1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hành vi ngược đãi trẻ 8 tháng của người giúp việc có thể xử lý hình sự

(Dân trí) - Như Dân trí đã thông tin về vụ việc anh V. phát hiện con mình bị người giúp việc tên M. cầm chân dốc ngược lên quay nhiều vòng... Nhìn nhận vụ việc ở góc độ luật pháp, luật sư Nguyễn Đức Chánh đưa ra quan điểm: Hành vi của bà M. có thể bị xử lý hình sự về tội hành hạ người khác.

Hình ảnh người giúp việc bạo hành đứa trẻ 8 tháng gây phẫn nộ
Hình ảnh người giúp việc bạo hành đứa trẻ 8 tháng gây phẫn nộ

Để làm rõ hơn căn cứ pháp lý xử lý hành vi tàn ác của bà M., Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh:

Thưa luật sư, sau khi hình ảnh bà M. đối xử tàn tệ với cháu bé 8 tháng tuổi đăng tải trên các phương tiện truyền thông, bạn đọc vô cùng bức xúc và hy vọng có một bản án thích đáng dành cho hành vi vô nhân tính này. Vậy theo quy định pháp luật, hành vi của bà M. có thể xử lý bằng hình thức nào?

Hành vi của người giúp việc tên M. (sinh năm 1963) nắm 2 chân đứa bé 8 tháng tuổi, con của anh V dốc ngược lên, xoay vòng vòng... là hành vi hành hạ người khác, thể hiện việc đối xử tàn bạo và gây nguy hiểm cho cháu bé còn quá nhỏ.

Điều 110 BLHS hiện hành quy định rất rõ về tội hành hạ người khác. Cụ thể, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trong trường hợp phạm tội đối với trẻ em có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm.

Rõ ràng, bà M. là người giúp việc, có trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ thì đứa trẻ là người lệ thuộc vào bà M. Đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể phản ứng nên hành vi của bà M. là hành hạ người khác.

Vậy theo luật sư thì việc Công an phường Phú Hải đề xuất xử phạt hành chính đối với hành vi của bà M. có quá nhẹ không?

Có thể nói việc Công an phường Phú Hải đề xuất xử phạt hành chính là có hơi vội vàng. Vì theo lời người cha của đứa bé thì anh đã nghi ngờ từ trước khi thu thập được chứng cứ là clip ghi hình bằng camera theo dõi. Việc anh lắp camera theo dõi cũng xuất phát từ nghi ngờ trên vì đứa trẻ có biểu hiện từ trước. Điều đó đặt ra vấn đề là có thể đứa trẻ đã bị bạo hành từ trước và bị nhiều lần.

Do đó, theo quy trình, Công an phường Phú Hải có thể ghi nhận biên bản vụ việc và bàn giao cho Công an thành phố Phan Thiết điều tra, xử lý. Nếu quá trình điều tra cho thấy hành vi chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính thì lúc này các cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt cũng chưa muộn. Nếu trong quá trình điều tra mà đối tượng khai nhận hành hạ bé nhiều lần và ở mức nghiêm trọng hơn thì hoàn toàn có thể khởi tố hình sự về tội hành hạ người khác theo Điều 110 BLHS.

Việc cha đứa bé không đồng ý với việc chỉ xử phạt hành chính bà M., yêu cầu đưa lên vụ việc lên Công an TP Phan Thiết điều tra có hợp lý không thưa luật sư?

Như đã phân tích ở trên, hành vi của bà M. có dấu hiệu về tội hành hạ người khác. Do đó, việc ông V. yêu cầu chuyển hồ sơ lên Công an thành phố Phan Thiết để điều tra hành vi có dấu hiệu của tội hành hạ người khác là có cơ sở.

Theo nguyên tắc thì một hành vi chỉ bị xử lý một lần. Nếu Công an phường Phú Hải chỉ mới đề xuất xử phạt hành chính thì có thể dừng để xuất này lại để Công an thành phố Phan Thiết thụ lý điều tra. Nếu đã ban hành quyết định xử phạt hành chính mà quá trình điều tra của Công an thành phố Phan Thiết nhận thấy có dấu hiệu phạm tội hình sự vẫn có thể ra quyết định bãi bỏ quyết định xử lý hành chính trên để khởi tố hình sự.

Vâng, xin cảm ơn luật sư!

Tùng Nguyên (thực hiện)

Hành vi ngược đãi trẻ 8 tháng của người giúp việc có thể xử lý hình sự - 2