Hà Nội: Hai đại gia được xóa án tích

(Dân trí) - Từng đảm nhiệm chức vụ trưởng thôn, đều bị nhận án tù về tội danh “lợi dụng quyền hạn, chức vụ”, hết thời gian thụ án, hai người đều trở thành đại gia của làng nghề gỗ Vân Hà.

2 trưởng thôn lĩnh án tù đều trở thành đại gia

Chiều 25/9, tại UBND xã Vân Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội), nhiều người dân trước kia từng là tội phạm đã mãn hạn tù và chấp hành xong các hình phạt bổ sung đã có mặt theo thông báo của Công an huyện Đông Anh để làm thủ tục và nhận giấy chứng nhận xóa án tích.

Trong số hàng trăm người từ thanh niên đến người già một thời từng lầm đường lạc lối và lĩnh án tù có mặt tại UBND xã Vân Hà, không thấy ai có vẻ bặm trợn như dân giang hồ.

Một người đàn ông với chiến áo sơ mi trắng và cặp kính trắng trên khuôn mặt đã làm tôi chú ý. Mọi người giới thiệu ông là trưởng thôn Thiên Bình, một đại gia của làng nghề chuyên sản xuất đồ gỗ ở xã Vân Hà.


Trưởng thôn Nguyễn Văn Quyến từng lĩnh án tù và trở thành đại giacủa xã Vân Hà.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Quyến từng lĩnh án tù và trở thành đại giacủa xã Vân Hà.

Năm nay đã ở tuổi 62, ông Nguyễn Văn Quyến nhớ lại, ông giữ chức trưởng thôn Thiên bình thời gian 2005 – 2008. Thời gian đó, làng nghề xã Vân Hà hoạt động sôi nổi, tấp nập, người dân giàu có nhưng đường thôn ngõ xóm lầy lội, xuống cấp…, ông Quyến đi vận động nhân dân trong xóm và các xưởng sản xuất, doanh nghiệp… đóng góp tiền để làm đường, làm kênh mương nội đồng, cống thoát nước thải cho cả xóm theo mô hình nông thôn mới ngày nay.

Ông Quyền kể, số tiền ông vận động thu được nhiều đến mức chính ông cũng bất ngờ: trên 3 tỷ đồng!Khi đó chưa có chủ trương được tự ý đi vận động, quyên góp tiền của người dân để tự xã hội hóa làm nông thôn mới như hiện nay. Thế là người ta đâm đơn kiện tôi. Tôi bị xử 15 tháng tù treo với tội danh “lạm dụng, quyền hạn và chức vụ”.

Ông Quyến thẳng thắn nói với chúng tôi: “Cái chức trưởng thôn như “thằng ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” lương thì không có, bổng thì cũng không nốt, cũng chẳng tơ hào đồng nào của bà con lối xóm nên được Toà hưởng án treo”.

Chấp nhận bản án tù treo, có phần mặc cảm với xã hội nhưng ông Quyến luôn hãnh diện về sự đàng hoàng của mình là không ăn tiền của bà con lối xóm nên mọi người vẫn rất quý trọng tiếp tục bầu ông giữ chức trưởng thôn.

“Từng có thời điểm cấp trên bảo bầu trưởng thôn mới nhưng người dân trong làng nhất quyết không nghe nếu không để cho tôi làm trưởng thôn”, ông Quyến kể lại với giọng đầy tự hào.

Ông Quyến mở doanh nghiệp tại làng, vẫn với mặt hàng truyền thống: sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ. Công ty của ông ngày càng ăn ra làm nên, mở rộng quy mô. Ông thu nạp nhiều người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng con em chính sách… để tạo công ăn việc làm, tham gia nhiều hoạt động từ thiện…

Việc ông làm nổi tiếng đến mức được Sở LĐ-TBXH, các ban ngành Thành phố liên tục về thăm; các địa phương đến học tập mô hình, mời đi nói chuyện, phổ biến kinh nghiệm, gương sáng…

Năm 2010, trong sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông được vinh danh “Doanh nhân tiêu biểu”; được công nhận nghệ nhân ưu tú của làng nghề thủ công mỹ nghệ Vân Hà. Ngoài ra ông đã hai lần được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng bằng khen.


Hàng chục người đến UBND xã Vân Hà làm thủ tục xoá án tích sau khichấp hành xong án tù.

Hàng chục người đến UBND xã Vân Hà làm thủ tục xoá án tích sau khichấp hành xong án tù.

Đại gia thứ 2 của xã Vân Hà cũng được xoá án tích là ông Nguyễn Văn Minh, (SN 1958), trưởng thôn Cổ Châu giai đoạn 2008. Ông Minh bị khép án “Cố ý làm trái pháp luật và tham ô tài sản của nhà nước; nhận án tù 6,5 năm nhưng thụ án 4 năm do cải tạo tốt, nhân thân tốt, ông được đặc xá về trước thời hạn 2,5 năm.

“Tôi cũng vận động nhân dân cải tạo thùng vũng, ao chuôm làm đất mặt đường rồi phân lô bán lấy kinh phí để làm đường. Quá trình thực hiện, tôi có chiếm hưởng số tiền 62 triệu đồng và bị cáo buộc về tội tham ô, nên bị nhận án phạt” – ông Minh thẳng thắn.

Hết thời hạn thụ án, ông Minh cũng mở doanh nghiệp và trở thành đại gia, tỷ phú của làng nghề gỗ Vân Hà. Nhắc đến ông Minh, nhiều người dân chỉ về công làng được xây dựng khang trang trong đó ông Minh đóng góp số tiền 300 triệu đồng.

Đông Anh đi đầu xoá án tích cho người chấp hành xong án phạt tù


Bí thư xã Vân Hà, Nguyễn Đình Chiến.

Bí thư xã Vân Hà, Nguyễn Đình Chiến.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Bí thư xã Vân Hà kể rằng, đặc thù kinh tế của người dân xã Vân Hà chủ yếu là các gia đình nghệ nhân làng nghề chăm chỉ làm ăn. Về mặt địa lí giáp với quê hương Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh), nơi nổi tiếng với những lễ hội đầu năm và kéo dài tới vài tháng.Và lễ hội ở vùng quê thường kèm theo tệ nạn cờ bạc, có những lễ hội mà lực lượng Công an bắt tới vài chục con bạc. Vì thế, thế những người phạm tội ở quê hương Vân Hà chủ yếu là do có máu “bác thằng bần”, chứ gần như không có loại tội phạm hình sự nghiêm trọng như cướp của giết người.

Trưởng công an xã Vân Hà Đào Công Tuyển cho hay: đây là lần đầu tiên tại địa phương tổ chức cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho những người đã thực hiện xong án phạt. Có những trường hợp, người thụ án đã thực hiện xong án cả chục năm nhưng vẫn không đi thực hiện quyền, nghĩa vụ này của mình.

“Hầu hết mọi người không để ý đến quy chế đã được quy định rất cụ thể này. Có người, chấp hành án xong, được ra nhưng cũng không còn giữ những giấy tờ để thực hiện quyền lợi này của mình”, ông Tuyển cho biết

Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết, Phó trưởng Công an huyện Đông Anh, một sĩ quan cảnh sát khá nổi tiếng của Công an TP Hà Nội trong lĩnh vực cải cách hành chính tư pháp. Vào những năm trước đây, khi Thượng tá Thuyết còn giữ chức Phó trưởng Công an huyện Phúc Thọ, ông từng được nhiều người dân trong vùng biết đến về việc chỉ đạo cán bộ Công an về tận nhà dân làm sổ hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân cho những người già, gia đình có công cách mạng.


Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết, Công an huyện Đông Anhđi đầu trong việc xoá án tích cho người chấp hành xong án phạt tù.

Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết, Công an huyện Đông Anhđi đầu trong việc xoá án tích cho người chấp hành xong án phạt tù.

Thượng tá Thuyết tâm sự, về quy định của pháp luật thì những người chấp hành xong án phạt tù thực hiện xong các nghĩa vụ khác của bản án và sau thời gian thử thách trở thành công dân tốt họ được quyền xoá án tích. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do mà người dân quên đi nghĩa vụ này. Có những người không biết thủ tục hành chính, trình tự; có những người bị mất giấy tờ sau khi ra trại, hoặc tâm lý không muốn nhắc lại việc mà không ai muốn nhắc…

Theo Thượng tá Thuyết, hầu hết các đối tượng sau khi chấp hành xong án phạt tù không có đầy đủ hồ sơ giấy tờ để chứng minh nhân thân khiến lực lượng Công an mất cả năm trời đi gõ cửa các phòng nghiệp vụ Công an thành phố, các trại giam, Toà án, cơ quan Thi hành án… để xác minh lại. Ví như xã Vân Hà có 113 đối tượng đủ điều kiện xoá án tích thì có tới hơn 70% trong số này không có đầy đủ hồ sơ giấy tờ.

Thượng tá Thuyết cho biết, Công an huyện Đông Anh đã có văn bản báo cáo Ban giám đốc Công an TP Hà Nội về việc xin chủ trương phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện việc xóa án tích cho người chấp hành xong án phạt tù

Theo đó, Công an huyện Đông Anh sẽ tổ chức hướng dẫn cho 3.206 đối tượng thực hiện thủ tục xóa án tích, cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người chấp hành xong án phạt tại tại 23 xã và 1 thị trấn trên toàn huyện.Thời gian thực hiện kéo dài khoảng một năm.

Tuấn Hợp