1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bình Phước:

Hai bản án trái ngược, một gia đình khốn khổ càng thêm bi đát

(Dân trí) – Chồng con bạo bệnh, được bạn đọc báo quyên góp ủng hộ tiền. Sau chữa bệnh, còn chút tiền dư, vợ chồng chị Yên mua mảnh đất, cất căn nhà để che nắng, che mưa. Nhà xây lên, người bán đất bất ngờ đòi hủy hợp đồng, buộc đập nhà, trả lại đất.

Cảnh bi đát của một gia đình

Cầm hai bản án với kết quả trái ngược nhau, chị Hoàng Thị Hồng Yên (SN 1968, ngụ tổ 24, ấp 9, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) chỉ biết thở dài. Cái cảnh “người nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo” cứ vận vào cuộc sống gia đình chị. Bệnh tật hoành hành, dành dụm chút ít mua mảnh đất, cất cái nhà che nắng che mưa, những tưởng rồi cuộc sống sẽ bình yên. Nào ngờ, những quyết định tréo ngoe của 2 cấp xử tòa án huyện tỉnh và sự tráo trở của tình người khiến gia đình chị đã khốn khổ càng thêm bi đát.

Chị Hồng Yên cùng chồng là Trần Văn Hoa trước đây sống ở tổ 7, ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vợ chồng chị có 4 người con. Thế nhưng, đôi vợ chồng sống bằng những ngày công làm thuê trên nương rẫy trở nên khó khăn khi tai họa liên tiếp ập xuống. Anh Hoa bị tai biến mạch máu não, tinh thần lúc tỉnh, lúc mê, chân tê bại nên không lao động được.

Tháng 9/2003, trong lần đưa con trai Trần Văn Thịnh (lúc đó 4 tuổi) đi đến bệnh viện Ung bướu TPHCM tái khám, chị Yên dắt theo anh trai của Thịnh là Trần Văn Đạt (lúc đó 7 tuổi) đi cùng. Đạt bị ngất, các bác sĩ phát hiện cháu bị bệnh động kinh. Thế là anh nằm một khoa, em nằm một khoa. Chồng nằm một chỗ, mình chị Yên phải tất tả ngược xuôi từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên TPHCM chăm 2 con trai. Hai con gái đầu của anh chị là Trần Thị Thúy Hiền (SN 1991), Trần Thị Kiều Diễm (SN 1993) lúc ấy còn nhỏ, phải gửi cho hàng xóm cưu mang việc ăn ở, học hành. Ngoài chạy vạy, vay mượn, chị Yên quyết định cầm cố căn nhà cấp 4 đang ở để có tiền chữa trị cho chồng con.

Thương cảm hoàn cảnh của chị, báo Bà Rịa – Vũng Tàu và báo Phụ nữ TPHCM từng viết bài kêu gọi lòng hảo tâm của đông đảo bạn đọc gần xa chung tay giúp đỡ. Cơn bạo bệnh tạm qua, nhưng nhà cửa đã bán sạch, gia đình chị Yên dắt díu nhau về xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước để kiếm kế mưu sinh.

Cả gia đình 6 nhân khẩu thuê căn nhà trọ của một cô giáo để ở. Thấy mảnh đất bên cạnh nhà trọ rao bán, còn chút tiền do bạn đọc, bà con ủng hộ chắt chiu lại sau khi chữa bệnh, vợ chồng chị Yên đã mua miếng đất đó.

Lấy lại đất đã bán, không bồi thường ngôi nhà mới xây

Bán đất cho vợ chồng chị Yên là người hàng xóm tên Trần Văn Thiên. Hợp đồng chuyển nhượng ngày 23/11/2009, ông Thiên đồng ý bán cho vợ chồng chị Yên toàn bộ thửa đất diện tích 538m2 tọa lạc tại tổ 24, ấp 9, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước với giá 70 triệu đồng. Ông Thiên hẹn trong thời gian 60 ngày sẽ sang tên trong giấy chứng nhận chủ quyền đất. Vợ chồng chị Yên đã trả trước số tiền 45 triệu đồng, còn lại 25 triệu đồng sẽ trả khi ông Thiên hoàn tất thủ tục sang tên.

Có đất, vợ chồng chị Yên tiến hành xây cất căn nhà cấp 4 để cả gia đình có chỗ ở. Thế nhưng, đất đã mua, nhà đã xây, còn thủ tục sang tên chủ quyền thì vẫn chưa được ông Thiên thực hiện như đã giao ước.
 
Lúc này, chị Yên mới biết lý do không sang tên được là vì phần đất ông Thiên bán cho mình, người đứng chủ quyền là ông Trần Văn Thiệu, cha ông Thiên. Hơn nữa, do trên mảnh đất cái giếng nước nằm ở vị trí chị Yên xây nhà nên khi thi công, chị Yên buộc phải lấp giếng để lấy mặt bằng. Ông Thiên lấy lý do chị Yên tự ý san lấp giếng của mình nên làm khó dễ, không chịu sang tên.
 
Hai bản án trái ngược, một gia đình khốn khổ càng thêm bi đát
Chủ cũ đòi hủy hợp đồng, lấy lại đất, từ chối bồi thường thiệt hại vì cho rằng chị Yên tự ý xây nhà

Để tạo điều kiện cho gia đình yên ổn làm ăn, sinh sống, chị Yên khởi kiện ra tòa yêu cầu buộc ông Thiên phải tiếp tục hợp đồng, sang tên phần đất có diện tích 538m2 đã chuyển nhượng để gia đình chị tiếp tục sử dụng, ổn định cuộc sống. Buộc ông Thiệu phải tạo điều kiện cho chị Yên sang tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Thiên yêu cầu tòa hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa ông với vợ chồng chị Yên, yêu cầu lấy lại đất đã chuyển nhượng và đồng ý trả lại tiền đã nhận của chị Yên. Bị đơn cũng yêu cầu nguyên đơn bồi thường thiệt hại cho mình giá trị giếng nước là 16 triệu đồng.

Ông Thiệu thì cho biết, mảnh đất này ông đã giao cho con trai là ông Thiên toàn quyền sử dụng. Từ năm 1998, UBND huyện Đồng Phú cấp sổ đỏ cho toàn bộ thửa đất này nhưng ông Thiệu chưa sang tên cho ông Thiên. Khi bán cho chị Yên, ông Thiệu cũng có ký tên xác nhận và giao dịch được chính quyền địa phương chứng thực. Ông Thiệu cũng đồng ý sang tên cho vợ chồng chị Yên nếu như con trai ông đồng ý.

Trong khi đó, ông Thiên cho rằng vợ chồng chị Yên xây nhà mà không có ý kiến cho phép của ông, tự ý lấp giếng. Ông Thiên đòi chị Yên phải trả lại mảnh đất nhưng không đồng ý đền bù cái nhà đã xây vì cho rằng nhà này vợ chồng chị Yên xây nhưng ông không hề biết. Ông Thiên đề nghị nếu chị Yên muốn tiếp tục sử dụng miếng đất này thì phải trả số tiền là 180 triệu đồng theo giá trị đất hiện tại. Còn không, phải hủy hợp đồng vì hợp đồng vi phạm về hình thức.

Khổ vì 2 bản án trái ngược nhau

Bản án sơ thẩm số 06/2012/ST-DS ngày 27/6/2012 của TAND huyện Đồng Phú nhận định: việc ông Thiên nói vợ chồng chị Yên xây nhà mà không có ý kiến mình là không có cơ sở vì ông Thiên là hàng xóm, những lần khởi công, hoàn thiện công trình đều được mời dự tiệc. “Việc chưa sang tên trong chứng nhận quyền sử dụng đất hoàn toàn do lỗi của ông Trần Văn Thiên”, bản án ghi.
 
Do vậy, bản án sơ thẩm đã chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn, tuyên công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập giữa vợ chồng ông Trần Văn Thiên với vợ chồng chị Yên vào ngày 23/11/2009 là có hiệu lực. Buộc các bên phải có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện các quy định về hình thức của hợp đồng việc chuyển quyền sử dụng đất. Giao vợ chồng chị Yên được quyền sử dụng phần đất có diện tích 538m2. Buộc vợ chồng ông Thiên, ông Thiệu phải tạo điều kiện cho vợ chồng chị Yên được sang tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Gia đình chị Yên mong chờ sự công tâm của các cấp xét xử
Gia đình chị Yên mong chờ sự công tâm của các cấp xét xử

Bản án sơ thẩm đã tuyên, niềm vui vừa được nhen nhóm trong gia đình “đã nghèo gặp phải cái eo” chưa bao lâu thì phía bị đơn kháng cáo.

Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bình Phước lại cho rằng trong 2 lần tiến hành định giá tài sản và một lần thẩm định tại chỗ nhưng bà Trần Thị Xanh (vợ ông Thiện) là đồng bị đơn và ông Thiện là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều không tham dự. Thành phần hội đồng giám định tài sản không đúng quy định, biên bản định giá không thể hiện căn cứ vào văn bản pháp luật nào hoặc căn cứ vào giá cả thị trường tại địa phương để định giá là vi phạm. Cấp phúc thẩm cũng cho rằng giữa ông Thiên và ông Thiệu vẫn còn tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản về diện tích đất 538m2 (?)…

Chính vì những lý do trên, bản án phúc thẩm số 75/2012/DSPT ngày 3/10/2012 của TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên hủy bản án sơ thẩm số 06/2012/DSST ngày 27/6/2012 của TAND huyện Đồng Phú và chuyển hồ sơ cho TAND huyện Đồng Phú giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

Cầm bản án phúc thẩm trong tay, hai vợ chồng nghèo Trần Văn Hoa và Hoàng Thị Hồng Yên chỉ biết thinh lặng nhìn nhau. Đời họ nghèo. Nghèo đến nỗi không có tiền nộp án phí và phải xin giấy xác nhận của chính quyền địa phương để tòa có căn cứ miễn số tiền án phí dù là nguyên đơn của vụ kiện.

Bao năm chờ đợi, mòn mỏi đặt niềm tin vào công lý, giờ nhận 2 bản án trái ngược nhau. Những giọt nước mắt buồn đau dồn nén bấy lâu chực trào, lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ.

Công Quang