1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hậu họa sau “cơn lốc” mang tên “chơi họ”

Lại một vụ án đau lòng có liên quan đến "chơi họ" xảy ra, cho thấy "cơn lốc" mang tên "chơi họ", "vay họ", "bốc họ" đang lan rộng, gây bức xúc dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng chung tay vào cuộc.

Như tin đã đưa, tối 7/10, do không đòi được tiền "chơi họ" trước đó, Hoàng Văn Lý, 53 tuổi, ở xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã xảy ra mâu thuẫn với Trần Văn Ảnh, 32 tuổi, trú cùng xã, và dùng dao đâm chết ông Trần Văn M., 59 tuổi là bố Ảnh. Vụ án thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ đi kèm với "cơn lốc" mang tên "chơi họi", "bốc họ".

 

Trước đó liên quan đến vấn nạn này cũng đã có nhiều vụ việc đau lòng tương tự xảy ra. Như vụ hai đối tượng Lê Trọng Nghĩa, 31 tuổi, ở quận Cầu Giấy và Lương Quang Thạc, 32 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng khi thấy anh Nguyễn Minh D không trả đủ số tiền 30 triệu đồng mà trước đó đã vay, "bốc họ" của mình đã dùng súng bắn chết anh D tại khu vực trước cổng Trung tâm thương mại Parkson Hà Nội (quận Đống Đa).

 

Liên quan đến vấn nạn này, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 cũng đã quy định rõ mức hình phạt. Quy định của pháp luật là vậy, song do hám lợi, thời gian trở lại đây, hoạt động "chơi họ", "vay họ" vẫn diễn ra nhức nhối. "Chơi họ", "vay họ" hay "bốc họ" là cụm từ ám chỉ việc cho vay, cầm cố tài sản theo dạng tín chấp. "Chủ họ" thường là dân anh chị máu mặt với nhiều đàn em là những đối tượng không nghề nghiệp, có tiền án, tiền sự, dám làm liều để khi cần "thu họ" sẽ tham gia.

 

Mặt khác để hợp thức hóa hoạt động cho vay theo kiểu tín chấp dạng này cũng như nhằm "né" lực lượng chức năng, nhiều dân anh chỉ còn thuê cửa hàng, mở tiệm cầm đồ có địa chỉ cố định.
 
Quản lý chặt các cửa hàng cầm đồ để ngăn ngừa hoạt động cho bốc họ, vay họ

Quản lý chặt các cửa hàng cầm đồ để ngăn ngừa hoạt động cho "bốc họ", "vay họ"

 

Qua tìm hiểu, PV được biết: Thông thường các cuộc "vay họ", "bốc họ" hiện nay đều được tiến hành dưới hình thức ký kết hợp đồng "bằng miệng" tức là qua trao đổi điện thoại, gặp nhau trực tiếp mà không hề có bất cứ văn bản ký kết, khế ước nào ràng buộc cả. Mỗi lần "bốc họ", người chơi thường bị chặt "phế" từ 15-20% tổng số tiền đã vay từ "chủ họ". Đến hẹn (thông thường 5 hoặc 10 ngày/lần) dân chơi họ phải đến đóng tiền hoặc bị "chủ họ" cử đàn em tới thu tiền.

 

Trong trường hợp, nếu dân chơi không đóng đủ tiền họ hoặc cố ý chậm đóng thì số đàn em này theo lệnh của "chủ họ" sẽ khủng bố tinh thần (gọi điện thoại đe dọa, ném bom bẩn) thậm chí còn gây sát thương cho dân chơi, gia đình dân chơi. Chưa hết, khi không đủ tiền đóng, dân chơi phải thế chấp, đặt lại tài sản: dây chuyền vàng, xe máy, điện thoại di động v.v.., và rồi "lãi mẹ đẻ lãi con" theo đó xuất hiện. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến dân chơi họ bị chèn ép, còn "chủ họ" thì đút túi một khoản tiền không nhỏ.  

 

Nói tới vấn đề trên, Trung tá Phạm Văn Chiên - Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, "chơi họ", "vay họ" hay "bốc họ" là một hình thức biến tướng của tín dụng đen. Khi tham gia các cuộc chơi dạng này, người đi vay tiền luôn phải chịu mức lãi suất cao cắt cổ. Bên cạnh đó, những đối tượng tổ chức cho "vay họ", "bốc họ" luôn manh động, liều lĩnh, sẵn sàng khủng bố tinh thần đối với người vay họ nếu không lấy đủ tiền đúng hạn.

 

Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, phát hiện xử lý kịp thời các vi phạm có liên quan. Có như vậy "cơn lốc" mang tên "chơi họ", "bốc họ" mới đạt được hiệu quả hữu hiệu. Số vụ việc đau lòng mới được đẩy lùi

 

Theo Như Trang

Công An Nhân Dân