Hành trình tăm tối của thanh niên bị lừa sang Myanmar vì ảo mộng 1.000 USD
(Dân trí) - Đ. rời quê sang Thái Lan làm việc với niềm tin sẽ đổi đời nhờ mức lương gần 1.000 USD mỗi tháng. Thế nhưng, thứ đang chờ đón Đ. là chuỗi ngày dài bị ép lừa đảo, bị đánh đập.
Đầu năm 2025, L.Q.Đ. (26 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Ngãi) bị lực lượng an ninh Myanmar bắt giữ khi đang làm việc trong một công ty lừa đảo xuyên quốc gia. Sau đó, Đ. bị trục xuất về nước.
Với Đ., bị bắt rồi trục xuất về nước lại là điều may mắn. Bởi nhờ đó chàng trai trẻ mới có thể thoát được chuỗi ngày bị ép làm việc phi pháp, bị đe dọa, đánh đập.

Công an Quảng Ngãi làm việc với một nạn nhân bị lừa sang Myanmar làm việc phi pháp (Ảnh: Công an Quảng Ngãi).
Hành trình đưa Đ. đến chốn tăm tối ấy bắt đầu từ những cuộc trò chuyện trên Facebook. Một người quen rủ Đ. sang Thái Lan làm công việc văn phòng trong một công ty nước ngoài với thu nhập gần 1.000 USD mỗi tháng. Thấy lời mời hấp dẫn, Đ. lên đường với hy vọng đổi đời.
Sau khi đặt chân đến Thái Lan, nhóm môi giới đã ép buộc Đ. vượt biên sang Myanmar. Tại đây, Đ. được đưa vào làm việc cho một tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia.
Đ. bị các đối tượng lừa đảo thu giữ điện thoại, giấy tờ tùy thân. Sau đó, Đ. bị ép tham gia vào việc lừa đảo qua mạng xã hội. Đ. và hàng trăm người khác phải làm việc từ sáng sớm đến tận khuya dưới sự giám sát chặt chẽ của các đối tượng người nước ngoài.
“Họ nhốt tôi với hàng trăm người khác trong một tòa nhà kín mít, khắp nơi có gắn camera giám sát và có người canh giữ. Mỗi người được phát cho một máy tính, 2 điện thoại cùng nhiều tài liệu hướng dẫn để lừa đảo”, Đ. chia sẻ.
Đ. được giao nhiệm vụ tìm kiếm “con mồi” trên mạng xã hội để lừa đảo. Mỗi ngày Đ. phải lừa được hàng chục triệu đồng nếu không sẽ bị đánh đập.
“Chúng tôi làm không đạt chỉ tiêu là bị đánh đập. Những ai muốn về phải gọi cho gia đình nộp cho tổ chức lừa đảo hàng trăm triệu đồng mới có thể thoát thân”, Đ. chia sẻ.
Anh L.T.T., trú tại xã Vạn Tường, tỉnh Quảng Ngãi cũng là nạn nhân của các tổ chức lừa đảo tại Myanmar. Giống như Đ., anh T. cũng bị dụ dỗ sang Thái Lan làm việc với mức lương hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.
"Qua tới Thái Lan họ tiếp tục đưa tôi sang Myanmar. Ở đó, tôi bị ép chỉnh sửa thông tin trên các tài khoản Facebook giả để lừa đảo. Các kế hoạch lừa đảo rất tinh vi, có sự chỉ đạo, phối hợp nhịp nhàng khiến nhiều người sập bẫy”, T. nói.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi, T. và Đ. chỉ là hai trong số hàng trăm người Việt Nam từng bị dụ dỗ và bị bán vào các trung tâm lừa đảo nằm dọc khu vực Tam Giác Vàng.
Hầu hết các nạn nhân đều tin vào thông tin quảng cáo “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội để rồi rơi vào các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.
Do đó, người dân mà đặc biệt là giới trẻ cần cảnh giác trước các lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok.
Người dân có nhu cầu đi lao động nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thông tin tránh bị lừa đảo. Khi nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu bất thường, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Quảng Ngãi để được hỗ trợ.