong việc cho thuê, sử dụng xe biển quân sự, biển xanh; thời điểm xảy ra việc “hợp thức hóa xăng dầu kém chất lượng” ở Bình Dương, bị cáo không biết, không chỉ đạo các bị cáo khác; việc sử dụng bằng giả: đây là lỗi vô ý; về tình tiết tăng nặng: bị cáo không phải chủ thể phạm tội 2 lần; nhiều bằng khen của bị cáo, giấy khen của gia đình chưa được tòa cấp sơ thẩm xem xét, áp dụng; có những chứng cứ, lời khai không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Theo bị cáo Hệ, bị cáo không đồng ý với việc tòa sơ thẩm cáo buộc bị cáo là chủ mưu trong việc mua, sử dụng và cho thuê xe vì việc này khi có chủ trương, bị cáo đã xin ý kiến các cấp, trình lên và được cấp trên đồng ý.
“Bị cáo xin chủ trương sử dụng xe phục vụ sản xuất kinh doanh, đối ngoại… Luật doanh nghiệp cho phép; tài sản hình thành là tiền các cổ đông; tổ chức tín dụng ngân hàng đồng ý; việc thế chấp xe đúng quy định các cấp, các ngành; việc cho thuê xe có hạch toán đầy đủ, đóng thuế đầy đủ nên tòa tuyên truy thu, sung công quỹ là không có căn cứ.” - bị cáo Hệ trình bày.
Cũng theo bị cáo Hệ, khi sử dụng xe, các cá nhân, tổ chức không vi phạm gì, không chở hàng cấm, cáo buộc giao xe cho người ngoài sử dụng gây ảnh hưởng uy tín quân đội không có căn cứ. Các đơn thư tố cáo bị cáo là vu khống. Ngoài ra, bị cáo Hệ cho rằng bản thân bị cáo không được hưởng lợi gì từ việc cho thuê xe.
Trước tòa, bị cáo Trần Văn Lâm - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P - xin giảm nhẹ hình phạt, mong được tòa phúc thẩm cho hưởng án treo. Bị cáo Lâm cho rằng bản thân chỉ là giám đốc bù nhìn, không có quyền hành gì, tất cả do “anh Hệ” điều hành.
Đối với bị cáo Phùng Danh Thắm (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), ban đầu, bị cáo Thắm giữ nguyên kháng cáo, cho rằng bản thân không phạm tội. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo này thay đổi lý do kháng cáo và xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng mức án cấp sơ thẩm đã tuyên là quá nặng, ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần bị cáo và gia đình.
Được tòa thẩm vấn, ông Bùi Văn Tiệp - nguyên Sư đoàn trưởng 367 Quân chủng Phòng không - Không quân (người lĩnh 2 năm tù treo) - cho biết, bị cáo Hệ có gọi điện cho ông nhờ giúp đỡ. Sau cuộc điện thoại của bị cáo Hệ khoảng 30-40 phút, bị cáo Lâm cầm văn bản, hợp đồng sang trình bày, nhờ giúp đỡ.
Ông Lâm khẳng định, đơn vị ông không gửi giữ xăng dầu ở Bình Dương, nếu bị cáo Hệ không gọi điện nhờ thì ông đã không giúp.
“Tôi đồng ý vì lúc đó ý thức rằng đó là công ty của Bộ Quốc phòng, lại đóng trên địa bàn. Tôi ký vì bảo vệ danh dự của đơn vị quân đội, tránh mang tiếng ra bên ngoài chứ không có lợi ích cá nhân.” - ông Tiệp trình bày.
Đứng trước bục trình bày, ông Trần Xuân Sơn - nguyên Giám đốc Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn chi nhánh Bình Dương (người lĩnh 18 tháng tù treo) - tái khẳng định lại lời khai của mình tại tòa sơ thẩm. Theo ông Sơn, hợp đồng gửi giữ xăng dầu trên là giả mạo, ông không làm mà do bị cáo Lâm đưa cho thì ký chỉ vì nghĩ là để số xăng dầu được dỡ niêm phong, để công ty tiếp tục hoạt động.
“Tôi không được hưởng lợi gì.” - ông Sơn nói.
Tòa tiếp tục phần xét hỏi.
Tiến Nguyên