1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hai cựu giảng viên làm lộ đề môn sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 lĩnh án

Nguyễn Hải

(Dân trí) - HĐXX đánh giá hành vi làm lộ đề thi môn sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021 của bị cáo Sâm, My vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, vi phạm pháp luật.

Sau gần một ngày xét xử, chiều 14/7, Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Sâm (74 tuổi) 12 tháng tù, cải tạo không giam giữ; bị cáo Phạm Thị My (60 tuổi, cùng là cựu giảng viên) 13 tháng 4 ngày tù, bằng thời gian tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 

Hội đồng xét xử (HĐXX) đánh giá, hành vi của các bị cáo vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, gây bức xúc cho dư luận.

Từ đó, ảnh hưởng xấu đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Theo HĐXX, kết quả các kỳ thi từng năm sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến từng mặt của đời sống xã hội, tương lai của các thế hệ thanh thiếu niên, nếu xảy ra hiện tượng tiêu cực xung quanh việc tổ chức kỳ thi sẽ gây phản ứng không tốt trong dư luận xã hội, ảnh hướng xấu đến uy tín của nhà nước, ngành giáo dục. 

Cũng theo HĐXX, việc xét xử các bị cáo với các hành vi phạm tội lần này ngoài tác dụng giáo dục riêng với các bị cáo còn là bài học cảnh tỉnh với người khác phạm tội tương tự.

Tại phần xét hỏi, bị cáo Bùi Văn Sâm nói rằng bản thân rất ân hận, đau khổ vì sai lầm của mình dẫn đến việc phải đứng trước phiên tòa. 

Ông Sâm thừa nhận, đã mang các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 dạy cho 4 học sinh sắp thi tốt nghiệp THPT nhưng không đưa thêm tài liệu gì.

"Lúc đó bị cáo thấy cũng không ai cấm người ra đề thi mang câu hỏi của mình ra dạy, câu hỏi thì cũng không phải là bí mật Nhà nước", ông Sâm khai.

Tại tòa, bị cáo Phạm Thị My nhiều lần bật khóc, cho rằng bản cáo trạng có nhiều chi tiết chưa chính xác. 

Hai cựu giảng viên làm lộ đề môn sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 lĩnh án - 1

Bị cáo Bùi Văn Sâm tại phiên xét xử (Ảnh: Nam Ninh)

Nữ bị cáo khẳng định tài liệu mang ra khỏi khu vực xây dựng đề thi không phải là câu hỏi mà chỉ là ý tưởng câu hỏi do bị cáo nghĩ ra.

Từ các ý tưởng này, ông Sâm và bà My chỉnh sửa thành câu hỏi để đưa vào ngân hàng câu hỏi.

Bị cáo My cũng phủ nhận việc biết quy luật lựa chọn đề thi của máy chủ, những năm trước việc sắp xếp bản cứng câu hỏi được thực hiện thủ công, từng thành viên trong tổ ra đề thi tự xếp vào 40 ô ngẫu nhiên, bà không có quyền can thiệp vào nội dung.

Cáo trạng thể hiện, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi theo hai giai đoạn.

Khi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành 5 đợt. Trong 5 đợt trên, ông Sâm và bà My, đều là cựu giáo viên Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội, được phân công làm tổ trưởng và tổ phó.

Đến giai đoạn tổ chức ra đề thi, bà My và ông Sâm tiếp tục làm tổ trưởng và thẩm định viên của tổ ra đề môn Sinh học.

Ở giai đoạn 1, khi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, bà My 3 lần mang các tài liệu ra khỏi khu vực quy định.

Nhận các tài liệu trên, ông Sâm chỉnh sửa trực tiếp trên bản in, trao đổi để bà My ghi chép lại, đưa về nhà chỉnh sửa, hoàn thiện.

Hai người này sau đó đưa nội dung câu hỏi này vào ngân hàng câu hỏi trong các đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi tiếp theo.

Biết được quy luật rút câu hỏi của phần mềm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Sâm, bà My thống nhất sắp xếp câu hỏi do mình biên soạn, biên tập vào các vị trí chọn sẵn với mục đích để khi được chọn thì các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp.

Sau đó khi tham gia Hội đồng ra đề thi, họ sẽ chọn các tổ hợp câu hỏi này để làm đề thi chính thức.

Cùng quá trình đó, hai người này còn dùng các câu hỏi đã được đưa vào ngân hàng câu hỏi thi để ôn thi cho 8 học sinh lớp 12 có mối quan hệ họ hàng, quen biết muốn xét tuyển đại học khối B.