1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hà Nội: Siêu lừa tiền tỷ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật

(Dân trí) - Vay hàng chục tỷ đồng của bạn bè, hàng xóm, vợ chồng ông Thành, bà Thu bất ngờ “cao chạy xa bay”, bỏ trốn khỏi địa phương trước sự nháo nhác của hàng loạt chủ nợ.

Vay cả chục tỷ đồng rồi “biến mất”

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu và ông Trần Ngọc Thành vốn là chủ cửa hàng vàng bạc Kim Thành (số 67 phố Phùng Khắc Khoan, phường Quang Trung, TX Sơn Tây, Hà Nội). Trước khi bỏ trốn khỏi nơi cứ trú, lợi dụng lòng tin của nhiều người, đôi vợ chồng này đã “ẵm” được từ nhiều người dân địa phương cả chục tỷ đồng. Chỉ tính sơ sơ mấy người đi tố cáo, số tiền mà vợ chồng này “mượn” được cũng đã ngót ngét gần 11 tỷ đồng.

Thủ đoạn của cặp vợ chồng này khá tinh vi, đa phần hướng đến những người là bạn bè, khách hàng thân quen. Dở bài khoe khoang là chủ tiệm vàng có thế lực, quan hệ rộng, đã đầu tư nhiều dự án “khủng”…, vợ chồng này ngon ngọt đưa ra nhiều lý do “chính đáng” nhằm dụ dỗ hàng loạt người cho vay tiền để “kinh doanh” và trả lãi cao hơn lãi suất ngân hàng. Khi chiếm được lòng tin, vay được nhiều tiền, vợ chồng cầm cả cục lặn mất tăm. Đến hạn thanh toán, tìm đến đòi nợ, nhiều người dân ở Sơn Tây mới tá hỏa biết mình đã ăn “quả lừa”.

Bà Nguyễn Thị Khoa vì nhẹ dạ cả tin mà đã cho vợ chồng Thu - Thành vay hết số tiền chắt bóp của gia đình. “Do tin tưởng giữa chúng tôi và gia đình chị Thu, anh Thành là bạn bè thân quen nên đã cho họ mượn tiền. Đến hạn, tôi liên tục sang nhà yêu cầu trả nợ thì họ cứ một mực khất nợ lần này đến lần khác. Cứ thế dần dà tin nhau, ai ngờ lại bị vào tròng như thế… Rồi từ ngày 24/6/2012, vợ chồng nhà này đã lẻn trốn khỏi địa phương, đến nay thì tôi chẳng thể liên lạc được và chẳng biết họ đang ở đâu.”

Không riêng gì bà Khoa, nhiều người dân ở TX Sơn Tây đã liên tục làm đơn lên Công an địa phương tố cáo bà Thu, ông Thành đã có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của họ. Tuy nhiên, gần một năm qua, các đơn kêu cứu của hàng loạt nạn nhân của cặp vợ chồng siêu lừa này không được giải quyết thỏa đáng.

“Một năm qua, chúng tôi nhiều lần có đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của ông Thành bà Thu và con trai của họ đến Công an Thị xã Sơn Tây nhưng cho đến nay vụ việc của chúng tôi vẫn không được giải quyết. Các đối tượng nợ tiền đã bỏ trốn khỏi địa phương nhưng CQĐT vẫn không khởi tố vụ án, khởi tố bị can, gây mất niềm tin của chúng tôi về cơ quan pháp luật tại địa phương.” - ông Hoàng Mạnh Cầm bức xúc.

Làm ngơ?

Danh sách bị vợ chồng Thu, Thành lừa ngày càng dài. Mặc dù hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền vay của 2 đối tượng này là khá rõ nhưng thật ngạc nhiên, CQĐT CATX Sơn Tây lại tỏ thái độ “che chắn”, cho rằng hành vi của vợ chồng Thu, Thành không cấu thành tội phạm.

Theo CQĐT CATX Sơn Tây, có 5 người dân có đơn trình báo và CQĐT đã thụ lý giải quyết. “Vợ chồng Thu, Thành đã bỏ trốn trước khi những người này có đơn. Khi có thông tin vợ chồng này bỏ trốn, CQ ĐT đã dùng tất cả biện pháp nghiệp vụ để truy tìm nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong 5 người có đơn tố cáo thì có 2 trường hợp vay mượn thông qua hợp đồng và có lãi. Từ đó chúng tôi xác định không có dấu hiệu hình sự và ra quyết định không khởi tố vụ án, trả đơn hướng dẫn người có đơn kiện ra tòa dân sự.” - Thượng tá Phan Văn Kiểm, Phó Trưởng CATX Sơn Tây - cho biết.

Trong hợp đồng vay mượn của 2 trường hợp trên, ngoài chữ ký của hai bên vay - mượn còn có người làm chứng. Điều đáng nói, người làm chứng ở đây lại chính là con trai của vợ chồng Thu, Thành - Trần Ngọc Sơn . Đáng nói hơn, Sơn còn “cộp” dấu đỏ của Công ty TNHH Sơn Dũng do mình làm Giám đốc để những người cho vay tiền thêm tin tưởng. Trước câu hỏi của PV liệu đây có được xác định là một dấu hiệu lừa đảo không, Thượng tá Kiểm không bình luận gì.

Thượng tá Kiểm nói rằng, CQĐT cũng rất muốn xử lý nhưng vì việc vay mượn là để kinh doanh, trong hồ sơ, căn cứ thu thập cho thấy đó chỉ tranh chấp dân sự nên không xử lý hình sự được. Nhưng khi PV hỏi, trước khi CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án đã xác định được số tiền gần 11 tỷ mà vợ chồng Thu, Thành vay từ người dân đã được sử dụng như thế nào, CQĐT thừa nhận vì đối tượng bỏ trốn nên chưa làm rõ được.

Liên quan đến hành vi của vợ chồng Thu, Thành có cấu thành tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, một số luật sư được phóng viên tham vấn phân tích: Để xác định một người có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không có 4 yếu tố cấu thành. Ở đây, chủ thể có năng lực hành vi đã được xác định là vợ chồng Thu, Thành. Khách thể ở đây là lợi ích tài sản bị xâm phạm là số tiền gần 11 tỷ đồng cũng đã xác định rõ.

Để xác định mặt chủ quan - người thực hiện hành vi - cố ý hay vô ý cũng không phải là khó. Cái quan trọng nhất là xác định mặt khách quan của tội phạm. Cần làm rõ 2 căn cứ cơ bản là đã có hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt hay không.

Cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chứng minh được chủ tâm của vợ chồng Thu, Thành khi vay tiền là nhằm mục đích gì. Ví dụ trong nhiều giấy vay tiền là để “kinh doanh” thì CQĐT phải xác minh có đúng ông bà này sử dụng vào mục đích đó hay không, nếu khác thì đó là hành vi gian dối.

“Khi hành vi gian dối đã được xác định thì nó là điều kiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Theo nhiều chủ nợ, số tiền đó đã được vợ chồng này sử dụng vào việc ăn tiêu cá nhân. Cái này cần phải được làm rõ.”- một luật sư đề nghị.

Trên thực tế, lợi dụng kẻ hở của pháp luật, nhiều đối tượng như vợ chồng Thu, Thành đã lách luật, thực hiện hành vi lừa đảo nhưng biến hành vi phạm tội của mình thành quan hệ dân sự. Ở đây, việc vay tiền của vợ chồng Thu, Thành là để sử dụng vào mục đích khác chứ không phải kinh doanh. Vấn đề then chốt này CQĐT chưa làm rõ nhưng đã “vội vàng” ra quyết định không khởi tố vụ án khiến người dân nghi ngờ CSĐT đã “làm ngơ” trước hành vi của vợ chồng “siêu lừa” này.

Tố Linh